Nông dân tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân từ thực tiễn tỉnh thái nguyên (Trang 57 - 61)

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nông dân luôn là lực lượng đông đảo, hùng hậu nhất, có đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Là một bộ phận hợp thành của giai cấp nông dân Việt Nam, nông dân tỉnh Thái Nguyên vừa mang những đặc điểm chung của người nông dân Việt Nam, vừa có những đặc điểm riêng mang tính đặc thù của nông dân tỉnh Thái Nguyên.

Một là, nông dân Thái Nguyên có truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Nông dân Thái Nguyên có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng trong đấu tranh chống ngoại xâm; luôn luôn đoàn kết, gắn bó trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Từ khi có Đảng, nông dân Thái Nguyên luôn một lòng, một dạ đi theo Đảng làm cách mạng; phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, dũng cảm, cần cù, sáng tạo, đã lập được nhiều thành tích to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với vị trí là Thủ đô kháng chiến, Thái Nguyên đã đón nhiều cán bộ, bộ đội, nhân dân từ mọi miền đất nước đến làm việc. Trong giai đoạn kiến thiết đất nước xây dựng chủ

nghĩa xã hội, Thái Nguyên đã trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim đầu tiên và một lần nữa làm dân số tăng nhanh và biến đổi cơ cấu dân cư.

Ngày nay nông dân Thái Nguyên với số lượng 164.046 người tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương đoàn kết giúp đỡ nhau thực hiện tốt những chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Thái Nguyên đang thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, xây dựng NTM thì nông dân Thái Nguyên vẫn là lực lượng cơ bản, quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn Thái Nguyên ngày càng văn minh giàu mạnh.

Hai là, nông dân Thái Nguyên luôn năng động, nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề.

Là một tỉnh thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nông dân đã biết kết hợp kinh nghiệm truyền thống với tiếp thu những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, sớm tiếp cận với phương thức sản xuất hàng hoá, nhạy bén với cơ chế thị trường, tạo lập và kết hợp các loại ngành nghề có sẵn trong nông thôn như: làm chè, khai thác khoáng sản, trồng rừng…

Đến nay, Thái Nguyên đã có 118 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã hoạt động trong các làng nghề. Theo đó, có khoảng 15 nghìn hộ dân hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh trong các làng nghề theo hộ, bao gồm cả hộ chuyên và không chuyên (tăng khoảng 20-30% so với 3 năm trước). Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh được khôi phục và phát triển như: chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Xuân Phương (Phú Bình), Tiên Phong (Phổ Yên); nghề mây, tre đan ở xã Tân Khánh (Phú Bình); sản xuất, chế biến chè ở các làng nghề chè truyền thống của Đại Từ, Đồng Hỷ, TP Thái Nguyên… Ngoài ra, Thái Nguyên còn xuất hiện thêm một vài nghề mới như thêu ren ở Tân Thái (Đại Từ); trồng hoa ở Hóa Thượng (Đồng Hỷ)…

Tính đến thời điểm này, tỉnh có 173 làng nghề có đủ điều kiện để công nhận làng nghề theo Thông tư số 116 ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nếu phân theo ngành nghề sản xuất thì có 110 làng nghề chế biến chè; 25 làng nghề chế biến nông, lâm sản (chè,nhãn,vải, bánh chưng, sản xuất bún, bánh, chế biến đậu phụ, đường phên, dâu tằm tơ, miến dong, nấu rượu, trồng hoa, trồng rau an toàn); 29 làng nghề mây, tre đan và thủ công mỹ nghệ; 6 làng nghề vật liệu xây dựng (gạch nung, ngói xi măng, gạch hoa lát nền); 3 làng nghề thêu. Trong đó số các làng nghề nêu trên, có 61 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, tăng gần 40 làng nghề so với năm 2015. Các làng nghề đã tạo ra nhiều loại sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ khắp thị trường trong nước và tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Quá trình đổi mới những năm gần đây đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa, làm thay đổi không gian sản xuất và cư trú, kéo theo sự xáo động về các luồng di chuyển và số lượng dân cư, về cơ cấu ngành nghề, về kết cấu văn hóa, nhằm sử dụng tiềm năng thiên nhiên và sức lao động của con người một cách hiệu quả nhất trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ ngày càng cao.

Ba là, nông dân Thái Nguyên có tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, có nghĩa tình

Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều dân tộc. Có dân tộc mang nguồn gốc bản địa như người Kinh, người Tày. Có dân tộc nhập cư trong những thế kỷ gần đây như Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu… song tất cả đều hòa nhập trong một cộng đồng cùng chung sống trên một lãnh thổ có chung một tiến trình phát triển lịch sử, văn hóa, ý thức, tâm lý.

Nông dân Thái Nguyên sống trong một điều kiện thiên nhiên không mấy thuận lợi và ở vào vị trí có địa thế chiến lược trong phòng thủ của quốc gia. Để đương đầu được, con người nơi đây phải chịu khó chắt chiu “có bữa tôm, giành bữa mai”, “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”.

Tình cảm mỗi người luôn hướng về phía cộng đồng đông đảo nhất, là nhân dân, “quan nhất thời, dân vạn đại”; “Làng xiêu, xiêu với làng” và trong dân thì những người nghèo khó được đùm bọc, chở che, san sẻ.

Từ nhân sinh ấy hình thành nếp sống – văn hóa làng. Làng có hương ước để điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm xích lại gần nhau giữa con người với con người, giữa cá nhân và xã hội trong cộng đồng. Văn hóa làng thẩm thấu vào trong khuôn khổ gia đình; mỗi gia đình đều có ý thức làm đẹp cho làng, thể hiện cả trong quan hệ ứng xử, xưng hô đến môi trường, cảnh quan,… làng là chỗ dựa tinh thần là niềm tự hào của mỗi thành viên.

Chính trên nền tảng ấy mà hình thành một đời sống tinh thần phong phú, giàu bản sắc. Trong thôn quê Thái Nguyên xuất hiện những làng mang đậm dấu ấn hoạt động tinh thần như những làng nghề. Phải khẳng định rằng văn hóa tinh thần ở Thái Nguyên đã phát triển, vừa mang tính cộng đồng rộng lớn vừa mang sắc thái riêng, rất Thái Nguyên. Từ chất liệu ngôn ngữ, âm lượng, ngữ điệu đến hình thức biểu đạt,… đều có nét đặc thù không dễ pha lẫn, tất cả đều phản ánh hiện thực tự nhiên và con người Thái Nguyên.

Với cấu trúc làng: Làng ở Thái Nguyên không khép kín mà theo không gian mở. Cũng lũy tre, giếng nước, mái đình, cây đa… nhưng lắm lối dọc, đường ngang liên lạc giữa các làng. Trong làng thì mỗi một khuôn viên vườn tược cũng theo không gian mở và một cảnh quan riêng theo cách sống của chủ nhân.

Từ cấu trúc làng tự nhiên như vậy nên những tập tục trong làng cũng rất tự nhiên; láng giềng đến nhà nhau để uống nước chè xanh và bàn chuyện làng, chuyện nước, để giãi bày những buồn bực, chia sẻ niềm vui là một sinh hoạt đời thường.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, những truyền thống tốt đẹp lại được nhân dân phát huy cao độ, đã, đang và sẽ là động lực to lớn khơi dậy những tiềm năng vốn có tạo dựng nên một Thái Nguyên với diện mạo và tầm vóc mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân từ thực tiễn tỉnh thái nguyên (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)