Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất của thành phố huế đến năm 2016 và đề xuất phương án điều chỉnh (Trang 58 - 60)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.1.6. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường

3.1.6.1. Thuận lợi

- Thành phố Huế có vị trí địa lí, kinh tế và chính trị rất thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội thành phố: là trung tâm chính trị của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên các tuyến trục giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế (quốc lộ 1A, gần sân bay quốc tế Phú Bài và gần cảng nước sâu Chân Mây, cảng biển Thuận An); là Cố đô khắc sâu trong tâm khảm nhiều người dân Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới.

- Là trung tâm văn hoá lớn với hệ thống những tài nguyên văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng và đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác, phát huy phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù quy mô dân số Thành phố chỉ có hơn 30 vạn người, song nhiều nét văn hoá Huế lan toả khắp nơi trên cả nước, có sức hấp dẫn lớn, lôi cuốn và tác động đến cuộc sống thường ngày của nhiều người dân.

- Thành phố là trung tâm đào tạo đại học, trung tâm y tế lớn thứ ba của cả nước, là nơi tập trung đội ngũ trí thức đông đảo có tiềm năng lớn về nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, y học, văn học, nghệ thuật, lịch sử..., cung cấp dịch vụ đào tạo, y tế chất lượng cao cho cả nước và quốc tế.

- Nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ học vấn cao, đào tạo tốt về chuyên môn nghiệp vụ, quy tụ nhiều đặc tính quý (văn minh, lịch thiệp, cần cù và khéo tay, ham học và thông minh) rất cần thiết cho sự phát triển, thực hiện CNH, HĐH trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nền kinh tế phát triển tương đối toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng nhanh hơn so với mục tiêu quy hoạch đề ra, đặc biệt cơ cấu trong nội bộ các ngành cũng có bước thay đổi đáng kể theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của tỉnh.

- Cơ sở hạ tầng đô thị đã được xây dựng và tích luỹ qua nhiều năm, mặc dù còn chưa đồng bộ, có phần thiếu và bị xuống cấp, song cũng là những tiền đề cơ bản quan trọng phục vụ cho sự phát triển của thành phố.

3.1.6.2. Những khó khăn, hạn chế

Cùng với những lợi thế, bước vào thời kỳ mới, thành phố Huế còn có những hạn chế và đang đứng trước snhững thách thức lớn. Đó là:

- Thời tiết, khí hậu khá khắc nghiệt tác động không thuận lợi đến các điều kiện đầu tư phát triển (thời gian nắng nóng, khô hạn và mưa dầm kéo dài trong năm).

- Diện tích thành phố không lớn (7.067,32 ha), tạo ra những hạn chế nhất định cho sự phát triển. Kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố tuy đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, không ít những tuyến đường đang

xuống cấp, hệ thống quy hoạch mạng lưới giao thông, điện, nước thiếu sự đồng bộ chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

- Quy mô của nền kinh tế nói chung và của từng ngành kinh tế, từng doanh nghiệp còn nhỏ, trình độ phát triển, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và sản phẩm còn thấp so nhiều địa phương trong nước. Sức mua bán, giao dịch chưa cao, sản xuất kinh doanh mang tính nhỏ lẻ, tính chất tự cung tự cấp chưa cao (sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chủ yếu tiêu thụ trong thành phố), thị trường hàng hoá phát triển chưa đủ mạnh. Các quan hệ liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để phát triển còn hạn chế, khả năng vươn ra thị trường trong khu vực và quốc tế còn quá yếu trong khi hội nhập kinh tế đã bước sang giai đoạn mới với nhiều thời cơ và thách thức cao hơn.

- Kinh tế phát triển chưa đều, thiếu bền vững, vốn đầu tư còn thấp, sản xuất hàng hoá quy mô nhỏ, công nghệ chưa cao, chưa tạo được bước đột phá để tăng trưởng nhanh. Khu vực dịch vụ - du lịch là nền tảng kinh tế thành phố, song đang ở dạng tiềm năng, chưa khai thác được nhiều, hoạt động dịch vụ mang tính nhỏ lẻ, phân tán, tự phát. Kinh tế quốc doanh, HTX đã được sắp xếp, đổi mới nhưng còn chậm. Kinh tế tư nhân phát triển chậm, chưa sôi động cả về số lượng, quy mô doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm. Năng lực, điều kiện để xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm tham gia vào hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế; giá trị xuất nhập khẩu thấp và tăng chậm, thu hút vốn đầu tư từ các địa phương khác ở trong nước và từ ngoài nước thấp.

- Quản lý và đầu tư đô thị: việc lập các quy hoạch còn chậm, thiếu, chưa đồng bộ và chất lượng chưa cao. Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng đô thị còn nhiều bất cập và không đồng bộ. Triển khai đầu tư, quản lý đầu tư và khai thác công trình chưa phát huy hết hiệu quả; công tác đền bù giải toả gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất để tái định cư; chất lượng tư vấn trong các dự án xây dựng đầu tư chưa cao ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư.

- Chưa khơi dậy ý thức tự giác và chủ động của cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động văn hóa, bảo tồn, môi trường, trật tự đô thị; thiết chế văn hóa chưa đủ nên chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

- Khoa học - công nghệ, môi trường: chưa được quan tâm đúng mức, rất ít đề tài nghiên cứu được đăng ký; ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn còn hạn chế, chưa di chuyển được hết các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi vùng dân cư tập trung và khu vực nội thị. Chưa có những giải pháp hữu hiệu để thu hút các nhà khoa học tại địa phương tham gia tích cực vào việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Người dân Huế có trình độ học vấn và kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cao, cần cù, khéo tay, tuy nhiên tâm lý cẩn trọng, thiếu năng động trong làm ăn, dè dặt trong đầu tư cũng là yếu tố không thuận lợi trong tình hình phát triển hiện nay của thành phố Huế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất của thành phố huế đến năm 2016 và đề xuất phương án điều chỉnh (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)