Hệ thống pháp luật cho nông dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân từ thực tiễn tỉnh thái nguyên (Trang 46 - 48)

Hệ thống văn bản pháp luật chính là điều kiện để thực hiện tổ chức PBGDPL. Nếu hệ thống văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, chồng chéo hoặc thiếu toàn diện thì việc triển khai hoạt động PBGDPL sẽ bị động, lúng túng và thiếu sự ổn định. Ngược lại, các quy định của pháp luật càng hoàn thiện thì chất lượng tổ chức PBGDPL càng được nâng cao.

Như đã phân tích ở trên, nội dung PBGDPL cho nông dân gồm 02 nhóm nội dung: Nhóm nội dung PBGDPL chung cho công dân, nhóm nội dung PBGDPL liên quan đến nông dân tại nông thôn. Do vậy, đánh giá mức độ hoàn thiện của nội dung pháp luật cho nông dân chính là việc xem xét mức độ hoàn thiện của 02 nhóm nội dung PBGDPL cho nông dân.

Nhóm nội dung pháp luật phổ biến, giáo dục chung cho mọi công dân là các quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ pháp luật của công dân. Đây là những nội dung pháp luật mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tìm hiểu và thực hiện. Mức độ hoàn thiện nhóm nội dung pháp luật này chính là mức độ hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong số những nội dung pháp luật thuộc nhóm này, có những

nội dung chưa trực tiếp liên quan tới đời sống lao động, sản xuất hằng ngày của nông dân. Do vậy, trong đánh giá mức độ hoàn thiện nội dung pháp luật cho nông dân cần đánh giá sâu hơn về nhóm nội dung pháp luật liên quan đến nông dân tại nông thôn.

Về nội dung pháp luật đối với nông dân, trước đây, hệ thống văn bản pháp luật còn tản mạn, bất cập, chưa thống nhất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động PBGDPL cho nông dân chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo thời gian, nội dung pháp luật đối với nông dân ngày càng hoàn thiện. Nhiều văn bản luật đã được ban hành như: Bộ Luật Dân sự, Luật Chăn nuôi; Luật Thủy sản; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Lâm nghiệp; Luật Tài nguyên nước; Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động; Bộ Luật Lao động và các Nghị định quy định chi tiết thi hành. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hầu hết cấp ủy, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện PBGDPL.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản pháp luật ban hành ngày càng nhiều, đa dạng nên việc tổ chức PBGDPL cho nông dân cần phải thực hiện theo kế hoạch, chương trình cụ thể, tránh trùng lặp trong việc triển khai thực hiện tại các địa phương. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, chỉ đạo hay cung cấp tài liệu để tổ chức PBGDPL nói chung và tổ chức PBGDPL cho nông dân nói riêng cần đảm bảo kịp thời. Trong những trường hợp cụ thể, việc chậm ban hành hướng dẫn thi hành luật hay chậm triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến luật đã gây ra “sự cố” đáng tiếc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân từ thực tiễn tỉnh thái nguyên (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)