3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.3.4. Tiến độ tổ chức thực hiện GPMB tại dự án nghiên cứu
Ngày 27/12/2012, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 3406/QĐ- BGTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km987-Km1027 đi qua huyện Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành, trong đó huyện Núi Thành chiếm phần lớn quy mô diện tích của dự án (24,5 km/27,7 km) do UBND tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 làm nhà đầu tư thi công dự án theo hình thức BOT.
Ngày 16/01/2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 133/QĐ-UBND ủy quyền cho UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đoạn qua huyện Núi Thành. Theo đó, UBND huyện Núi Thành đã có Quyết định số 736/QĐ-UBND ngày 27/02/2013 giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Núi Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án. Đến ngày 06/5/2015, UBND huyện Núi Thành đã tổ chức tổng kết công tác bồi thường, GPMB dự án và bàn giao mặt bằng toàn tuyến cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 thi công dự án.
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy thời gian tổ chức thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Núi Thành nhanh hơn so với một số dự án khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Nhận thức đây là dự án động lực và trọng điểm của tỉnh Quảng Nam, sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chỉnh trang đô thị và giảm thiểu tai nạn giao thông trên toàn tuyến Quốc lộ 1,... Do đó, Huyện ủy và UBND huyện Núi Thành xác định công tác bồi thường, GPMB của dự án là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của địa phương, nên tập trung huy động cả hệ thống chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, GPMB của dự án. Về phía UBND tỉnh Quảng Nam cũng thành lập Ban chỉ đạo chuyên trách với sự tham gia của đại diện các ngành của tỉnh do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban để theo dõi, chỉ đạo và quyết định những chế đô, chính sách về bồi thường, GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nhằm giúp cho UBND huyện Núi Thành tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB của dự án.
Thứ hai: Kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, GPMB của dự án được xây dựng chi tiết, có lộ trình cụ thể cho từng hạng mục công việc và được triển khai, phổ biến đồng bộ đến từng địa bàn cấp xã, thôn, khối nơi có dự án đi qua. Theo đó, các đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB có điều kiện phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, UBND và UBMTTQVN các xã, thị trấn để tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân trong vùng dự án được hiểu, đồng thuận chấp hành chủ trương và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác kê khai, kiểm đếm, áp giá xây dựng phương án bồi thường, GPMB dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện, Huyện ủy và UBND huyện thường xuyên kiểm tra, tổ chức họp giao ban định kỳ hằng tuần, hằng tháng hoặc họp đột xuất tại các địa phương nhằm đôn đốc, giải quyết những phát sinh vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB của dự án.
Thứ ba: Ngoài những chính sách về bồi thường, GPMB theo quy định của pháp luật được áp dụng chung trên địa bàn toàn tỉnh thì UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã vận dụng các quy định của pháp luật để hỗ trợ riêng cho dự án về đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc trên đất bị ảnh hưởng nhằm động viên kịp thời cho các hộ bị thu hồi đất sớm bàn giao mặt bằng và có điều kiện ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB thì các đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB đã công khai tất cả các khâu công việc, từ công tác kiểm kê, họp xét xác nhận nguồn gốc đất, tài sản trên đất bị ảnh hưởng đến khi áp giá trị bồi thường, hỗ trợ và niêm yết công khai,minh bạch để mọi người được biết và giám sát với nhau.
Thứ tư: Đây là dự án được triển khai theo hình thức BOT do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 làm nhà đầu tư nên kinh phí chi trả tiền bồi thường, hỗ
trợ được cung cấp kịp thời, điều này trái ngược với một số dự án khác trên địa bàn huyện Núi Thành có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Việc giải ngân vốn rất nhanh và đầy đủ của dự án đã giúp cho các đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB có điều kiện hoạt động, cũng như các hộ bị ảnh hưởng được nhận kịp tiền bồi thường, hỗ trợ để an tâm xây dựng kế hoạch ổn định cuộc sống, sớm bàn giao mặt bằng; ngoài ra việc chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ đã góp phần giải quyết dứt điểm về chế độ, chính sách bồi thường, GPMB cho các hộ bị ảnh hưởng làm hạn chế tình trạng chờ đợi dẫn đến phát sinh khiếu nại, khiếu kiện trong nhân dân.
Mặc dù đến ngày 06/5/2015, UBND huyện Núi Thành đã tổ chức tổng kết công tác bồi thường, GPMB dự án và bàn giao 100% mặt bằng toàn tuyến cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 để thi công dự án, nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết trong quá trình triển khai thực hiện bồi thường, GPMB của dự án đã phát sinh 459 đơn/3.014 hộ bị ảnh hưởng khiếu nại, kiến nghị (64 đơn khiếu nại và 395 đơn kiến nghị) và đến ngày 06/5/2015 vẫn còn 15 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Nội dung khiếu nại, kiến nghị của các hộ bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung vào giá bồi thường về đất, nhà ở và vật kiến trúc gắn liền với đất thấp chưa tương xứng với giá phổ biến trên thị trường, loại đất được bồi thường (đất ở, đất vườn ao) không phù hợp với quá trình quản lý, sử dụng và diện tích bố trí tái định cư chưa đáp ứng với yêu cầu cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.
Để giải quyết các vướng mắc trên, UBND huyện Núi Thành đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân để người dân hiểu và rút đơn khiếu nại, kiến nghị, đồng thời tập trung tham mưu UBND huyện giải quyết, trả lời đơn thư khiếu nại, kiến nghị kịp thời cho nhân dân theo đúng quy định pháp luật. Riêng đối với các trường hợp đã được UBND huyện Núi Thành trả lời đơn khiếu nại, kiến nghị và các ngành chức năng của huyện phối hợp với UBND cấp xã nhiều lần giải thích, vận động và giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định nhưng cố tình không chấp hành nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng thì xác lập hồ sơ, tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật; kết quả là có 15 trường hợp như đã nêu trên bị cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao mặt bằng nên đến ngày 06/5/2015 (ngày bàn giao mặt bằng toàn tuyến) vẫn chưa nhận tiền bồi thường.