Xuất phát từ truyền thống lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) liên minh chiến đấu giữa vùng tự do liên khu v (việt nam) và hạ lào trong kháng chiến chống pháp (1945 1954) (Trang 29 - 32)

7. Bố cục của luận văn

1.2.2. Xuất phát từ truyền thống lịch sử

Quan hệ giữa vùng tự do Liên khu V và Hạ Lào hình thành trên cơ sở tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào đã xây dựng nên mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp. Quan hệ Việt Nam - Lào hình thành từ rất sớm, khi mới bắt đầu xuất hiện cư dân Việt cổ và Lào cổ đã có sự giao lưu văn hóa, đồng thời quan hệ giao thương giữa hai nước cũng được xác lập

Trong suốt tiến trình lịch sử, nhân dân Việt Nam và Lào đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái, cùng nhau đoàn kết chống giặc ngoại xâm và đã làm nên những trang sử vẻ vang của hai dân tộc. Các thư tịch cổ của Việt Nam như: “Việt điện u linh” đều

ghi chép sự kiện đầu tiên về quan hệ Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam. Cụ thể: vào năm 550, dưới thời nước Vạn Xuân của nhà Tiền Lý, lúc bị quân xâm lược Lương (Trung Quốc) đàn áp, Lý Nam Đế buộc phải lánh nạn, còn anh ruột của nhà vua là Lý Thiên Bảo đã chạy sang mượn đất Lào để lập căn cứ chống giặc ngoại xâm. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhắc lại: “Thời Lê Thái Tổ mới khởi nghĩa thường cùng nước này (Lạn Xạng) kết hảo”. Trong suốt quá trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418- 1427), nghĩa quân Lê Lợi luôn nhận được sự giúp đỡ của các tộc trưởng và nhân dân Lào vùng biên giới khi truy đuổi quân Minh trốn sang Lào, hoặc giúp nghĩa quân lương thực, voi chiến... Sang thế kỷ XIX, vận mệnh của hai dân tộc lại gắn bó với nhau khi cả hai nước cùng chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược. Nhiều cuộc khời nghĩa nhân dân Việt Nam đã được nhân dân các bộ tộc Lào che chỡ giúp đỡ khi bị quân Pháp truy đuổi.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm đến tình hình đất nước Lào, tố cáo mạnh mẽ sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Tháng 2/1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gây dựng được cơ sở tại

25

Lào, sau đó Hội đã thành lập Hội Ái hữu, Hội Việt kiều yêu nước, mở các lớp huấn luyện trên đất Lào. Trên thực tế, từ nửa sau thập niên 1920, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc đă đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Xuất phát từ sự gần gũi về địa lý và mối tương đồng về hoàn cảnh lịch sử, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã thấy rõ yêu cầu đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc mình và sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào khỏi ách áp bức của thực dân Pháp. Vì vậy, từ sau khi xác định được con đường giải phóng cho dân tộc, các nhà cách mạng Việt Nam đã cùng với các nhà yêu nước và cách mạng Lào cùng có quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cách mạng ở mỗi nước. Sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 (tháng 10 năm 1930 đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) thể hiện rõ sự phối hợp này. Ở đây nói rõ lên vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là người sáng lập Đảng, đồng thời là người quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cho cách mạng Việt Nam cũng như cho cách mạng Lào. Đây chính là nền tảng vững chắc cho quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào trong thời kỳ cận - hiện đại.

Một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Đông Dương là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp lần thứ VIII từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 tại Hà Quảng, Cao Bằng dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và các nước Đông Dương, Hội nghị đi đến quyết sách “Cần phải thay đổi chiến lược”, phải xem nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một “nhiệm vụ trước tiên của Đảng và của cách mạng Đông Dương hợp với nguyện vọng chung của tất cả nhân dân Đông Dương”. Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách

26

mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phảỉ giải quyết một vấn đề cần kíp "dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”.

Hội nghị chủ trương tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong phạm vi từng nước Đông Dương, do đó kiến lập ở mỗi nước một mặt trận “có tính chất dân tộc” hơn, đủ điều kiện để đánh thức và khơi dậy tinh thần dân tộc cũng như có thể thực hiện được trong hoàn cảnh hiện tại. Ở Việt Nam sẽ thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) đối với Lào, sẽ thành lập “Ai Lao độc lập đồng minh”

Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, Đảng Cộng sản Đông Dương tạo nên bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của các dân tộc Đông Dương. Quyết định thay đổi chiến lược của cách mạng, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc Việt Nam, Lào và thành lập Mặt trận độc lập đồng minh ở mỗi nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng thành công.

Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ban bố “Quân lệnh số 1” phát lệnh Tổng khởi

nghĩa trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhờ chuẩn bị chu đáo, chỉ trong vòng hai tuần lễ (từ 16/8/1945 đến 31/8/1945), khởi nghĩa đã thắng lợi trọn vẹn trên cả bốn tỉnh. Tỉnh Quảng Nam giành thắng lợi ngày 26/8/1945, Quãng Ngãi 30/8/1945, Bình Định 31/8/1945, Phú Yên ngày 26/8/1945. Từ đây nhân dân vùng tự do Liên khu V bước sang thời kỳ lịch sử mới.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công ở Việt Nam và Lào diễn ra gần như đồng thời đã dẫn tới sự ra đời của nhà nước độc lập ở mỗi nước.

27

Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào. Nhân dân Lào cũng nổi dậy giành chính quyền thành công, Chính phủ Cách mạng Lào được thành lập.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội. Cuộc gặp gỡ này đã tác động mạnh đến Hoàng thân Xuphanuvông trong việc lựa chọn con đường cách mạng của Lào. Ngày 3/10/1945, hàng vạn nhân dân tỉnh Xavanakhẹt mít tinh đón chào Hoàng thân Xuphanuvông trở về, tham gia Chính phủ lâm thời. Hoàng thân tuyên bố “Quan hệ Lào - Việt Nam từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới ... ” [45, tr.29].

Ngày 12/10/1945, tại thành phố Viêng Chăn diễn ra một cuộc mít tinh lớn chào mừng Chính phủ Lào Ítxala làm lễ ra mắt và tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào.

Như vậy, từ năm 1930 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã có mối quan hệ, nương tựa, giúp nhau trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945) và Chính phủ Lào Itxala (12/10/1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hữu nghị là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu trong cuộc kháng chiến cùng chống kẻ thù chung là thực dân Pháp từ năm 1945 - 1954.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) liên minh chiến đấu giữa vùng tự do liên khu v (việt nam) và hạ lào trong kháng chiến chống pháp (1945 1954) (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)