1.2.1.1. Phân tích quy mô vốn
Vốn là điều kiện không thể thiếu để một doanh nghiệp được thành lập và tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất cả về chiều rộng và chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm… từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Doanh nghiệp có thể huy động vốn cho nhu cầu kinh doanh từ nhiều nguồn khác nhau; trong đó, có thể quy về hai nguồn chính là vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.
Vốn chủ sở hữu là số vốn của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư đóng góp ban đầu và bổ sung thêm trong quá trình kinh doanh. Vốn chủ sở hữu không phải là các khoản nợ nên doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán.
Khác với vốn chủ sở hữu, nợ phải trả phản ánh số vốn mà doanh nghiệp đi chiếm dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh; do vậy, doanh nghiệp phải cam kết thanh toán và có trách nhiệm thanh toán.
Phân tích quy mô và sự tăng trưởng của vốn theo thời gian sẽ cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp cũng như tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai.
1.2.1.2. Phân tích cơ cấu nguồn vốn
Việc lựa chọn nguồn vốn trong các doanh nghiệp khác nhau sẽ không giống nhau mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trạng thái của nền kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý, chiến lược phát triển và đầu tư của doanh nghiệp.
Phân tích cơ cấu nguồn vốn là việc xem xét tỷ trọng từng loại nguồn vốn chiếm trong tổng số nguồn vốn cũng như xu hướng biến động của chúng theo thời gian. Qua đó, đánh giá khả năng tự đảm bảo tài chính cũng như mức độ độc lập về mặt tài chính của doanh nghiệp. Nếu nguồn vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng cao thì
doanh nghiệp có đủ khả năng tự đảm bảo về mặt tài chính và mức độ độc lập của doanh nghiệp với các chủ nợ là cao và ngược lại.
Khi phân tích cơ cấu nguồn vốn các nhà phân tích tính toán và so sánh biến động theo thời gian của tỷ trọng các khoản mục chi tiết trong tổng nguồn vốn như: nợ phải trả, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, vốn chủ sở hữu, các loại quỹ của doanh nghiệp, lợi nhuận chưa phân phối…
Trong đó tỷ trọng vốn chủ sở hữu hay còn gọi tỷ số tự tài trợ và tỷ trọng nợ phải trả hay tỷ số nợ là các chỉ tiêu quan trọng.
Tỷ số tự tài trợ cho biết trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp vốn chủ sở hữu chiếm bao nhiêu phần trăm. Nhìn chung tỷ số tự tài trợ cao thường an toàn, doanh nghiệp có đủ khả năng đảm bảo tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh và ngược lại. Tuy nhiên chỉ tiêu này quá cao cũng không phải là tốt vì nó cho thấy doanh nghiệp chưa tận dụng được nguồn vốn chiếm dụng.
Tỷ số nợ đo lường mức độ sử dụng nợ của doanh nghiệp, cho biết cho biết trong một đồng vốn kinh doanh có bao nhiêu đồng hình thành từ vay nợ bên ngoài. Chỉ tiêu này thường nằm trong khoảng 50 đến 70%. Tỷ số nợ quá thấp chứng tỏ doanh nghiệp vay ít. Điều này có thể hàm ý doanh nghiệp có khả năng tự chủ tài chính cao. Song nó cũng có mặt trái là doanh nghiệp chưa biết khai thác đòn bẩy tài chính, tức là chưa biết cách huy động vốn bằng hình thức đi vay. Ngược lại, chỉ tiêu này quá cao cho thấy doanh nghiệp không có thực lực tài chính mà chủ yếu đi vay để có vốn kinh doanh. Điều này cũng hàm ý là mức độ rủi ro của doanh nghiệp cao hơn. Một sự gia tăng của nợ phải trả sẽ đặt gánh nặng thanh toán lên tài sản ngắn hạn và dài hạn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu nợ phải trả tăng do doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh (tài sản tăng tương ứng) thì biểu hiện này được đánh giá là tốt.
Cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp thường biến động trong các chu kỳ kinh doanh và có thể ảnh hưởng tích cực đến lợi ích của chủ sở hữu. Do đó việc phân tích nhằm xem xét lựa chọn điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn tối ưu luôn lá một trong các quyết định tài chính quan trọng của chủ doanh nghiệp.