CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và hiệu quả sử dụng đất trồng cà phê tại huyện cư m’gar, tỉnh đắk lắk (Trang 28)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀTHỰC TIỄN

1.3. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN

1.3.1. Trên thế giới

Theo Raju et al. (1982), trên thế giới cà phê được trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất phát triển trên phiến sét, đá vôi, bazan, diệp thạch, gơnai, granit,… trong đó đất nâu đỏ phát triển trên đá bazan được xem là thích hợp nhất. Những nước có diện tích cà phê trên đất đỏ bazan nhiều là Indonesia, Costa Rica, Ethiopia, Colombia, Nicaragoa, Philippines, Việt Nam.

Nghiên cứu của Wrigley (1986), tưới nước đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón dẫn đến năng suất cà phê tăng đáng kể. Tổng kết của Ấn Độ cho thấy áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa đã có tác dụng cải thiện được điều kiện dinh dưỡng trong cây, giúp quả chín tập trung, chiều dài cành tăng gấp đôi và năng suất tăng từ 85-95% so với vườn không được tưới (Naidu, 2000). Kumar (1982), khuyến nghị các vườn cà phê ở Kenya cần bổ sung khi lượng nước thiếu hụt lên đến 150 mm và lượng nước tưới là 100 mm cộng thêm từ 5-15 mm do tổn thất vì sự bốc hơi trong quá trình tưới phun mưa. Tại Zimbabwe cây cà phê được tưới với lượng nước từ 50 - 65 mm, chu kỳ tưới là 2-3 tuần (Mitchell, 1998).

Theo Krisnamurthy and Ramaiah (1985) và Ramaiah (1985), đất trồng cà phê Ấn Độ gồm đất phát triển trên đá diệp thạch, gơnai, granit và một số loại đất khác có thành phần cơ giới từ sét pha đến sét nặng. Kết cấu đất và độ dày tầng đất có tầm quan trọng rất lớn vì cây cà phê có năng lực phát triển bộ rễ rất mạnh. Ở Brazil, tại những vùng đất có độ màu mỡ dưới trung bình, nhưng có lý tính đặc biệt, đã tạo điều kiện cho rễ của cây cà phê phát triển mạnh. Ở những vùng đất chặt, bí hoặc nông, rễ cọc bị ngắn, các rễ khác chỉ lan rộng ở tầng đất mặt và không sâu quá 30 cm.

Đất thích hợp để trồng cà phê là đất có độ dày tầng đất mịn sâu (thích hợp là > 100 cm, không thích hợp ở những đất < 50 cm), hơi chua, tơi xốp, khả năng thấm, thoát nước tốt, đất có thành phần cơ giới từ thịt pha sét tới sét, có hàm lượng mùn từ khá trở lên. Hệ thống rễ của cây cà phê có nhu cầu oxy cao, vì vậy ở những loại đất có thành phần cơ giới sét nặng và những nơi thoát nước kém thì cần hạn chế trồng cà phê (Sys et al., 1993).

Nghiên cứu của Wallis (1960) cho thấy vỏ cà phê là nguyên liệu tốt để tủ gốc ở những nơi gần nhà máy chế biến. Rơm rạ, thân cây ngô, lá chuối hay các tàn dư thực vật cũng có thể dùng để tủ gốc. Trên vườn cà phê kinh doanh nên tủ xen kẽ giữa các hàng cà phê (một hàng tủ, một hàng không tủ và ngược lại trong năm kế tiếp) để tránh tác động bất lợi đối với đất.

1.3.2. Ở Việt Nam

Cà phê có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau vì yêu cầu cơ bản của đất trồng cà phê là có tầng sâu từ 70 cm trở lên, có độ thoát nước tốt (không bị úng, lầy). Thực tế ở Việt Nam cho thấy các vùng đất bazan, granit, sa phiến thạch, phù sa cổ, gơnai, đá vôi, dốc tụ,... đều trồng được cà phê.

Theo Vũ Cao Thái (1989), các cao nguyên đất bazan thuộc vùng Tây Nguyên nước ta có tầng đất dày, kết cấu tốt, tơi xốp, độ phì cao nên cây cà phê nơi đây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn những nơi khác, do vậy người ta mệnh danh chúng là “thiên đường” của cây cà phê.

So với nhiều loại đất trồng khác nhau, hàm lượng các chất dinh dưỡng khoáng trong đất bazan thường không cao, đặc biệt là lân và kali dễ tiêu thấp, nhưng đất bazan có chứa hàm lượng các nguyên tố vi lượng như Bo, Fe, Zn, Cu,… khá phong phú rất cần cho cây cà phê để tạo ra chất lượng cao (Hoàng Thanh Tiệm và cs., 1999). Đứng sau đất bazan là loại đất đỏ phún xuất khác như đất phát triển trên đá pocfia cũng thích hợp cho việc trồng cà phê. Đất phát triển trên đá pocfia thường chặt, không tơi xốp bằng đất đỏ bazan, khả năng giữ nước kém hơn, nhưng nếu có các biện pháp canh tác thích hợp thì cây cà phê vẫn có khả năng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Một số loại đất khác như đất phát triển trên diệp thạch, diệp thạch mica, diệp thạch vôi,… tuy không có tính chất vật lý, lý tưởng như đất đỏ phát triển trên đá bazan hoặc đất phát triển trên đá pocfia nhưng vẫn có thể trồng cà phê được (Hoàng Thanh Tiệm và cs., 1999).

Theo Đoàn Triệu Nhạn (1990), cây cà phê có thể được trồng trên các loại đất hình thành trên các loại đá mẹ khác nhau: đất phát triển trên đá bazan, gơnai, granit, phiến sét, đá vôi, dung nham và tro núi lửa,… Điểm cốt yếu của những loại đất này là phải có tầng đất dày, kết cấu tốt, tơi xốp, thoáng và đủ ẩm. Đất trồng cà phê có thể có nguồn gốc địa chất khác nhau.

Theo kết quả phân loại đất vùng Tây Nguyên có 13 nhóm đất chính, với 55 loại đất phân bố xen kẻ, rải rác khắp các tỉnh. Trong 13 nhóm đất ở vùng Tây Nguyên thì nhóm đất đỏ có 1.349.112 ha, chiếm 24,69% diện tích tự nhiên của vùng. Nhóm đất đỏ chủ yếu là các loại đất được hình thành trên sản phẩm phong hóa của đá bazan vốn được coi là các loại đất màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, dâu tằm,... Diện tích các loại đất đỏ thích hợp cho

phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả khoảng 730.000 ha, tập trung chủ yếu ở các cao nguyên Buôn Ma Thuột, Đắk Nông, Pleiku, Kon Hà Nừng, Di Linh-Bảo Lộc (Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, 2000).

Theo Nguyễn Thế Đặng và cs. (2003), đất đỏ có tổng diện tích 3.014.954 ha, chủ yếu đất vùng đồi núi, chiếm gần 10% diện tích tự nhiên toàn quốc. Tây Nguyên có quỹ đất đỏ bazan lớn nhất nước với diện tích khoảng 1,4 triệu ha. Đây là loại đất thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, điều,…

Theo Nguyễn Văn Toàn (2005), đất đỏ bazan hiện đang trồng cà phê ở Tây Nguyên có 405.284 ha, chiếm 26,2% tổng quỹ đất bazan và chiếm 92,6% tổng diện tích cà phê toàn vùng, phân bố tập trung ở các tỉnh Đắk Lắk 157.814 ha, Lâm Đồng 106.935 ha, Gia Lai 76.058 ha, Đắk Nông 64.406 ha và Kon Tum 71 ha. Hầu hết cà phê ở các tỉnh này đều được trồng trên đất đỏ (Ferralsols-FR) 396.336 ha, chiếm 97,8%; trên đất đen (Luvisols-LV) có 8.468 ha và rải rác ở đất nâu thẫm (Phaeozems- PH) 480 ha. Như vậy, xét về điều kiện đất (độ dốc, tầng dày) về cơ bản đất đang trồng cà phê là hợp lý.

Theo Nguyễn Mạnh Chinh và Nguyễn Đăng Nghĩa (2013), ở nước ta đất đỏ bazan là loại đất rất thích hợp để trồng cà phê. Loại đất này có nhiều nhất ở vùng Tây Nguyên khoảng 1,4 triệu ha, sau đó là miền Đông Nam bộ 0,7 triệu ha, ngoài ra còn ở vùng Phủ Quỳ (Nghệ An), Hưng Hóa (Quảng Trị) và một phần vùng núi phía Bắc. Ở những vùng này ngoài đất đai tốt thì điều kiện khí hậu cũng thích hợp, là vùng trồng cà phê chủ yếu của nước ta, năng suất và chất lượng cao.

Nghiên cứu của Nguyễn Văn Hóa (2014) cho thấy thu nhập cà phê trong niên vụ 2010/2011 của tỉnh Đắk Lắk cho thu nhập hỗn hợp (MI) đạt 74,57 triệu đồng/ha, lợi nhuận kinh tế đạt 64,76 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận trên chi phí là 1,08 lần (108%), lợi nhuận kinh tế trên một tấn cà phê nhân đạt 24,67 triệu đồng.

Theo Phạm Thế Trịnh (2014), cũng đã nghiên cứu hiệu quả kinh tế của sử dụng đất trồng cà phê trên địa bàn huyện Krông Năng của tỉnh Đắk Lắk cho thấy đối với các vườn trồng cà phê thuần lợi nhuận trung bình từ 37,34 triệu đồng/ha/năm đến 99,91 triệu đồng/ha/năm. Cụ thể là với năng suất cà phê đạt 4,3 tấn nhân/ha sẽ cho lợi nhuận đạt 99,91 triệu đồng/ha/năm, nếu năng suất cà phê đạt 3,05 tấn nhân/ha sẽ cho lợi nhuận đạt 69,80 triệu đồng/ha/năm, còn nếu năng suất cà phê đạt 1,85 tấn nhân/ha thì lợi nhuận đạt 37,34 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt là mô hình cà phê trồng xen mắc ca năm thứ 9 cho lợi nhuận 294,47 triệu đồng/ha/năm. Nghiên cứu cũng đã xác định được khả năng thích hợp về điều kiện khí hậu và tính chất đất đỏ bazan đối với việc trồng cà phê xen mắc ca.

Theo tính toán của Cục Trồng Trọt (2014a), tính về giá trị, cà phê không thua kém mặt hàng nông sản chủ lực nào của Việt Nam, thậm chí còn có giá trị gia tăng lớn hơn cả lúa gạo hay thủy sản.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên năm 2016 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy cà phê trồng thuần với năng suất 4,2 tấn nhân/ha cho lợi nhuận 102 triệu đồng/ha/năm.

Tóm lại, cây cà phê có thể được trồng trên nhiều vùng đất hình thành trên nhiều loại đá mẹ khác nhau: đất phát triển trên đá bazan, gơnai, granit, phiến sét, đá vôi và tro núi lửa. Trong đó đất phát triển trên đá bazan được coi là loại đất lý tưởng nhất để trồng cà phê do không những có tầng đất dày mà còn có các tính chất vật lý, hóa học thích hợp với yêu cầu của cây cà phê. Tuy vậy, dù trồng ở trên loại đất nào thì vai trò của con người cũng có tính quyết định trong việc duy trì, bảo vệ nâng cao độ phì nhiêu của đất. Đất bazan là một trong những loại đất lý tưởng để trồng cà phê, vì các đặc điểm lý hóa tính tốt và tầng dày của loại đất này. Tuy vậy, ngay cả trên đất bazan, nếu cà phê không được chăm sóc tốt vẫn dẫn tới hiện tượng cây mọc còi cọc, năng suất thấp. Ngược lại ở những nơi không phải là đất bazan nếu đảm bảo được đủ lượng phân hữu cơ, vô cơ, giải quyết tốt cây đậu đỗ, phân xanh trồng xen, tủ gốc tốt cùng các biện pháp thâm canh tổng hợp khác như tưới nước vẫn có khả năng tạo nên các vườn cà phê có năng suất cao.

CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 2.1.1. Đối tượng nghiên cứu 2.1.1. Đối tượng nghiên cứu

- Đất trồng cà phê tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk - Các hộ gia đình, cá nhân trồng cà phê

- Các chính sách và văn bản pháp lý liên quan đến phát triển cây cà phê tại Việt Nam

2.1.2. Phạm vi nghiên cứu

- Thời gian: Số liệu được thu thập, tổng hợp đánh giá từ năm 2016-2019

- Không gian: Đề tài được tiến hành nghiên cứu tại 03 xã: Cư Dilê Mnông, Ea M’nang và Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Xã Cư Dliê Mnông có diện tích đất trồng cà phê chiếm 80,58% đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất trong ba xã nghiên cứu, là tiểu vùng có diện tích thuộc nhóm đất đỏ vàng.

Xã Ea M’nang có diện tích đất trồng cà phê chiếm 32,47% đất sản xuất nông nghiệp là tiểu vùng có diện tích thuộc nhóm đất đen.

Xã Ea Kuêh có diện tích đất trồng cà phê chiếm 21,83% đất sản xuất nông nghiệp nhỏ nhất trong ba xã nghiên cứu, là tiểu vùng có diện tích thuộc nhóm đất xám.

2.2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

- Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. - Thực trạng sử dụng đất trồng cà phê tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. - Đánh giá hiệu quả sử dụng đất trồng cà phê tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. - Đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng cà phê tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

2.3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.3.1. Phương pháp điều tra thu thập số liệu

- Số liệu thứ cấp: Thu thập số liệu thứ cấp từ các Niên giám thống kê cấp huyện, các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội và các báo cáo liên quan khác tại các cơ quan như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động-Thương binh xã hội huyện, UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, Chi cục thống kê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, UBND các xã, thị trấn nằm trên địa bàn nghiên cứu.

- Số liệu sơ cấp: Tiến hành khảo sát thực địa, điều tra có sự tham gia của người dân theo câu hỏi chuẩn bị sẵn, tổ chức thảo luận nhóm. Đề tài chọn hộ điều tra được tiến hành chọn ngẫu nhiên của 03 xã Cư Dilê M’nông, Ea M’nang và Ea Kuêh để chọn 30 hộ ở mỗi xã. Các hộ được chọn điều tra phải có diện tích đất trồng cà phê từ 2 ha trở lên và cà phê đang cho thu hoạch. Tổng số hộ điều tra phục vụ nghiên cứu của đề tài là 90 hộ (3 xã), các thông tin điều tra được thể hiện trong phiếu điều tra nông hộ tại phụ lục 2.

2.3.2. Phương pháp phân tích hiệu quả sử dụng đất

Trên cơ sở số liệu tài liệu thu thập được, chúng tôi tiến hành tổng hợp, phân tổ thành nhiều loại khác nhau: các khoản chi phí, tình hình tiêu thụ... Dựa trên cơ sở các chỉ tiêu:

* Hiệu quả kinh tế:

Đối với đất trồng cà phê thường với chu kỳ kinh doanh nhiều năm, tùy theo đặc điểm sinh trưởng và phát triển của mỗi loại cây trồng mà chu kỳ từ khi bắt đầu trồng đến thu hoạch là khác nhau. Do đó, để đánh giá hiệu quả kinh tế của cây cà phê đề tài sử dụng hệ thống các chỉ tiêu:

- Giá trị sản xuất (GTSX): Là giá trị toàn bộ sản phẩm sản xuất ra trong kỳ sử dụng đất (thường một năm, tính cho từng cây trồng và có thể tính cho cả công thức luân canh hay hệ thống sử dụng đất). Trong đề tài, tính giá trị sản xuất trung bình cho chu kỳ kinh doanh của cây cà phê là 15 năm.

- Chi phí trung gian (CPTG): Là toàn bộ chi phí vật chất quy ra tiền sử dụng trực tiếp cho quá trình sử dụng đất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ, nhiên liệu, nguyên liệu,…). Tính tổng chi phí 3 năm kiến thiết cơ bản và chi phí của thời kỳ kinh doanh là 15 năm, sau đó tính mức chi trung bình cho từng năm.

- Giá trị gia tăng (GTGT): Là hiệu số giữa giá trị sản xuất và chi phí trung gian, là giá trị sản phẩm xã hội được tạo ra thêm trong thời kỳ sản xuất đó.

- Chỉ tiêu tỷ số lợi ích - chi phí (BCR-Benefit/cost ratio): Chỉ tiêu BCR phản ánh tính hiệu quả kinh tế đầu tư tính theo số tương đối. Phản ánh tính hiệu quả kinh tế của một đồng vốn đầu tư bình quân trong quá trình đầu tư. Do đó, BCR là chỉ tiêu phản ánh tính hiệu quả kinh tế đầu tư về mặt chất lượng cho biết được mức độ thu nhập trên một đơn vị chi phí sản xuất.

Chỉ tiêu này cho phép so sánh và lựa chọn các phương án có quy mô và kết cấu đầu tư khác nhau, phương án nào có BCR lớn thì được lựa chọn.

Công thức như sau:

Đối với việc sử dụng chỉ tiêu BCR trong đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng đất trông cây lâu năm cho phép ta nhận định như sau:

& BCR > 1 có nghĩa là dự án đầu tư có tổng thu nhập đã chiết khấu > tổng chi phí đã chiết khấu, phương án đầu tư có lãi và chấp nhận tốt.

& BCR < 1 phương án đầu tư bị thua lỗ và không chấp nhận được, bởi vì tổng thu nhập đã chiết khấu nhỏ hơn tổng chi phí đã chiết khấu.

& BCR = 1 tổng thu nhập đã chiết khấu bằng tổng chi phí đã chiết khấu, dự án có lãi thông thường bằng lãi suất thanh toán.

- Hiệu quả kinh tế tính trên ngày công lao động thực chất là đánh giá kết quả lao động sống cho từng loại hình sử dụng đất và từng loại cây trồng, để so sánh chi phí cơ hội của từng người lao động. GTNC = GTGT/LĐ.

- Hiệu quả kinh tế tính trên 1 đồng chi phí trung gian (GTSX/CPTG, GTGT/CPTG): Đây là chỉ tiêu tương đối của hiệu quả, nó chỉ ra hiệu quả sử dụng các chi phí biến đổi và thu dịch vụ.

- Chỉ tiêu phân tích được đánh giá định lượng (giá trị tuyệt đối) bằng tiền theo thời gian hiện hành, định tính (giá trị tương đối) được tính bằng mức độ cao, thấp. Các chỉ tiêu đạt được mức càng cao thì hiệu quả kinh tế càng nhỏ.

Các chỉ tiêu phân tích được đánh giá định lượng bằng tiền theo thời gian, giá hiện hành năm 2019. Các chỉ tiêu đạt giá trị càng cao thì hiệu quả kinh tế càng lớn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và hiệu quả sử dụng đất trồng cà phê tại huyện cư m’gar, tỉnh đắk lắk (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)