Công cụ thu thập số liệu
Công cụ thu thập số liệu được xây dựng dựa trên tài liệu được ban hành kèm theo quyết định số 3931/QĐ-BYT ngày 21/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế [4] và đề tài nghiên cứu của Pankti A Gheewala (2018) [42] với các nội dung:
Phần 1: Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu: bao gồm 11 câu hỏi từ A1 đến A11 tìm hiểu về tuổi, trình độ, tình trạng bệnh, bệnh lý khác kèm theo...
Phần 2: Kiến thức chung về bệnh thận mạn bao gồm 37 câu hỏi từ B1 đến B37 về kiến thức về bệnh thận mạn các thông tin liên quan đến: kiến thức chức năng của thận, kiến thức về triệu chứng của BTM, kiến thức về phương pháp đánh giá tình trạng của thận, kiến thức về các yếu tố nguy cơ của BTM, kiến thức về phòng bệnh thận mạn, kiến thức về biến chứng BTM.
Thử nghiệm trước bộ công cụ nghiên cứu
Bộ công cụ sau khi xây dựng đã được 3 chuyên gia thẩm định và đánh giá thử nghiệm trên 30 đối tượng nghiên cứu điều trị ngoại trú THA (30 đối tượng nghiên cứu này không tham gia vào đối tượng nghiên cứu được điều tra sau đó nhằm tránh đối tượng đã biết trước nội dung câu hỏi lần đánh giá sau sẽ thiếu tính khách quan) trước khi tiến hành nghiên cứu. Bộ công cụ được xác định tính khả thi và để đánh giá độ dài, sự phù hợp. Sau đó chúng tôi tiến hành chỉnh sửa và cập nhật bộ công cụ cho phù hợp bằng cách điều chỉnh các câu hỏi và những lựa chọn của câu trả lời. Kết quả thử nghiệm bộ công cụ cho chỉ số cronback alpha = 0,841.
Tiến trình thu thập thông tin/dữ liệu
Bước 1: Lựa chọn và tập huấn điều tra viên.
Lựa chọn 3 điều dưỡng viên có năng lực về thu thập số liệu của Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải, Thái Bình.
Nhóm nghiên cứu tập huấn và thống nhất với điều tra viên về nội dung triển khai nghiên cứu.
Xin ý kiến bệnh viện và khoa Khám bệnh để sử dụng phòng số 05 tại khoa Khám bệnh làm phòng tư vấn cho nghiên cứu.
Bước 2: Thu thập số liệu lần 1 (đánh gia thời điểm T1)
Hàng tháng, NB mắc THA sẽ được đến khám và lĩnh thuốc theo lịch hẹn của nhân viên y tế tại Khoa Khám bệnh. Lựa chọn được NB đủ tiêu chuẩn, điều tra viên sẽ tiếp cận NB sau khi người bệnh khám và xét nghiệm xong và đang chờ bác sỹ kê đơn và lĩnh thuốc. NB được mời vào phòng tư vấn là phòng 05 tại khoa Khám bệnh. Tại đây, điều tra viên giải thích cho NB về mục đích, ý nghĩa của nghiên cứu, đồng thời cam kết với NB toàn bộ thông tin mà NB cung cấp trong phiếu điều tra chỉ được phục vụ cho mục đích nghiên cứu. NB có quyền từ chối tham gia nghiên cứu hoặc ngừng tham gia nghiên cứu ở bất kỳ thời điểm nào. Nếu NB đồng ý tham gia nghiên cứu thì điều tra viên cho NB kí vào phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu.
Đối với các đối tượng đồng ý tham gia nghiên cứu, điều tra viên phỏng vấn đối tượng nghiên cứu bằng bộ câu hỏi chuẩn bị trước (phụ lục 1). Sau đó thu lại phiếu điều tra của đối tượng. Từ kết quả thu được ở phiếu điều tra, điều tra viên tiến
hành phân tích tìm ra những điểm yếu về kiến thức của đối tượng, tiến hành thực hiện tư vấn sức khỏe đối với đối tượng.
Bước 3: Thu thập số liệu lần 2 (đánh gia thời điểm T2)
Sau khi thực hiện tư vấn giáo dục sức khỏe về BTM cho đối tượng, điều tra viên thực hiện phỏng vấn đối tượng bằng bộ câu hỏi (phụ lục 1). Sau đó điều tra viên thu lại phiếu điều tra của đối tượng. Điều tra viên nhắc nhở đối tượng về lịch hẹn thời gian khám lại và động viên đối tượng tiếp tục tham gia vào nghiên cứu.
Bước 4: Thu thập số liệu lần 3 (đánh gia thời điểm T3)
Sau 8 tuần thực hiện can thiệp giáo dục, theo lịch hẹn thời gian khám lại, nghiên cứu viên và điều tra viên gọi điện thoại trước 2-3 ngày nhắc đối tượng đến khám đúng lịch. Sau khi đối tượng khám và xét nghiệm xong, trong lúc chờ bác sỹ kê đơn và lĩnh thuốc, điều tra viên tiến hành đánh giá lại kiến thức về BTM trên đối tượng bằng bộ câu hỏi chuẩn bị sẵn (phụ lục 1) tại phòng tư vấn là phòng khám 05 tại khoa Khám bệnh của bệnh viện. Các phiếu điều tra được điều tra viên thu lại và niêm phong.