8. Tổng quan các công trình nghiên cứu
1.4.2. Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách và hiệu quả hoạt động tín dụng chính
dụng chính sách ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội
* Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách
Hiệu quả hoạt động bao gồm hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Hiệu quả kinh tế được tính bằng thương số giữa kết quả kinh tế thu được và chi phí bỏ ra để có được kết quả đó. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của ngân hàng có những điểm khác biệt riêng. Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, việc phân tích hiệu quả sử dụng tài sản cố định có ý nghĩa lớn nhưng với ngân hàng, tài sản cố định chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng tài sản và được coi là tài sản không sinh lời. Đối với các doanh nghiệp nói chung, tỷ lệ vốn vay trên tổng nguồn vốn cao là không an toàn, nhưng trong phân tích hiệu quả hoạt động của ngân hàng thì vốn vay lại là một yếu tố tạo lãi. Do đó, hiệu quả kinh tế của các ngân hàng nói chung và của NHCSXH nói riêng chính là mối tương quan giữa tổng thu nhập từ các hoạt động của ngân hàng với chi phí mà ngân hàng bỏ ra để có được thu nhập ấy.
Đối với NHCSXH, thu nhập của ngân hàng chủ yếu là thu lãi từ hoạt động tín dụng còn chi phí mà ngân hàng bỏ ra chủ yếu là chi phí quản lý, phí huy động vốn, phí uỷ thác cho các tổ chức hội nhận ủy thác.
NHCSXH là tổ chức tín dụng Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội, vì mục tiêu công bằng xã hội, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Do đó, NHCSXH luôn cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường trong khi vẫn phải huy động vốn với lãi suất bằng với lãi suất thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng chi phí bỏ ra luôn lớn hơn thu nhập từ hoạt động cho vay của NHCSXH. Để bù đắp phần chênh lệch, Nhà nước có chính sách cấp bù lãi suất cho
NHCSXH trong phạm vi kế hoạch mà Bộ Tài chính phê duyệt.
Như vậy, xét về khía cạnh kinh tế thuần túy, hiệu quả kinh tế của NHCSXH là không cao. Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả hoạt động của NHCSXH chủ yếu được xem xét trên khía cạnh xã hội mang lại từ đồng vốn chính sách của Nhà nước cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để giảm nghèo và tạo việc làm.
Hiệu quả xã hội của NHCSXH là việc thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là việc sử dụng nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, ổn định xã hội.
Nâng cao hiệu quả hoạt động, lành mạnh hóa hoạt động tài chính trên cơ sở phân tích hiệu quả hoạt động là đòi hỏi bức thiết của các ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng để đáp ứng yêu cầu cao hơn về XĐGN, khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân làm giàu theo pháp luật, tôn vinh người làm ăn giỏi, tạo nhiều việc làm, giúp đỡ người nghèo làm giàu chính đáng cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
* Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội
Ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH: là việc NHCSXH ủy thác cho các tổ chức tín dụng hay tổ chức CTXH thực hiện toàn bộ hay một phần công việc trong quy trình nghiệp vụ cho vay của NHCSXH với một mức phí nhất định được thỏa thuận giữa NHCSXH và các tổ chức tín dụng hay tổ chức CTXH. Cụ thể:
- Uỷ thác cho vay qua các tổ chức tín dụng là việc NHCSXH ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp đồng ủy thác cho vay với các tổ chức tín dụng. Theo phương thức này NHCSXH giao vốn cho các tổ chức tín dụng để họ thực hiện giải ngân cho các hộ nghèo vay vốn theo đúng quy định của NHCSXH và tổ chức tín dụng được hưởng phí ủy thác do NHCSXH trả cho họ. Loại hình ủy thác cho vay này gọi là ủy thác toàn phần. Trong thực tế trước đây khi NHCSXH chưa ra đời thì Ngân hàng Phục vụ người nghèo Việt Nam do bộ máy còn quá nhỏ bé không thể trực tiếp quản lý được nên đã thực hiện phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo toàn phần cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNo&PTNT). Phương thức này có ưu điểm là khắc phục được tình trạng quá tải của Ngân hàng Phục vụ người nghèo do mạng lưới định
biên ít không thể trực tiếp quản lý được, nhưng nó cũng bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế đó là: Ngân hàng ủy thác không quản lý được vốn, nên vốn đến tay người nghèo khó khăn, nhiều khi vốn tồn đọng lớn, hay được sử dụng vào việc làm lành mạnh dư nợ của NHTM. Một tồn tại nữa là chất lượng hiệu quả tín dụng thấp, nợ quá hạn, nợ xấu chiếm tỷ lệ cao và phí ủy thác lớn, gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước.
- Uỷ thác cho vay thông qua các tổ chức CTXH là việc NHCSXH ủy quyền cho các tổ chức CTXH thực hiện một số công đoạn trong quy trình nghiệp vụ cho vay của NHCSXH và các tổ chức CTXH được NHCSXH trả một khoản phí ủy thác theo các văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác đã được hai bên ký kết. Cho vay ủy thác bán phần qua các tổ chức CTXH có những ưu điểm rõ rệt. Nó khắc phục được những tồn tại, hạn chế của phương thức cho vay ủy thác toàn phần qua các tổ chức tín dụng đó là: NHCSXH trực tiếp quản lý nguồn vốn, quản lý dư nợ nên chủ động trong quá trình cho vay, không để tồn đọng lãng phí vốn, với phương thức cho vay này hiệu quả tín dụng được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu rất thấp. Đồng thời phương thức cho vay này tiết kiệm được chi phí cho ngân sách Nhà nước, thuận tiện cho người dân, thực hiện tốt công tác xã hội hóa chính sách tín dụng. Huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội.