3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.1.2.1. Điều kiện về kinh tế
a. Tình hình tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ngày 01/01/1997, kinh tế thành phố Đà Nẵng phát triển khá ổn định và tăng trưởng liên tục qua các năm. Tổng sản phẩm trong nước GDP của Đà Nẵng năm 2012 đạt hơn 37.413 tỷ đồng theo giá so sánh năm 2010, tăng 9,03% so với năm trước.
Bảng 3.1: Tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng năm 2011 - 2014
Năm 2011 2012 2013 2014
Tổng sản phẩm (GDP, tr.Đồng)(giá so sánh 2010)
30.788.597 34.315.286 37.413.568 40.023.582
Trong đó (%)
Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 3,21 2,86 3,06 2,78
Công nghiệp, xây dựng 43,48 44,34 43,83 38,95
Dịch vụ 53,31 52,80 53,11 58,27
(Nguồn: Niên giám Thống kê Đà Nẵng năm 2014)
Trong điều kiện tình hình kinh tế khó khăn chung của cả nước, kinh tế - xã hội Đà Nẵng năm 2012 vẫn tăng trưởng 8,16% so với năm trước, công nghiệp - xây dựng tăng trưởng chậm, dịch vụ duy trì tăng trưởng khá (tăng 12,44%). Tăng trưởng kinh tế có tầm quan trọng hàng đầu, không chỉ do xuất phát điểm của thành phố còn thấp so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, phải tăng trưởng nhanh để sớm trở thành một đô thị hiện đại của khu vực miền Trung
- Tây Nguyên mà còn làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trọng điểm cũng như các chính sách an sinh xã hội,… Do vậy, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng trong những năm qua là rất đáng biểu dương và ghi nhận.
Cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng cũng đang có sự chuyển dịch tích cực từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, năm 2014 cơ cấu tương ứng là 58,27% - 38,95% - 2,78%. Kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố năm 2014 tăng lên đạt mức 1.783,8 triệu USD, trong khi đó tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố là 26.435 tỷ đồng theo giá hiện hành, giảm 14,91% so với cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Đà Nẵng là thủy sản, săm lốp cao su, dệt may, giày, cơ khí, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ,.... Các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp vật liệu mới đang được thành phố tập trung phát triển để trở thành những ngành kinh tế chủ lực.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách, hoạt động xuất nhập khẩu có đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố nhưng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp và chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu của cả nước. Thương mại hiện đại có tốc độ tăng trưởng cao. Các loại hình dịch vụ phát triển khá nhanh và đa dạng (du lịch, vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng,...).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, điểm mạnh của thành phố là khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi trang trại và trồng rau, hoa màu và hoa.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương có khả năng huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển ở trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, cả nước và thành phố Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, doanh nghiệp thiếu vốn, vốn vay ngân hàng khó tiếp cận, giá cả đầu vào tăng, sản phẩm tồn kho nhiều, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất dẫn đến tình trạng tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản,… Tuy nhiên, toàn Đảng và toàn dân thành phố Đà Nẵng cũng đã cố gắng vượt qua, kinh tế đã duy trì được sự tăng trưởng ổn định (tuy chưa đạt kế hoạch).
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền thành phố với những chính sách ưu đãi, nhiều doanh nghiệp cũng đã vực dậy hoạt động sản xuất ổn định, một số doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư ở các lĩnh vực mới, trong đó lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cũng rất được các doanh nghiệp quan tâm.
b. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật
Mạng lưới kết cấu hạ tầng ở Đà Nẵng đa dạng với hệ thống đường hàng không, đường thủy, đường sắt và đường bộ phát triển đồng bộ.
Hệ thống đường bộ ở thành phố phát triển nhất miền Trung và ngày càng được đầu tư mở rộng để hoàn chỉnh hơn, trong đó có nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành các cầu như: Sông Hàn, Cẩm Lệ, Tuyên Sơn, Thuận Phước, Rồng, Trần Thị Lý; các đường Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng, Võ Văn Kiệt, đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc,.... hoặc đang chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu hầm chui qua Sông Hàn
Ngoài ra với vị trí cửa sông, cửa biển, nơi có những con sông đổ ra biển, có vịnh kín gió và hàng chục kilômét bờ biển nên giao thông đường thủy rất thuận lợi; Cảng Sông Hàn, cảng Tiên Sa đều nằm không xa thành phố và có độ mớm nước sâu đáp ứng được các tàu có trọng tải lớn cập cảng, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đến các nơi trong nước và trên thế giới và là điểm đến cho các tàu du lịch loại lớn.
Nguồn điện, nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất được đảm bảo cung cấp từ lưới điện quốc gia thông qua đường dây 500kV Bắc Nam và các nhà máy nước của thành phố.
Hệ thống thông tin liên lạc được hiện đại hóa và phát triển mạnh, đảm bảo nhu cầu trong nước và quốc tế, là trung tâm thông tin lớn của cả nước cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Các Khu Công nghiệp: Hòa Khánh, Thanh Vinh, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Sơn Trà đã được xây dựng đồng bộ, hạ tầng phát triển, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.