- Khiếu nại và giải quyết tranh chấp
2.3.1. Về khái niệm và phạm vi điều chỉnh điều kiện giao dịch chung
Trong pháp luật Việt Nam hiện hành, ĐKGDC trong hợp đồng BHHH được điều chỉnh chủ yếu trong BLDS năm 2015, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 và một số điều khoản có liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010.
Trước khi BLDS năm 2005 được ban hành, pháp luật về hợp đồng thiếu hẳn các quy định về ĐKGDC, chỉ một số ít các luật chuyên ngành như Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải... quy định một số điều khoản về giải thích có lợi cho bên yếu thế hay hạn chế một số điều khoản loại trừ trách nhiệm của bên đặt ra ĐKGDC chứ chưa có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp ban hành các ĐKGDC, việc kiểm soát chặt chẽ các quy định của ĐKGDC, cơ quan có thẩm quyền quản lý, thẩm định phê duyệt ĐKGDC... Chúng dường như chưa trở thành mối quan tâm của giới nghiên cứu pháp lý Việt Nam. Do đó, trong một thời gian dài pháp luật hợp đồng của Việt Nam chưa đưa các ĐKGDC vào nội dung điều chỉnh của mình [25]. Nghiên cứu pháp luật về ĐKGDC của một số nước trên thế giới, ĐKGDC là vấn đề pháp lý liên quan tới pháp luật hợp đồng và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, Luật Kinh doanh Bảo hiểm chưa trực tiếp điều chỉnh ĐKGDC, do đó, theo nguyên tắc chung, các vấn đề liên quan đến ĐKGDC trong các hợp đồng bảo hiểm sẽ được điều chỉnh bởi BLDS năm 2015 và các luật có liên quan như Luật BVQLNTD năm 2010.
Để bảo vệ quyền lợi cho các khách hàng khỏi sự lạm dụng quyền tự do hợp đồng của doanh nghiệp, đảm bảo quyền tự do hợp đồng theo nguyên tắc mà BLDS hướng tới, BLDS năm 2015 đã ban hành quy định về ĐKGDC là cơ sở pháp lý áp dụng cho tất cả các quan hệ hợp đồng nhằm điều chỉnh quan hệ hợp đồng do một bên soạn thảo sẵn, theo đó, ĐKGDC là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng, nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này (Điều 406). ĐKGDC phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên và chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp điều kiện giao dịch này đã được công khai để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó. Trường hợp ĐKGDC có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra ĐKGDC, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định đó sẽ không có hiệu lực. Có thể khẳng định rằng là một đạo luật gốc về hợp đồng, quy định của BLDS năm 2015 về ĐKGDC đã kịp thời điều chỉnh các ĐKGDC trong các hợp đồng thương mại và dịch vụ, một mặt tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch
vụ hàng loạt có thể áp dụng các ĐKGDC một cách phổ quát, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chuyên nghiệp hóa trong giao kết và thực hiện hợp đồng, mặt khác, sẽ hạn chế được những rủi ro pháp lý trong giao kết và thực hiện hợp đồng, đảm bảo cho doanh nghiệp bước vào giai đoạn của toàn cầu hóa và gia nhập thị trường quốc tế với đặc trưng là cung cấp hàng hóa, dịch vụ hàng loạt. Bên cạnh đó, quy định của BLDS năm 2015 về ĐKGDC cũng tạo sự bình đẳng cho các bên giao kết hợp đồng, bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế khỏi những ĐKGDC không tương xứng, xây dựng được cơ chế kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế trong các hợp đồng kinh doanh, dịch vụ không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn các các khách hàng khác. Hiện tại, khi Luật Kinh doanh Bảo hiểm chưa trực tiếp điều chỉnh, với tư cách là Bộ luật gốc của hệ thống luật tư, có phạm vi điều chỉnh tất cả các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng, các quy định của BLDS năm 2015 về ĐKGDC là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh ĐKGDC trong các hợp đồng BHHH.
Ngoài quy định của BLDS, ĐKGDC lần đầu tiên được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật BVQLNTD năm 2010 bao gồm các điều khoản về khái niệm, ĐKGDC không có hiệu lực, kiểm soát các ĐKGDC, thực hiện các ĐKGDC, giải thích hợp đồng... Cụ thể, ĐKGDC là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với NTD (Khoản 6 Điều 3). Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng ĐKGDC có trách nhiệm thông báo công khai ĐKGDC trước khi giao dịch với NTD. ĐKGDC phải xác định rõ thời điểm áp dụng và phải được niêm yết ở nơi thuận lợi tại địa điểm giao dịch để NTD có thể nhìn thấy. Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho NTD. Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, ĐKGDC với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD. Những quy định này đã cho thấy những vấn đề quan trọng của ĐKGDC trong hợp đồng đã được Luật BVQLNTD điều chỉnh. Tuy nhiên, Luật BVQLNTD chỉ điều chỉnh các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với NTD trong khi ĐKGDC ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch khác nữa, bao gồm cả dịch vụ kinh doanh BHHH. Mặt khác, quy định của Luật BVQLNTD hiện nay vẫn còn một số tồn tại bất cập chưa bao
quát hết được các vấn đề liên quan đến ĐKGDC trong hợp đồng. Việc Luật BVQLNTD quy định chỉ các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mới phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và ĐKGDC, vậy những loại hàng hóa, dịch vụ không phải là những sản phẩm thiết yếu đối với NTD thì doanh nghiệp có phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và ĐKGDC không? Trường hợp, hợp đồng theo mẫu và ĐKGDC đã được đăng ký nhưng sau đó thay đổi một số nội dung điều khoản trong hợp đồng theo mẫu đó trong đó có cả ĐKGDC thì có phải đăng ký lại không? Vì vậy, NCS cho rằng những quy định về ĐKGDC trong Luật BVQLNTD chưa đủ chặt chẽ để có thể bảo vệ hết các quyền lợi của NTD. Cần phải có những quy định bao quát hơn, chặt chẽ hơn trong đạo luật gốc về hợp đồng đó là BLDS điều chỉnh ĐKGDC nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế nói chung và NTD nói riêng. Tuy nhiên, ở thời điểm Luật Kinh doanh Bảo hiểm chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung và quy định của BLDS năm 2015 không quy định cụ thể thì một số những quy định của Luật BVQLNTD được áp dụng để điều chỉnh ĐKGDC trong hợp đồng BHHH như vấn đề vô hiệu hoá các điều khoản không công bằng, vấn đề đăng ký bắt buộc đối với các hợp đồng mẫu và ĐKGDC, các yêu cầu đối với ĐKGDC trong hợp đồng BHHH...
Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi, bổ sung năm 2010 với tư cách là luật chuyên
ngành là nền tảng điều chỉnh các quan hệ hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp đồng
BHHH nói riêng, bao gồm những quy định mang tính đặc thù thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi cho cả bên bảo
hiểm và bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý của ĐKGDC chưa được đề cập
trực tiếp trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm, chỉ tồn tại một vài quy định bắt buộc trong nội dung của hợp đồng bảo hiểm như nghĩa vụ giải thích các điều khoản của hợp đồng, điều khoản loại trừ trách nhiệm có khả năng kiểm soát được tình trạng DNBH “lạm dụng” điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra.
Như vậy, tựu chung lại, BLDS năm 2015, Luật BVQLNTD năm 2010 và Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi, bổ sung năm 2010 sẽ là cơ sở pháp lý thiết lập nên quan hệ hợp đồng hợp đồng BHHH, quy định việc xác lập, thực hiện ĐKGDC, quản lý ĐKGDC trong hợp đồng BHHH.