4. Những đóng góp mới, ý nghĩa khoa học hoặc thực tiễn
1.1.4. Những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nông thôn trong
XDNTM
1.1.4.1. Nhân tố khách quan
a. Nhóm các nhân tố vềđiều kiện tự nhiên
Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế nông thôn. Nhóm những yếu tố của điều kiện tự nhiên bao gồm: điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu, nguồn nước, rừng, khoáng sản và các yếu tố sinh học khác….
Các nhân tố của điều kiện tự nhiên khác nhau tác động đến sự phát triển của kinh tế nông thôn cũng khác nhau. Trong kinh tế nông thôn bao gồm các bộ phận cấu thành ( cơ cấu ngành, vùng lãnh thổ, theo thành phần kinh tế), bộ phận kinh tế nga ngành và kinh tế vùng lãnh thổ chịu tác động của yếu tố tự nhiên nhiều hơn. Trong cơ cấu kinh tế nông thôn, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và có ảnh hưởng tới các ngành kinh tế khác, trong khi đó nông nghệp lại chịu ảnh hưởng rất lớn điều kiện tự nhiên: thời tiết, khí hậu, nguồn nước….
Theo kiến tạo địa hình, nước ta có thể chia làm 3 vùng lớn: Miền núi và Trung du; đồng bằng; ven biển và hải đảo. mỗi vùng có điều kiện tự nhiên (địa hình, thổ nhưỡng, tiểu khí hậu …) khác nhau, điều đó đã quyết định không nhỏ tới khả năng phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn mỗi vùng nói riêng.
Miền núi và trung du có lợi thế đất rộng, khí hậu đa dạng … có thế mạnh về phát triển kinh tế rừng, các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc, các nghề thủ công truyền thống … nhưng bất lợi là hạ tầng kém phát triển, trình độ dân trí thấp, dân cư phân bố thưa…
Trái lại, vùng đồng bằng tuy đất hẹp nhưng có lợi thế hạ tầng phát triển, lao động có trình độ cao tương đối dồi dào nên thuận lợi cho thâm canh các loại cây có trình độ canh tác cao như: rau, hoa, lúa gạo, nuôi thủy sản và phát triển các loại nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Vấn đề của các nhà hoạch định chính sách là phải xác định đúng lợi thế của mỗi vùng để bố trí sản xuất phù hợp để tạo các điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai, khí hậu …
Các nhân tố về kinh tế xã hội có sự tác động mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển của kinh tế nông thôn, nhất là trong việc thực hiện cơ chê kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện hội nhập thế giới, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa diến ra mạnh mẽ hiện nay. Các yếu tố kinh tế - xã hội tác động đến phát triển kinh tế nông thôn gồm có: Thị trường; hệ thống các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước; hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn; tốc độ phát triển của các khu công nghiêp, đô thị; số lượng cũng như chất lượng của dân số và lao động.
Thị trường gắn liền với nền kinh tế sản xuất hàng hóa, bao gồm cung, cầu và giá cả. Nhu cầu thị trường vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sản xuất phát triển. Thị trường tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng. Nhu cầu thị trường rất đa dạng, tác động mạnh đến thay đổi cơ cấu ngành. Thị trường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ở khu vực nông thôn không chỉ có tác dụng tiêu thụ sản phẩm khu vực mà còn có tác dụng thỏa mãn nhu cầu về yếu tố đầu vào cho kinh tế nông thôn như: vốn, vật tư kỹ thuật, lao đông….., mặt khác còn thỏa mãn nhu cầu các yếu tố đầu ra và đầu vào cho các ngành công nghiệp, dịch vụ ngoài khu vực nông thôn như: cung cấp nguyên vật liệu, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ tiêu dùng thành thị, cho khu công nghiệp…..
Tuy nhiên, thị trường với tính tự phát của nó thường dẫn đến những rủi ro nhất định cho người sản xuất và lãng phí cho xã hội, do đó rất cần sự quản lý can thiệp của nhà nước ở tầm vĩ mô giúp thị trường phát triển lành mạnh, đúng mục tiêu, tránh rủi ro không mong muốn. Muốn khai thác có hiệu quả của nhân tố này cần nâng cao chất lượng nghiên cứu thị trường (cả trong và ngoài nước) nhằm thu thập và xử lý thông tin về thị trường từ đó làm cơ sở cho việc định hướng và đề ra các giải pháp thực hiện phát triển kinh tế nông thôn có hiệu quả.
Chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước, đây là một nhân tố tác động để đạt được mục đích phát triển kinh tế nông thôn. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, vai trò của nhà nước là đề ra các chính sách kinh tế vĩ mô để điều chỉnh, tác động để nền kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng phát triển đúng hướng, có hiệu quả, tránh được rủi ro lãng phí các nguồn lực.
Vì vậy việc sửa đổi kịp thời những chính sách lỗi thời, lạc hậu hoặc nghiên cứu ban hành một chính sách thúc đẩy phát triển là nghĩa vụ, trách nhiệm nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn của Nhà nước ta hiện nay.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Lịch sử phát triển kinh tế hàng hóa đã chứng minh rằng hạ tầng kinh tế - xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng (nếu không nói là quyết định) đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Nó đóng vai trò to lớn trong việc tạo sự liên kết giữa nông thôn với thành thị, giữa các vũng xa xôi với các trung tâm, tạo cơ hội cho phát triển các vùng khó khăn và điều kiện để khai thác được nguồn lực từ các vùng sâu, vùng xa, nó tác động đến sự phát triển đồng đều trong cả nước và làm giảm bớt sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Vì vậy, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng được coi là tiêu chí đánh giá sự phát triển của một quốc gia.
Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có nhiều loại nhưng quan trọng nhất là giao thông, điện, thủy lợi, thông tin liên lạc, trạm y tế, trường học … ở các nước thành công trong CNH nông thôn đều đã tập trung đầu tư hạ tầng trước để làm môi trường hấp dẫn cho lôi kéo đầu tư về nông thôn.
Sự hình thành và phát triển của các khu đô thị, khu công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến việc chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế nông thôn. Việc hình thành các khu đô thị, các khu công nghiệp sẽ góp phần cung cấp cho kinh tế nông thôn về vốn, khoa học công nghệ tiến bộ…. góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Mặt khác, việc phát triển mạnh các khu đô thị, các khu công nghiệp sẽ cạnh tranh với ngành nông nghiệp, ngành kinh tế chủ yếu ở nông thôn về : đất đai, nguồn nước, lực lượng lao động trẻ…., điều đó đòi hỏi nhà nước cần có các chính sách phân bổ nguồn lực, phát triển hợp lý các khu đô thị, khu công nghiệp, tạo sự liên doanh, liên kết giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp, tạo sự phát triển cân đối, hài hòa các ngành, các vùng.
Dân số, lao động, chất lượng lao động, là yếu tố tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, những kinh nghiệm và tập quán sản xuất của cư dân nông thôn cũng có ảnh hưởng tới việc hình thành, phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
a. Sự phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn
Thực tế phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tất yếu xuất hiện những chủ thể sản xuất hàng hóa, đó là: Hộ nông dân, trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nông thôn. Các chủ thể sản xuất đó là cơ sở, tiền đề mang tính khách quan đảm bảo cho kinh tế hàng hóa nông thôn ra đời, phát triển. Nói cách khác, thiếu những chủ thể đó sẽ không thể xây dựng, phát triển kinh tế hàng hóa ở nông thôn được.
Về hộ nông dân, Thực tiễn phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn trên thế giới đã chứng minh vai trò to lớn, không thể thiếu được của kinh tế hộ nông dân - nông trại gia đình. Đối với nước ta, việc thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, cùng với các Chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về ruộng đất, tín dụng, giá cả … đã thực sự giải phóng người nông dân, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển. Vai trò của kinh tế nông hộ thể hiện rõ lợi thế ở các mặt sau:
Một là, ở trình độ sản xuất nông nghiệp còn chưa cao như nước ta thì tổ chức sản xuất theo quy mô hộ gia đình trước mắt và lâu dài thích hợp với quá trình sản xuất nông nghiệp.
Hai là: Trong điều kiện sản xuất hiện nay và trong một số năm tới, kinh tế hộ gia đình là mô hình khá thuận lợi cho việc áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.
Về kinh tế trang trại, Kinh tế trang trại được hình thành và phát triển từ cơ sở kinh tế hộ gia đình trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn là tất yếu. Trong nền kinh tế hàng hóa, các hộ nông dân nhằm mục đích thu lãi cao nhất, họ đã bằng mọi cách đáp ứng nhu cầu thị trường. Do sự tác động của các quy luật kinh tế khách quan, tất yếu dẫn đến xu hướng: Những hộ nông dân có năng lực tổ chức sản xuất, có kinh nghiệm, vốn, đất đai, có trình độ khoa học, công nghệ … từng bước phát triển quy mô sản xuất và hình thành kinh tế trang trại. Kinh tế trang trại ra đời từ cơ sở các hộ nông dân sau khi phá vỡ cái “vỏ bọc” sản xuất tự cấp, tự túc, khép kín, vươn lên sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường, từng bước thích nghi với môi trường cạnh tranh.
Kinh tế trang ra đời thực sự tạo cơ sở, tiền đề cho hộ nông dân bứt ra khỏi hoàn toàn quỹ đạo tiểu nông, tiến lên sản xuất nông sản hàng hóa.
Các tổ chức kinh tế hợp tác, Kinh tế hộ là cơ sở, tiền đề phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn, đó là một tất yếu đã được lịch sủ chúng minh. Song, không phải vì thế mà chúng ta tuyệt đối hóa vai trò kinh tê hộ trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn. Ngoài ưu điểm lợi thế của kinh tế hộ, nó còn có những giới hạn nhất định ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn. Quá trình phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn là quá trình phát triển các ngành nghề, hình thành nhiều lĩnh vực đảm bảo cho quá trình phát triển sản xuất cho nên có những lĩnh vực mà kinh tế hộ không đảm bảo được, hoặc có thực hiện thì kết quả thấp như lĩnh vực lưu thông, dịch vụ kỹ thuật, tín dụng, chế biến nông, lâm, thủy sản … Đồng thời quá trình phát triển kinh tế hàng hóa buộc các hộ phải quan tâm đến năng suất lao động, cốt lõi là phải đổi mới trang bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đòi hỏi phải có lượng tiền vốn lớn, điều đó đã vượt quá khả năng của từng hộ gia đình.
Doanh nghiệp nông thôn, Là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn, trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất nông sản, hàng hóa tiêu dùng khác, sử dụng nguyên vật liệu từ nông thôn, dịch vụ cho kinh tế nông thôn, lao động chủ yếu từ nông thôn.
Thực tiễn đổi mới ở nước ta đã khẳng định những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp nông thôn là:
- Nâng cao giá trị sản xuât nông nghiệp thông quá chế biến, bảo quản ..
- Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng nhanh việc làm cho người lao động nông thôn vốn rất dư thừa, làm cho người lao động “ly nông bất ly hương”, có việc làm và được nâng cao đời sống ngay ở quê hương mình.
- Nâng cao nhanh thu nhập cho một bộ phân lớn dân cư nông thôn và đó là cơ hội thuận lợi tăng sức mua để tiêu thụ ngay sản phẩm của chính công nghiệp – dịch vụ.
- Không chỉ đóng góp hữu hiệu vào xóa đói giảm nghèo ở các địa phương mà còn đóng góp quan trọng vào tăng GDP, là nguồn xuất khầu thu ngoại tệ cho đất nước…
b. Sự phát triển và việc ứng dụng thành tựu của khoa học - công nghệ vào sản xuất
Bài học của các nước phát triển đã cho thấy họ đều thành công trong việc đầu tư mạnh để tiếp thu và ứng dụng thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ. Ngày nay họ có điều kiện để ra sức sử dụng các thành quả tri thức, thông tin, công nghệ mới để tiếp tục củng cố vị thế của mình, lũng đoạn kinh tế và áp đặt trật tự cho kinh tế thế giới.
Do đó, với điều kiện chậm phát triển như nước ta, muốn không bị tụt hậu, không có cách nào khác là phải ra sức tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có kinh tế nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH – HĐH là một cuộc cách mạng, trong đó khoa học công nghệ giữ vai trò chủ yếu. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra là phải tận dụng được lao động, đất đai để phát triển sản xuất, nhưng nếu không có tri thức mới, không đổi mới công nghệ và cách tổ chức sản xuất kinh doanh thì lao động và đất đai cũng sẽ không được khai thác và sử dụng tốt kéo theo hình thức sản xuất và đời sống nông dân sẽ không nâng lên được.
Cùng với việc tập trung cao cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, cần phải đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành nghề công nghiệp, thủ công nghiệp nông thôn trước hết là các làng nghề truyền thống. Thực tế cho thấy nhiều làng nghề bị suy yếu, mai một chính là do không đứng vững trước sự cạnh tranh của công nghệ mới. Những làng nghề phát triển được là do biết đầu tư, tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.