Tác động của quá trình xây dựng nông thôn mới đối với phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình xây dựng nông thôn mới ở thị xã an nhơn, tỉnh bình định (2011 2018) (Trang 87 - 91)

7. Kết cấu của luận văn

3.2. Tác động của quá trình xây dựng nông thôn mới đối với phát triển

Quá trình xây dựng nông thôn mới ở thị xã An Nhơn đã đảm bảo được 4 nguyên tắc. Một là, xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, đặt ra các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện. Hai là, thực hiện trên cơ sở kế thừa và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn; có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; huy động đóng góp của các tầng lớp dân cư. Ba là, được thực hiện gắn với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi địa phương; có quy hoạch và cơ chế đảm bảo cho phát triển theo quy hoạch. Bốn là, Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp uỷ Đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện; hình thành cuộc vận động "Toàn dân xây dựng nông thôn mới" do Mặt trận Tổ quốc chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội ở thị xã An Nhơn.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, việc hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các địa phương đặc biệt quan tâm. Trong sản xuất nông nghiệp, thị xã An Nhơn đã quan tâm triển khai các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường hoạt động liên kết “bốn nhà”, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất; gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nền kinh tế của thị xã tiếp tục phát triển, có mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp giai đoạn 2010-2015 là 2,23%, giai đoạn 2015-2017 là 2,4%. Cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành nông nghiệp năm 2017: trồng trọt 36%, chăn nuôi 57,6%, dịch vụ 6,4% [49, tr. 33-36]. Năng suất cây trồng, vật nuôi tăng khá; hầu hết các chỉ tiêu và nhiệm vụ về sản xuất nông, lâm, thủy sản đều đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết. Công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến ngày càng được chú trọng và mang lại hiệu quả cao, nhất là ưu tiên ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chế biến nông, lâm thủy sản; bước đầu hình thành vùng nông nghiệp sản xuất chuyên canh, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp phát triển khá.

Nhân dân nhất là các hộ nghèo, cận nghèo đã được tiếp cận, vay vốn từ ngân hàng và các nguồn vốn khác. Các đối tượng chính sách, hộ nghèo được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, được tập huấn, dạy nghề miễn phí,...Năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã xây dựng nông thôn mới là 8,14%. Đến cuối năm 2018, hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,56% (733/28.584 hộ) [49, tr. 40]. Đến hết năm 2018 đã có 10/10 xã đạt chuẩn hộ nghèo đa chiều theo quy định. Đến năm 2018, tỉ lệ lao động có việc làm của 10 xã xây dựng nông thôn mới tương đối cao. Số người trong độ tuổi lao động của các xã có việc làm thường xuyên 51.050 người/51.404 người đạt tỷ lệ 99,3%.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn ở thị xã An Nhơn được đầu tư hoàn thiện nhất là giao thông, điện, thông tin truyền thông, cơ sở vật chất văn hóa làm cho bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh ở 10 xã trên địa bàn. Các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển góp phần giải quyết việc làm cho lao

động nông thôn. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng giá trị công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ và ngành nghề. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục được đổi mới. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống cư dân nông thôn ngày càng được nâng cao: tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và sử dụng điện đều tăng cao; các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm;các hoạt động giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân... có tiến bộ. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn thị xã An Nhơn cơ bản được giữ vững. Bộ mặt nông thôn ở thị xã An Nhơn đã thay đổi căn bản theo hướng hiện đại. Nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, đồng lòng ủng hộ, ra sức xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xây dựng nông thôn mới là một chương trình mang tầm vĩ mô, có tác động đến nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội. Bên cạnh những tác động tích cực, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở thị xã An Nhơn cũng gặp phải những hạn chế. Trong quá trình triển khai công việc, nhiều hạn mục công việc của các xã đã phát sinh nhiều mâu thuẫn, có sự không khớp, không thống nhất giữa động cơ và hiệu quả, giữa nhận thức và hành động, giữa mục tiêu và phương thức thực hiện.

Đối với người nông dân, tình trạng ‘được mùa mất giá, được giá mất mùa”, “làm thì dễ, bán thì khó”, đầu ra vẫn chưa ổn định cho nông dân.

Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ít nhiều có sự mâu thuẫn giữa chủ thể của Nhà nước và các lực lượng xã hội với chủ thể của nông dân. Nhà nước và các lực lượng xã hội đóng vai trò hoạch định chính sách, đầu tư, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Trong khi đó nông dân đóng vai trò chủ thể tham gia thực hiện và hưởng thụ thành quả đó. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều xã có sự mẫu thuẫn giữa hai chủ thể này. Ví dụ, các

công trình văn hóa thể thao của thôn có chủ thể là của Nhà nước, nhưng nhân dân là người hưởng thụ. Khi các xã tiến hành triển khai nâng cấp, xây dựng thì hầu như nhân dân đứng ngoài cuộc hoặc chỉ tham gia ở mức thấp nhất.

Sự mất cân bằng giữa các địa phương trong thị xã xuất hiện. Một số lãnh đạo cán bộ xã xem xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ ‘nội bộ” của xã nên ít nhiều không có sự liên kết, học hỏi, tham khảo giữa các xã với nhau.

Nhiều địa phương còn lơ là, xem nhẹ công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu biết về vai trò, ý nghĩa, mục đích, quyền lợi, nghĩa vụ của mình về xây dựng nông thôn mới. Nhiều xã còn mang nặng tính hình thức, chạy theo phong trào, làm cho diện mạo bên ngoài đẹp như cổng chào, bảng hiệu,...tuy nhiên xét về chiều sâu vẫn còn những hạn chế nhất định.

Một số công trình giao thông, thủy lợi chịu ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu nên phải xây dựng lại hoặc sửa chữa đã tác động không nhỏ đến môi trường, đời sống nhân dân.

Quá trình độ thị hóa nông thôn diễn ra nhanh, nông thôn ở thị xã An Nhơn ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống thành thị; một số tệ nạn xã hội xuất hiện, an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông đặt ra nhiều vấn đề cần phải tăng cường đảm bảo.

Do tác động của quá trình độ thị hóa, một số ngành nghề truyền thống có nguy cơ mai một; một số nét đẹp văn hóa, loại hình nghệ thuật,...có nguy cơ mất, môi trường đang đặt ra nhiều vấn đề giải quyết,...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình xây dựng nông thôn mới ở thị xã an nhơn, tỉnh bình định (2011 2018) (Trang 87 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)