7. Kết cấu của luận văn
1.1.4. Khái niệm báo chí, hiệu quả giám sát của báo chí và hiệu quả phản
phản biện xã hội của báo chí
1.1.4.1. Khái niệm báo chí
Báo chí ra đời từ trước công nguyên, đến nay, báo chí trở thành loại hình truyền thông rất phổ biến. Tuy nhiên, cho đến nay ở nước ta vẫn có những cách nhìn, quan niệm khác nhau về báo chí.
Theo cuốn Cơ sở lý luận báo chí truyền thông “Báo chí là loại hình hoạt động thông tin chính trị - xã hội. Nghĩa là thông tin báo chí bao giờ cũng chứa đựng những giá trị xã hội hay chính trị” [12].
Cuốn Tác phẩm báo chí cho rằng, “Tiếp cận khái niệm báo chí bằng quan điểm hệ thống là nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng trong sự cấu thành bởi nhiều yếu tố; các yếu tố này liên kết với nhau thông qua quan hệ chí phối giàng buộc trong điều kiện cụ thể, thời gian và không gian xác định” [13].
Tác giả Đỗ Chí Nghĩa, khái niệm về báo chí: “Báo chí là loại hình các phương tiện truyền thông đại chúng được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động, có nhiệm vụ chuyển tải thông tin nhanh nhất, mới mẻ nhất đến cho đông đảo công chúng, nhằm tích cực hóa đời sống thực tiễn” [4, tr.17].
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (năm 1999), “Báo chí Việt Nam hiện nay là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng và Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân” [22].
Theo Luật Báo chí năm 2016, “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử” [21, tr.5].
Có thể thấy, đã có rất nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm báo chí. Tuy nhiên, từ cách tiếp cận chính trị học có thể hiểu: Báo chí ở Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân; tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách và luật pháp của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân; nơi nhân dân và các tổ chức
của mình trao đổi bày tỏ các nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chính đáng, thực hiện quyền làm chủ (trong đó có quyền kiểm tra, kiểm soát, giám sát và phản biện) của nhân dân.
1.1.4.2. Khái niệm hiệu quả giám sát của báo chí
Trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII (tháng 2-1999), Đảng ta đã khẳng định báo chí và truyền thông đại chúng là một trong bốn hệ thống GSXH. Theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), một trong những biểu hiện của dân chủ là việc phát huy vai trò giám sát của báo chí trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Về nguyên tắc, hoạt động giám sát của báo chí là theo dõi việc đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức… thực hiện quy định và việc hoàn thành nhiệm vụ từ chức trách mà chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể,... đã giao. Trên phạm vi rộng hơn, hoạt động giám sát của báo chí được thể hiện qua việc theo dõi quá trình thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát hiện vấn đề, hiện tượng tích cực cần được khuyến khích, biểu dương, nhân rộng,... đồng thời phát hiện vấn đề, hiện tượng có thể ảnh hưởng tiêu cực, làm suy giảm hiệu quả xã hội của chủ trương, chính sách đó; thông qua những hoạt động này, báo chí góp phần giúp chủ trương, chính sách ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn xã hội, đáp ứng nhu cầu chính đáng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân để ngày càng phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh.
Như vậy, có thể hiểu Hiệu quả giám sát của báo chí là thông qua quá trình theo dõi, quan sát, xem xét, phân tích vấn đề của nhà báo để kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ và tổng kết thực tiễn; đồng thời cũng sớm phát hiện những “khiếm khuyết” của các kiến tạo chính sách - thể chế, qua đó nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước.
1.1.4.3. Khái niệm hiệu quả phản biện xã hội của báo chí
Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ghi nhận, yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam đảm nhận vai trò, nhiệm vụ PBXH. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và PBXH của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước…[2]. Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận, nhận thức của Đảng về vai trò xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.
Về nguyên tắc, PBXH của báo chí là thông qua các tác phẩm báo chí, xem xét, đánh giá, bình luận, có thể đồng tình hay không đồng tình ở mức độ khác nhau của phóng viên, nhà báo, CQBC về các giai đoạn của chính sách, từ dự thảo đến khi ban hành và quá trình tổ chức thực hiện. Mục đích phản biện của báo chí là xây dựng chính sách đúng đắn, có sức sống trong thực tiễn, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị và phát triển đất nước, mở rộng dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xã hội.
Như vậy, có thể hiểu: Hiệu quả PBXH của báo chí chính là dân chủ được mở rộng và đề cao, quyền lực được kiểm soát, chống được lạm quyền, lộng quyền, suy thoái quyền lực bảo đảm mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Đồng thời góp phần quan trọng xây dựng Đảng và Nhà nước vững mạnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các chủ trương, chính sách làm cho nó có sức sống trong thực tiễn.