3 .Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
7. Kết cấu của luận văn
1.2. Động lực làm việc của công chức phường
1.2.3. Các tiêu chí đánh giá động lực làm việc của công chức phường
Động lực làm việc là yếu tố bên trong thúc đẩy mỗi cá nhân và được biểu hiện ra bên ngoài bằng những thái độ và hành vi trong những hoàn cảnh cụ thể. Nếu như thiếu hoặc không có động lực làm việc thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả công việc. Khi đánh giá được động lực làm việc của công chức phường, cần quan tâm đến các vấn đề: mức độ tham gia của công chức vào công việc, mối quan tâm của công chức đối với nghề nghiệp của họ. Có thể đưa ra các tiêu chí nhằm đánh giá một cách cụ thể động lực làm việc của công chức phường dựa trên các biểu hiện đã đề ra.
1.2.3.1. Hiệu suất sử dụng thời gian làm việc
Là tỷ lệ giữa thời gian làm việc thực tế của công chức và thời gian làm việc theo quy định của cơ quan nhà nước.
Hiệu suất sử dụng thời gian làm việc
Thời gian làm việc thực tế =
Thời gian được quy định
Giữa động lực làm việc và hiệu suất sử dụng thời gian làm việc có mối tương quan tỷ lệ. Nếu hiệu suất sử dụng thời gian làm việc càng cao thì động lực làm việc càng cao và ngược lại.[12]
1.2.3.2. Mức độ tham gia vào công việc
Là tiêu chí được biểu hiện qua nhiều khía cạnh:
Mức độ tập trung vào công việc: là sự chú tâm, không sao nhãng khi thực hiện công việc được giao. Nó còn thể hiện công chức có tính chuyên cần, chịu khó hay không.
Mức độ nỗ lực thực hiện công việc: là sự tích cực, kiên trì, hăng say và quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đề ra của bản thân công chức cũng như của cả cơ quan. Bởi lẽ sứ mệnh cao cả của bất kỳ tổ chức nào là thực hiện mục tiêu đề ra.
Mức độ tham gia vào các hoạt động tập thể: thể hiện sự hòa đồng, tinh thần tập thể của cá nhân công chức trong thực hiện các phong trào chung, tinh thần đoàn kết, mối quan hệ với đồng nghiệp, phát huy tính dân chủ sáng tạo trong đóng góp ý kiến…
1.2.3.3. Mức độ yêu thích, đam mê với công việc
Mức độ yêu thích, đam mê với công việc tương ứng với sở thích, những vấn đề mà công chức coi trọng trong công việc hoặc hoàn cảnh làm việc mà họ cảm thấy dễ chịu. Nhờ mối quan tâm nghề nghiệp của công chức với công việc có thể giúp họ thành công hơn. Đồng thời sự quan tâm với nghề nghiệp cũng thể hiện sức hút, hấp dẫn của công việc đối với công chức. Mức độ yêu thích, đam mê với công việc phản ánh mức độ hài lòng của công chức với công việc đang đảm nhận. Nếu người công chức hài lòng với công việc thì họ sẽ làm việc và nhìn nhận công việc với một thái độ tốt. Bởi lẽ thái độ đối với công việc là những đánh giá có giá trị của mỗi cá nhân với công việc, được biểu hiện qua các yếu tố gồm niềm tin, cảm xúc và hành vi. Trong quá trình thực hiện công việc, người công chức thể hiện rõ nét nhất thái độ của mình từng ngày, từng giờ.
1.2.3.4. Mức độ yên tâm làm việc
Mức độ yên tâm thể hiện thông qua tính chất ổn định của công việc mà công chức hoặc người lao động đảm nhận. Khi có được cảm giác an tâm, công chức sẽ có nỗ lực phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó mức độ yên tâm với công việc càng cao thì càng thể hiện sự chắc chắn, sự đảm bảo an toàn của công việc. Như vậy người lao động sẽ không lo mất việc, càng tâm huyết với nghề nghiệp, động lực làm việc cũng theo đó mà nâng cao hơn. [12]
1.2.3.5. Mức độ gắn bó với công việc
Đây là tiêu chí cho thấy sự gắn kết với tổ chức, mong muốn được làm việc và cống hiến cho tổ chức. Khi công chức coi tổ chức như là ngôi nhà thứ hai của mình, tức là khi họ cảm thấy thoải mái, họ sẽ phát huy được tất cả sự nỗ lực, nhiệt tình hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Rõ ràng tỷ lệ bỏ việc sẽ tăng lên hoặc có thể chuyển đổi cơ quan nếu như công chức không chuyên tâm với công việc hiện tại.
1.2.3.6. Kết quả thực hiện công việc
Kết quả thực hiện công việc là mức độ hoàn thành công việc, là những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện công việc được giao. Khi xem xét mức độ hiệu quả công việc, thường nhìn nhận ở 2 yếu tố, đó là số lượng và chất lượng.[12]
Về số lượng: cụ thể hóa ở tiêu chí số lượng đầu công việc phải đảm nhận và thực hiện, số lượng thời gian làm việc. Do đó yếu tố về mặt thời gian hoàn thành công việc trở thành thước đo đối với kết quả thực hiện công việc. Về chất lượng: giải quyết công việc ở mức độ nào: công việc đã hoàn thành hay chưa, hoàn thành ở mức độ nào... Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc đến chi phí thực hiện công việc, là tất cả các khoản vật chất đã bỏ ra, hao tốn để có thể thực hiện được công việc.
Như vậy, công việc thực hiện một cách có hiệu quả được biểu hiện ở kết quả đạt mức cao nhất với mức chi phí thấp nhất.