7. Cấu trúc của luận văn
3.1.3. Các mô hình của hành vi đáp lời trực tiếp
3.1.3.1. Đáp lời trực tiếp theo hướng tích cực tiếp nhận
Trong đáp lời trực tiếp theo hướng tích cực tiếp nhận ta tập trung vào hành vi bày tỏ trực tiếp và trách cứ trực tiếp.
Hành vi bày tỏ thường xuất hiện trong những phát ngôn có chứa cặp từ xưng hô “chàng - thiếp” chỉ thường dùng khi người vợ xưng hô với chồng hoặc người con gái xưng hô với người yêu. Ngoài ra, khi nhân vật trữ tình xưng “thiếp” gọi “chàng” thì trong một số trường hợp người con gái chủ động mong muốn gắn bó lâu dài.
- Trầu vàng, cau trắng, chay vàng
Cơi trầu bịt bạc thiếp mời chàng ăn
- Trầu này trầu mẹ trầu cha
Hay là trầu bạn đưa ta hỡi nàng
“Thiếp” ở phát ngôn thứ nhất là lời tự xưng của người con gái, “chàng”
là lời người con gái hô gọi người con trai. Còn “nàng” ở phát ngôn thứ hai là lời hô gọi cô gái của chàng trai. Với những bài ca dao có sử dụng cặp từ xưng
hô “chàng- nàng/ thiếp” đều là những bài ca dao bày tỏ tình yêu hoặc khẳng
định tình yêu đã có. Các cặp từ xưng hô này biểu thị mối quan hệ khắng khít, gần gũi giữa các nhân vật giao tiếp.
Hay hàng loạt những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ của người xưng hô đã không dùng cái danh chính thức của mình mà dùng một cái danh khác, người xưng ẩn sau các phương tiện xưng hô này một cách kín đáo, tế nhị đầy tính thẩm mỹ để thể hiện sự mở lòng cho đối phương:
- Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
- Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
Nhờ cách bày tỏ này này mà các chàng trai, cô gái dùng để thố lộ tình cảm của mình và cũng để thăm dò đối phương khi họ muốn tìm hiểu về nhau. Khi vừa gặp nhau, mới quen nhau các chàng trai, cô gái chưa biết tên nhau cũng chưa tiện gọi em xưng anh nên đây là phương tiện xưng hô vừa kín đáo tế nhị lại vừa duyên dáng.
- Bấy lâu còn lạ chưa quen
Hỏi hồ đã có hoa sen chưa hồ
- Hồ còn leo lẻo nước trong
Đến nay chỉ dốc một lòng đợi sen
Ở phát ngôn thứ nhất “hồ” là lời người nói hô gọi người nghe, “sen” là chỉ một đối tượng của hồ. Còn ở phát ngôn thứ hai còn “hồ” là lời tự xưng của người nói “sen” lúc này có thể hiểu là người nghe. Các nhân vật giao tiếp ở đây sử dụng những hình ảnh hết sức thanh cao, trang trọng và đầy ý nghĩa.
“Sen” không thể sống được nếu không có “hồ”, “hồ” sẽ không đẹp, không
có ý nghĩa nếu không có “sen”. Hơn nữa, phẩm chất trong của “hồ” và thơm
của “sen” làm cho người đọc nghĩ đến các chàng trai, cô gái ở đây là những
người rất thanh lịch, nho nhã. Mặc dù “còn lạ chưa quen” nhưng qua cách xưng hô ta thấy các nhân vật giao tiếp ở đây mong muốn hướng tới một tình cảm chân thực, lâu dài. Cách dùng này chiếm số lượng không nhiều chỉ khoảng 87 bài chiếm khoảng 6% bài như vậy.
Ngoài ra cách xưng hô này còn thể hiện sự tinh nghịch, lém lỉnh của những chàng trai, cô gái đang tranh tài đối đáp hay trêu chọc lẫn nhau.
- Bấy lâu đông liễu tây đào
Gió mưa có ướt chút nào hay không
- Bấy lâu gió dập mưa vùi
Liễu xanh con mắt, đào tươi má hồng
Như vậy ta có thể thấy các phương tiện xưng hô thường không được dùng khi các nhân vật giao tiếp là những người xa lạ, mối quan hệ giữa họ là sơ giao, chưa tiện gọi “em” xưng “anh”. Đôi khi cách xưng hô rỗng cũng xuất hiện trong những cuộc giao tiếp mang tính vui đùa chọc ghẹo nhau thể hiện sự tinh ngịch giữa các nhân vật giao tiếp.
Hành vi trách cứ trực tiếp là hành động trách cứ có hiệu lực tại lời tương ứng với hình thức câu chữ dùng để biểu thị hành động. Trong ca dao giao duyên, hành vi trách cứ được biểu thị bằng biểu thức ngôn từ hội tụ được hai điều kiện sau:
+ Có chứa động từ ngôn hành biểu thị ý trách cứ: trách
+ Chủ thể - người thực hiện hành động trách cứ phải ở ngôi thứ nhất và người bị trách cứ là đối thể - phải ở ngôi thứ hai. Tuy nhiên, chủ thể hành động có thể vắng mặt.
Xét ví dụ:
- Bấy lâu anh mắc công chi?
Để em nhắn gửi thư đi từ về
- Bấy lâu anh mắc cấy cày
Trồng khoai trĩa đỗ lâu ngày nhớ em
Trong lượt đáp lời ta thấy dường như có yếu tố dư thừa là “lâu ngày nhớ em”, bởi lẽ câu hỏi ở phần trao lời không đề cập đên phần thông tin này. Nhưng khi đọc kĩ ta có thể hình dung ngữ cảnh của câu ca dao: chàng trai và cô gái xa
cách nhau lâu về thời gian và rộng về không gian. Họ chỉ đến với nhau bằng những lá thư, khi gặp nhau chàng trai dùng hành đông giải thích đã khẳng định có nhớ cô gái. Như vậy có thể khẳng định cô gái không thể không biết lí do chàng trai không đến thăm mình, chỉ có thể là thời gian đến quá lâu mà thôi.
- Đồng tâm son sắt với nhau
Thiếp chưa phụ bạc chàng sao vội vàng.
- Lòng son sắt, đá vững vàng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”.
Tương tự, ở phát ngôn thứ nhất “thiếp” là lời tự xưng của người nói,
“chàng” là lời hô gọi người của người nói đối với người nghe. Như vậy đây
là phát ngôn của người con gái. Qua cách xưng hô “thiếp - chàng” của cô gái , ta thấy mối quan hệ tình cảm giữa họ là thân thiết khăng khít. Nàng đã xem mình như một người yêu, người vợ của chàng trai. Hơn nữa qua phát ngôn hồi đáp của chàng trai ta có thể hiểu được tình cảm giữa họ là tình yêu bởi khi đã yêu nhau người ta mới có thể trách nhau phụ bạc, mới mong muốn gắn bó với nhau và mới thề nguyền son sắt, thủy chung.
Hay trong một bài ca dao quen thuộc khác:
- Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng, Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Đọc bài ca dao ai cũng hiểu cô gái không hề hỏi lí do vì sao chàng trai không hỏi cưới mình mà gián tiếp thể hiên hành động trách cứ. Hiệu lực trách
cứ được thể hiện rõ trong các từ “ ba đồng một mớ” “ sao anh không hỏi”.
Ba đồng (số lượng không đáng kể) là cô gái và chàng trai đã đến được với nhau. Thế mà chàng trai đã long vòng, không quyết đoán để cô gái phải lấy người khác không hạnh phúc, để rồi sau đó chàng trai lại nuối tiếc.
Qua khảo sát cuốn “Ca dao Việt Nam về tình yêu đôi lứa” và cuốn “Ca dao Nam Trung Bộ” với 1449 bài ca dao chúng tôi thấy hành động trách cứ trực tiếp ít được sử dụng trong ca dao đối đáp giao duyên chỉ khoảng 35 bài chiếm 2,4%. Nội dung trách cứ chủ yếu là trách đối thể tham sang phụ khó,
tham vàng bỏ ngãi… Có thể nói, do hành động trách cứ là S tỏ thái độ không
hài lòng với hành động A của H và thường diễn ra khi S đang trong trạng thái không vui nên đe doạ trầm trọng thể diện người bị trách cứ. Vì vậy, để giảm thiểu tính chất đe doạ thể diện, người nói sử dụng chiến lược trách cứ gián tiếp nhiều hơn.
3.1.3.2. Đáp lời trực tiếp theo hướng tiêu cực tiếp nhận
Đáp lời trực tiếp theo hướng tiêu cực tiếp nhận được thể hiện qua hành vi từ chối. Hành vi từ chối trong giao tiếp là cách ứng xử nhằm khước từ thực hiện một việc nào đó mà người khác yêu cầu. Như vậy, từ chối là HVTL thuộc lượt đáp lời. Đây là một hành vi dễ làm tổn thương thể diện của người tiếp nhận, chứa đựng nguy cơ phá vỡ cuộc giao tiếp. Hành vi từ chối chỉ xuất hiện trong những điều kiện nhất định như xuất hiện trong mối quan hệ với các hành động khác: từ chối một lời đề nghị, thỉnh cầu, khen hay trả lời cho hành động hỏi… và luôn có nguyên nhân từ chối đi kèm. Hình thức biểu hiện của hành động từ chối rất đa dạng. Chính sự đa dạng này mà hành vi đã được phân loại thành những tiểu loại sau:
- Từ chối trực tiếp và từ chối gián tiếp. - Từ chối lịch sự và không lịch sự.
- Từ chối dứt khoát và không dứt khoát. - Từ chối nghi thức và không nghi thức.
Tuy nhiên, các tác giả trên đều thống nhất rằng trong tiếng Việt có hai dạng chính đó là từ chối trực tiếp (TCTT) và từ chối gián tiếp (TCGT). Trong hai dạng từ chối này có thể đan xen tính lịch sự hay không lịch sự, dứt khoát hay không dứt khoát… Trong luận văn này, chúng tôi phân loại và miêu tả hành động từ chối trong ca dao đối đáp theo cách phân loại trên.
Hành động từ chối trực tiếp (TCTT) là người nói thể hiện trực tiếp đích từ chối của mình bằng các từ phủ định như: không, chẳng, mặc kệ, đâu dám, không dám…
1. Từ chối hành động cầu khiến bằng cấu trúc: S1 - không/ không dám/ chẳng) – Vp
SP1: - Cô kia xách giỏ đi đâu Cho tôi gửi trầu cô xách giùm tôi
SP2: - Trầu anh trầu xấu trầu nồng Em không dám nhận, sợ chồng em ghen
Qua bài ca dao ta thấy phát ngôn của chàng trai cũng giống như một số phát ngôn trong các bài viết ca dao khác là mượn hình ảnh trầu cau để bày tỏ tình cảm. Nhưng ở đây cuộc giao tiếp giữa họ là cuộc giao tiếp giữa hai người chưa quen biết, ta biết được điều này là thông qua cách xưng hô “cô kia” và xưng “tôi”. Thông thường các chàng trai, cô gái chỉ bày tỏ tình cảm với người mình thương hoặc ít nhất cũng vài lần gặp gỡ, hiểu biết về nhau. Hơn nữa không gian của cuộc giao tiếp không phải là không gian riêng tư, hẹn hò mà là không gian của sự gặp gỡ tình cờ trên một một đoạn đường nào đó. Bởi theo lẽ thường thì trai gái gặp nhau thường hay vui đùa chọc ghẹo lẫn nhau. Điều quan trọng hơn là trong các phát ngôn tỏ tình thì lời lẽ phải trang trọng, kính đáo, tế nhị. Đôi khi phải dùng cách nói bóng gió xa xôi. Vì vậy ta có thể thấy rằng phát ngôn của chàng trai không phải là lời tỏ tình nghiêm túc, chân
thực mà đây chỉ là sự chọc ghẹo theo kiểu được thì hay không được thì thôi cũng chẳng mất gì.
Chắc chắn rằng sau khi nghe phát ngôn của chàng trai, cô gái chẳng cần biết là anh ta nói thực hay chỉ chọc ghẹo mình thì cách bày tỏ tình cảm sống sượng, thô lỗ đó cũng đủ để cô dạy cho một bài học. Trong phát ngôn hồi đáp, cô gái đã chê trầu của chàng trai “vừa xấu, vừa nồng” nhưng kì thực là đang ám chỉ anh ta. Những lời lẽ từ chối trong phát ngôn của cô thật chua chát mà cũng không kém phần thông minh, đáo để. Những từ ngữ “em không dám
nhận” nghe như có vẻ ngọt ngào, khiêm tốn, chân thành nhưng trong hoàn
cảnh này thì đó là một lời mai mỉa, giễu cợt nhưng càng mai mỉa hơn khi cô đưa ra lí do để từ chối chàng trai là vì sợ chồng ghen. Có thể đây chỉ là cái cớ để nàng trả đũa chàng trai chứ không phải sự thật. Đây quả là một cuộc đọ tài, đọ sức giữa “kẻ tám lạng người nửa cân”. Chàng trai thật lém lỉnh, tinh ngịch cô gái cũng thông minh đáo để không kém. Ngoài ra còn có:
SP1: - Dâu cỏ nhỏ lá chàng ơi, Chàng nên đi chọn những nơi dâu tàu
SP2 : - Dâu cỏ nhỏ lá mà xinh Dâu tàu to lá mà mình không ưng
SP1: - Anh ngồi bờ cỏ xót xa, Vô đây em trải chiếu hoa cho ngồi
SP2 : - Chiếu hoa để cha mẹ em ngồi, Phận anh là rể không dám ngồi chiếu hoa
Như vậy, từ những trường hợp trên, ta có thể khái quát lên được những bài viết ca dao có nội dung bày tỏ tình yêu thường có lối nói bóng gió, xa xôi, từ ngữ trong phát ngôn trang trọng, kín đáo. Những từ ngữ xưng hô thường thể hiện được tính chất thân mật như: anh - em; thiếp - chàng; mình - ta.
2. Từ chối bằng cấu trúc: NP - mặc/ mặc kệ - NP SP1 : - Anh về sao được mà về Dây giăng tứ phía tính bề ngăn anh
SP2 : - Dây giăng mặc kệ dây giăng Ông tơ bà nguyệt đón ngăn cũng về
Lời từ chối bằng cấu trúc phủ định này mang ý từ chối dứt khoát, không đắn đo. Các từ phủ định không, mặc kệ chỉ rõ tính dứt khoát của hành động từ chối. Dù có kèm theo lời lí giải nhưng vẫn thể hiện tính dứt khoát. Trong giao tiếp thông thường, cách từ chối này kết hợp với ngữ điệu lên giọng sẽ là hành động từ chối không lịch sự. Nhưng trong lời đối đáp giao duyên, ngữ điệu lời thoại nhẹ nhàng, êm ái kết hợp với các đại từ nhân xưng thân mật như mình, anh nên lời từ chối mang tính chất thân mật, trung hoà về tính lịch sự. Từ chối dứt khoát có thể không nêu lí do như ở trên.
3. Từ chối trực tiếp biểu hiện bằng từ thôi
Thôi thôi, đã lỡ nước cờ, Có thương xin hãy đợi chờ kiếp sau.
“Thôi” là từ biểu thị hành động từ chối dứt khoát nhưng mức độ dứt khoát có phần giảm nhẹ, tạo được sự thông cảm, không quá gây khó chịu ở người tiếp nhận. Ở ví dụ trên, chúng ta hình dung được chàng trai/ cô gái vì một lí do nào đó có thể cảm thông (chẳng hạn đã có vợ hay chồng) từ chối chấp nhận tình cảm. Hành động từ chối dù được thể hiện bằng hình thức nào thì cũng vẫn tiềm ẩn khả năng làm tổn thương thể diện người tiếp nhận. Do đó, khi buộc phải từ chối tiếp nhận tình cảm hay một lời thỉnh cầu, các chàng trai/ cô gái thường ít lựa chọn hình thức TCTT, trừ khi họ cần nhấn mạnh tính dứt khoát. Trong tư liệu của chúng tôi, trong tổng số 320 phát ngôn có hiệu lực tại lời từ chối, TCTT chỉ xuất hiện 37 lần chiếm 11.6%.