1.5.1. Phương pháp nhân trắc học
Phương pháp nhân trắc học dinh dưỡng là đo các biến đổi về kích thước và cấu trúc cơ thể để đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Những kích thước nhân trắc thường được sử dụng là: cân nặng, chiều cao/chiều dài, bề dày lớp mỡ dưới da, vòng cánh tay, vòng eo
Theo Tổ chức Y tế thế giới khuyên nên dùng “chỉ số khối cơ thể” (Body Mass Index, BMI) để nhận định tình trạng dinh dưỡng, được tính theo công thức:
BMI = Cân nặng (kg)/ chiều cao (m)2
Ưu điểm
Dễ thực hiện.
Nhược điểm
Độ nhạy kém để phát hiện sự thay đổi tình trạng dinh dưỡng cấp tính [1].
1.5.2. Phương pháp đánh giá chủ quan toàn diện bệnh nhân PG – SGA (Patient – Generated Subjective Global Assessment)
PG – SGA được điều chỉnh từ phương pháp SGA và được phát triển đặc biệt cho bệnh nhân ung thư. Phương pháp SGA được Ottery giới thiệu vào năm 1994 và được hoàn thiện năm 2000. Độ nhạy và độ đặc hiệu của PG - SGA chỉ ra rằng nó mạnh mẽ dự đoán tình trạng dinh dưỡng SGA ( độ nhạy PG – SGA là 98% và độ đặc hiệu là 82%). Tuy nhiên, PG-SGA nó xác định được một loạt các triệu chứng tác động đến dinh dưỡng rộng hơn SGA [25]. PG – SGA được đánh giá giúp xác định những bệnh nhân ung thư có SDD và cho phép phân loại bệnh nhân để hỗ trợ dinh dưỡng. Điểm số giúp xác định tác động của dinh dưỡng đối với triệu chứng [58].
Ưu điểm
Phương pháp này đánh giá được toàn diện, tổng thể và chủ quan tất cả khía cạnh liên quan và ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của người bệnh, bao gồm: tình trạng sụt cân nhanh của người bệnh trong vòng 6 tháng và 1 tháng; tình trạng ăn uống và hoạt động chức năng; phương pháp này cũng nhấn mạnh vào triệu chứng ảnh hưởng đến ăn uống như chán ăn, buồn nôn, nôn, nhiệt miệng, khô miệng, thay đổi vị giác ...; đồng thời có đánh giá nhu cầu chuyển hóa và khám các dấu hiệu lâm sàng liên quan đến tình trạng dinh dưỡng như teo cơ, mất lớp mỡ dưới da, phù/ cổ chướng.
Nhược điểm
Mất nhiều thời gian trong quá trình đánh giá TTDD cho người bệnh và cần được thực hiện bởi cán bộ y tế có trình độ chuyên môn nhất định để thăm khám và phát hiện các dấu hiệu lâm sàng [5].
1.5.3. Phương pháp điều tra khẩu phần ăn
Các phương pháp chính là phương pháp hỏi ghi khẩu phần 24 giờ, điều tra tần suất tiêu thụ lương thực, thực phẩm. Đây là một phương pháp sử dụng để phát hiện sự bất hợp lý (thiếu hụt hoặc thừa) dinh dưỡng ngay ở giai đoạn đầu tiên. Thông qua việc thu thập, phân tích số liệu về tiêu thụ lương thực, thực phẩm và tập quán ăn uống (chỉ số về dinh dưỡng của các thực phẩm dựa vào bảng thành phần hóa học Việt Nam của viện dinh dưỡng) từ đó cho phép rút ra các kết luận về mối liên quan giữa ăn uống và tính trạng sức khỏe.
Ưu điểm
Phương pháp này đơn giản, thông dụng dễ thực hiện, có giá trị khi áp dụng cho số đông đối tượng. Phương pháp này cho kết quả nhanh, chi phí thấp, có thể áp dụng với đối tượng có trình độ văn hóa thấp, mù chữ.
Nhược điểm
Hiện tượng “trung bình hóa khẩu phần” có thể xảy ra khi điều tra viên điều chỉnh khi phỏng vấn. Có sự sai lệch khi có nhiều điều tra viên cùng điều tra khẩu
Đối tượng có thể nói quá hoặc nói giảm, quên do trí nhớ kém. Một số món ăn, thực phẩm khó ước lượng chính xác thành phần dinh dưỡng [1].
1.5.4. Phương pháp hóa sinh
Chỉ số hóa sinh có ích trong việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh và là chỉ số quan trọng trong việc theo dõi, giám sát, hỗ trợ dinh dưỡng [46].
Albumin là protein quan trọng nhất của huyết thanh tham gia vào 2 chức năng chính là duy trì 70 - 80% áp lực thẩm thấu keo trong huyết tương, liên kết và vận chuyển các chất có phân tử nhỏ như bilirubin, hormon steroid, acid béo và các thuốc có trong máu. Thời gian bán hủy của Albumin là khoảng 20 ngày vì vậy giá trị chẩn đoán về dinh dưỡng của Albumin là khá muộn (do khi nồng độ Albumin trong huyết thanh giảm điều đó có nghĩa là trước đó vài tuần một lượng lớn protein đá mất). Song Albumin vẫn là một thông số có giá trị khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng [7].
Tổng số lượng tế bào lympho (Total Lymphocyte Count – TLC): Dựa vào cơ sở suy sinh dưỡng gây suy giảm chức năng miễn dịch nên TTDD được đánh giá thông qua phép đo tổng số lượng tế bào Lympho. Tuy nhiên, TLC bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên TLC không phải là chỉ số đánh giá TTDD đáng tin cậy [19].
Hemoglobin hay còn gọi là huyết sác tố (Hb) là một protein kết hợp giữa nhân hem có chứa sắt và globin. Hemoglobin trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đến các mô tế bào và lấy cacbonyl của mô tế bào trong cơ thể. Thiếu máu là sự giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm hàm lượng hemoglobin ở máu ngoại vi dẫn đến máu thiếu oxy để cung cấp cho các mô tế bào. Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất xảy ra cùng một lúc 2 tình trạng thiếu máu và thiếu sắt. Thiếu máu làm cho người bệnh mệt mỏi, hoa mát chóng mặt, giảm vận động chán ăn làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong [7].