Thống kê các nội dung khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai trên địa bàn thành phố quảng ngãi (Trang 60 - 63)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

3.2.3. Thống kê các nội dung khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai

3.2.3.1. Về nội dung khiếu nại

Các đơn thư có nội dung khiếu nại chiếm 49,5% trong tổng số đơn thư tiếp nhận trong lĩnh vực đất đai. Các nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội và khiếu nại về việc cấp, thu hồi, chỉnh lý giấy chứng nhận QSDĐ, thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Đây là lĩnh vực có số lượng đơn khiếu nại nhiều nhất, các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực này.

Các đơn khiếu nại liên quan đến giấy chứng nhận QSDĐ chiếm 37,6% trong tổng số đơn khiếu nại đất đai. Khiếu nại về QĐHC và HVHC trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ, đăng ký biến động sau khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ cũng là một dạng khiếu nại rất phổ biến hiện nay vì nó liên quan trực tiếp đến quyền của người sử dụng đất. Nội dung khiếu nại chủ yếu như: còn nhiều phiền hà, sách nhiễu, quan liêu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, thời gian giải quyết hồ sơ còn quá dài, vượt quá quy định; cấp giấy chứng nhận QSDĐ sai sót về tên chủ sử dụng, sơ đồ thửa đất, diện tích, xác định nghĩa vụ tài chính không đúng; không cấp, cấp đổi giấy chứng nhận mà không có lý do chính đáng hoặc lý do không rõ ràng hoặc do quy hoạch treo mà người dân không được cấp giấy chứng nhận. Dạng khiếu nại này phát sinh một phần từ sai sót của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, dạng khiếu nại này đang có chiều hướng giảm dần do các cơ quan có thẩm

quyền đã tăng cường công tác cải cách hành chính trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Đối tượng bị khiếu nại là các quyết định của UBND cấp huyện, và hành vi của cán bộ địa chính cấp xã, các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Một số vụ điển hình cho dạng khiếu nại này như: vụ bà Nguyễn Thị Kim Bích, ở phường Chánh Lộ khiếu nại hành vi hành chính của cán bộ văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh thanh phố từ chối nhận hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Bà, vụ khiếu nại của các ông, bà: Nguyễn Tông, Nguyễn Tách, Nguyễn Thị Đến, ở xã Nghĩa Hà khiếu nại quyết định hành chính của UBND thành phố đó là quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Á….

Các đơn khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, GPMB, tái định cư chiếm 49,1%trong tổng số đơn khiếu nại đất đai. Các đoàn đông người thường tập trung vào lĩnh vực này. Điển hình một số vụ khiếu nại về bồi thường, GPMB đông người, kéo dài như: vụ khiếu nại của một số hộ dân Khu dân cư số 6, phường Trương Quang Trọng khiếu nại về giá cả bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của các hộ xây dựng Khu dân cư 577; vụ khiếu nại của các ông, bà: ông Phạm Quận, ông Trần Bá Ba, ông Trần Hiển, ông Nguyễn Thanh Vân, bà Nguyễn Hợi khiếu nại Quyết định thu hồi đất của UBND thành phố để thực hiện dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang – Cầu Mới; Vụ khiếu nại của một số hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án đường Nguyễn Công Phương; vụ khiếu nại của một số hộ dân có đất bị thu hồi thược dự án đường Nguyễn Trãi mở rộng....Khiếu nại QĐHC, HVHC trong lĩnh vực này tập trung vào các nội dung chủ yếu như: xác định sai diện tích đất bị thu hồi, xác định sai loại đất để tính giá bồi thường, các khoản hỗ trợ, tái định cư, tái định cư tại chỗ; áp giá không đúng quy định, sai vị trí, không nhân hệ số K; kiểm đếm tài sản và áp giá bồi thường chưa chính xác; đòi nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ; khiếu nại về việc bố trí tái định cư. Nguyên nhân do giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn. Tiền bồi thường đất nông nghiệp thường không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để nhận chuyển nhượng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác. Nhìn chung các địa phương, dự án chưa coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các dự án trên cùng địa bàn, một số khu tái định cư đó được lập nhưng không bảo đảm điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, giá đất ở tại khu tái định cư của tỉnh ban hành quá cao nên tiền nhận bồi thường không đủ trả cho đất, nhà ở tại khu tái định cư. Các quy định của pháp luật về đất đai để giải quyết vấn đề tái định cư khá đầy đủ nhưng các địa phương thực hiện chưa tốt, thậm chí một số địa phương chưa quan tâm giải quyết nhiệm vụ này dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài. Việc giải quyết các trường hợp này thường mất nhiều thời gian, người khiếu nại không chấp hành đầy đủ các quyết định thu hồi

đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của cơ quan nhà nước, chậm di dời, hoặc không chịu di dời để bàn giao mặt bằng dẫn đến chậm trễ trong thời gian triển khai các dự án sử dụng đất, gây áp lực cho cơ quan chức năng, có những trường hợp UBND thành phố phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện Quyết định thu hồi đất, như trường hợp của 07 hộ dân thuộc dự án Hạt Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, trường hợp của ông Hồ Ngọc Phấn thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang – Cầu Mới. Một số trường hợp chủ đầu tư các dự án không tính toán mức độ ảnh hưởng của dự án đến đời sống nhân dân nên khi dự án đi vào hoạt động nhân dân dù không bị thu hồi đất nhưng vẫn khiếu kiện đòi bồi thường do bị ảnh hưởng bởi dự án như Dự án trường Đại học Phạm Văn Đồng, dự án khu công nghiệp Quảng Phú ...

Ngoài ra, còn có một số khiếu nại khác như: khiếu nại về việc không đổi đất cho nhân dân sản xuất, khiếu nại về quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND các xã, phường, UBND thành phố về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm giải quyết khiếu nại của công dân, khiếu nại về bản án trong lĩnh vực đất đai, kiến nghị đòi thực hiện các chính sách về đất đai như đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất; khiếu nại về quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng đất đai; kiến nghị xác định lại ranh giới, mốc giới sử dụng đất…Các khiếu nại, kiến nghị này chiếm khoảng 13,3%trong tổng số đơn khiếu nại về đất đai.

3.2.3.2. Về nội dung, đối tượng bị tố cáo

Về đơn tố cáo liên quan đến đất đai hiện nay thường thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau: tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng các chương trình, dự án của Nhà nước để bao chiếm ruộng đất, chia chác đất đai, nhất là đối với các dự án phát triển khu dân cư, các dư án bố trí tái định cư. Tố cáo cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, như: giao đất; cho thuê đất; cho phép chuyển nhượng QSDĐ; cấp giấy chứng nhận QSDĐ; không thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ. Tố cáo UBND giao đất trái thẩm quyền; giao đất, cho thuê đất công ích không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch; sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích (5%) trái quy định của pháp luật. Tố cáo hành vi trục lợi về đất đai thông qua việc lập phương án hoặc điều chỉnh phương án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn không phù hợp với thực tế, gây xáo trộn không cần thiết trong đời sống nhân dân. Đơn tố cáo chiếm 4,08% trong tổng số đơn đất đai đã tiếp nhận. Điển hình là vụ tố cáo của bà Nguyễn Thị Lan, ở thôn 4, xã Nghĩa Dõng; vụ tố cáo của ông Phạm văn Chương, ở tổ 14, phường Quảng Phú....

Đối tượng bị khiếu nại, tố cáo chủ yếu là cán bộ cấp xã, thành phố, các chủ sử dụng đất liền kề. Trong đó: Tố cáo cán bộ xã, thôn chiếm 44%, tố cáo cán bộ thành phố chiếm 23% và các nội dung khác chiếm 33%.

3.2.3.3. Về nội dung tranh chấp đất đai

Đơn thư có nội dung tranh chấp chiếm khoảng 46,4% so với tổng số đơn tiếp nhận. Về TCĐĐ phát sinh ở nhiều dạng, đa dạng và phức tạp, tập trung vào các vụ việc như: tranh chấp đất hương hoả, họ tộc; tranh chấp ranh giới giữa các chủ sử dụng đất liền kề; tranh chấp về diện tích đất đã mua bán, chuyển nhượng trao tay mà chưa làm đầy đủ thủ tục theo đúng quy định của pháp luật; đòi lại đất cũ, tài sản của dòng họ, của người thân trong các giai đoạn khác nhau; tranh chấp quyền thừa kế QSDĐ, thừa kế tài sản gắn liền với QSDĐ, tranh chấp nhà đất do đó cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ; tranh chấp hợp đồng chuyển QSDĐ; khiếu nại việc giải quyết tranh địa giới hành chính…. Tranh chấp giữa các chủ sử dụng đất liền kề (thường giữa hai hộ gia đình với nhau) chiếm tỷ lệ cao, gần 89% trong tổng số đơn có nội dung tranh chấp. Tranh chấp về đòi lại đất cũ chiếm 11,9 %. Điển hình là vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Đặng Thị Lan với bà Nguyễn Thị Mai, ở xã Nghĩa Dõng đã được UBND thành phố, UBND tỉnh giải quyết, khi giải quyết xong thì bà Đặng Thị Lan chuyển sang tố cáo một số cán bộ UBND xã; vụ tranh chấp đất đường đi giữa ông Nguyễn Thuận và một số hộ dân ở tổ 2 phường Trần Hưng Đạo...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai trên địa bàn thành phố quảng ngãi (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)