Đào tạo nghề (đào tạo nghề nghiệp) không phải là hình thức trực tiếp tạo ra việc làm nhưng nó là một trong những giải pháp quan trọng giúp người lao động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật nhằm tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Theo Luật Giáo dục nghề nghiêp số 74/2014/QH13 quy định: “Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp”.
Theo ILO: "Những hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ cần có cho sự thực hiện có năng suất và hiệu quả trong pham vi một nghề hoặc nhóm nghề. Nó bao gồm đào tạo ban đầu, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, cập nhật và đào tạo liên quan đến nghề nghiệp chuyên sâu" [94, tr.174].
Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho
người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Đào tạo nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đào tạo nghề trang bị kỹ năng, năng lực cho người lao động khi dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Đa số người lao động ở khu vực nông nghiệp chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc trình độ thấp nên không đáp ứng được yêu cầu về công việc của khu vực công nghiệp. Khi chuyển sang làm việc trong các khu công nghiệp hoặc các làng nghề cần phải đào tạo nghề mới đáp ứng được yêu cầu của công việc.Đào tạo nghề làm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và tăng thu nhập cho các cá nhân, tạo khả năng thay đổi và dịch chuyển việc làm, nhanh chóng thích nghi với các biến đổi về kinh tế và xã hội.
Hơn nữa, việc làm của lao động qua đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong tổng thể việc làm của lực lượng lao động và trong kết cấu lao động có CMKT. Biểu hiện thông qua mức độ tập trung việc làm của lao động qua đào tạo nghề ở các khu vực công nghiệp, dịch vụ, khu vực kinh tế hiện đại. Trong tương lai, khi khu vực nông nghiệp thu hẹp dần, lao động qua đào tạo nghề sẽ là lực lượng lao động chính tạo ra của cải vật chất cho nền kinh tế. Xét trên góc độ người tiêu dùng trong nền kinh tế thì lực lượng lao động qua đào tạo nghề là những công dân tầng lớp trung lưu đông đảo và là những người tiêu dùng chính trên thị trường hàng hóa, dịch vụ.
Lao động qua đào tạo nghề đang là nhóm được quan tâm nhiều trong cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực có nền kinh tế phát triển tương đồng. Cạnh tranh có thể là gián tiếp thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc cạnh tranh trực tiếp thông qua cung cấp kỹ năng trên thị trường lao động quốc tế. Các nước phát triển tỷ trọng lao động làng nghề cao lớn hơn so với lao động có trình độ tay nghề thấp và không có tay nghề. Ở nước ta, tỷ trọng
lao động có trình độ CMKT bậc trung sẽ tăng nhanh. Trong đó, nhóm lao động qua đào tạo nghề sẽ là lực lượng chủ đạo, biểu trung cho chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Theo luật quy định, đào tạo nghề có ba trình độ đào tạo là sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Đào tạo nghề bao gồm đào tạo nghề chính quy và đào tạo nghề thường xuyên.
Mục tiêu cụ thể đối với từng trình độ của giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:
Đào tạo trình độ sơ cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề;
Đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm;
Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.
Với địa bàn huyện việc đào tạo nghề sẽ thông qua các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, các cơ sở dạy nghề sẽ tổ chức dạy nghề ngắn hạn với thời gian khoảng 03 tháng đối với những người có nhu cầu học nghề. Có thể tổ chức học nghề tại cơ sở của mình hoặc tổ chức trực tiếp tại địa bàn xã/ thị trấn.