Chủ thể PBGDPL là tất cả những người mà theo sự phân công của xã hội phải thực hiện chức năng và mục đích PBGDPL. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của chủ thể PBGDPL có thể chia thành chủ thể chuyên nghiệp và chủ thể không chuyên nghiệp.
Chủ thể chuyên nghiệp là những người mà chức năng và nhiệm vụ chính của họ là thực hiện mục đích và nhiệm vụ PBGDPL. Đó là các báo cáo viên, tuyên truyền viên về pháp luật ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước; các phóng viên, biên tập viên của các báo, đài phụ trách các chuyên mục pháp luật hoặc liên quan đến pháp luật; giáo viên, giảng viên dạy về pháp luật trong hệ thống giáo dục, hệ thống giáo dục chính trị v.v.
Chủ thể không chuyên nghiệp là những người mà chức năng chính không phải là PBGDPL nhưng thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ có tác động tới PBGDPL. Đó là các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; cán bộ, công chức hành pháp, tư pháp; luật sư; một số cán bộ của Đảng và đoàn thể chính trị - xã hội.
Chủ thể tổ chức PBGDPL được hiểu là các cơ quan, tổ chức tham gia tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Tùy thuộc vào nội dung, hình thức, phương pháp và đối tượng PBGDPL, các chủ thể tổ chức PBGDPL là khác nhau. Tuy nhiên, chủ thể có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện PBGDPL
là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có chức năng trong hoạt động này. Trong tổ chức PBGDPL cho nông dân, chủ thể tổ chức PBGDPL là các cơ quan sau:
Chính phủ: Tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật.
Các bộ, cơ quan ngang bộ: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật cho nông dân thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ. Bộ phận pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm giúp lãnh đạo đơn vị tổ chức thực hiện công tác PBGDPL cho nông dân trong phạm vi quản lý của đơn vị mình.
UBND các cấp: Tổ chức thực hiện công tác PBGDPL cho nông dân trên địa bàn. Trực tiếp giúp UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ này là các cơ quan tư pháp tại địa phương (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp).
Các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp; Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội: Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia tổ chức PBGDPL cho các đối tượng nhân dân, trong đó có nông dân. Các chủ thể tổ chức PBGDPL phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình tổ chức PBGDPL để không chồng chéo đối tượng, bỏ sót địa bàn, nội dung nhằm đạt được hiệu quả PBGDPL cao nhất.
Bên cạnh các cơ quan, tổ chức của nhà nước, chủ thể tổ chức PBGDPL đối với nông dân còn có thể là Hội Nông dân, các cán bộ, hội viên của Hội Nông dân các cấp, trưởng thôn, trưởng xóm, những người có ảnh hưởng tới người dân nông thôn. Hội Nông dân có thể tổ chức PBGDPL cho người nông dân tại địa phương mình một cách tự giác hoặc cũng có thể vì chính lợi ích chung của Hội Nông dân.