a) Theo lĩnh vực hoạt động
Chi ngân sách nhà nước được phân thành:
- Chi đầu tư phát triển kinh tế: là những khoản chi nhằm hoàn thiện và mở rộng nền sản xuất xã hội.
- Chi cho y tế: bao gồm các khoản chi cho việc duy trì và phát triển hoạt động y tế.
- Chi cho giáo dục: bao gồm các khoản chi cho việc duy trì và phát triển hoạt động giáo dục đào tạo.
- Chi cho phúc lợi xã hội: đó là các khoản trợ cấp cho người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, người lao động chưa có việc làm, cho thương binh, gia đình liệt sĩ ...
- Chi cho quản lý hành chính: là những khoản chi nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan quản lý thuộc chính quyền các cấp, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, chi về ngoại giao...
- Chi cho an ninh và quốc phòng: là những khoản chi dành cho các lực lượng vũ trang và công tác bảo vệ trị an trong nước.
b) Theo tính chất sử dụng
Chi ngân sách được chia thành:
- Chi cho lĩnh vực phi sản xuất vật chất: là những khoản chi về dịch vụ công cộng, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, y tế, thể dục, thể thao, nghiên cứu khoa học, quản lý Nhà nước...
c) Theo chức năng quản lý nhà nước:
Chi ngân sách nhà nước được phân thành:
- Chi nghiệp vụ: là những khoản chi gắn với nghiệp vụ của Nhà nước, bao gồm các khoản chi về tiền lương, tiền công, trả nợ trong nước và ngoài nước, hỗ trợ và chuyển giao, hưu trí và thâm niên, cung và dịch vụ, trợ giá, trợ cấp ...
- Chi phát triển: là những khoản chi không gắn với nghiệp vụ của Nhà nước, bao gồm các khoản chi về dịch vụ kinh tế (như: phát triển nông nghiệp và nông thôn, các cơ sở công cộng, thương mại, công nghiệp, giao thông ...), các dịch vụ xã hội (như: giáo dục, y tế ...), quản lý hành chính, an ninh, quốc phòng.
d) Theo mục đích kinh tế - xã hội:
Chi ngân sách nhà nước được phân thành:
- Chi tích lũy: bao gồm các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp Nhà nước, chi dự trữ ...
- Chi tiêu dùng: đa dạng và phức tạp hơn nhiều so với chi tích lũy bao gồm: chi quản lý hành chính, chi sự nghiệp, chi bù giá và chi khác.
e) Theo thời hạn tác dụng của khoản chi:
Chi ngân sách nhà nước được phân thành ba nhóm:
- Chi thường xuyên:
Theo (Luật ngân sách, 2015): Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chi thường xuyên là những khoản chi có thời hạn tác động ngắn, bao gồm: chi lương và các khoản có tính chất tiền lương, chi bổ sung quỹ hưu trí, chi công vụ phí, chi mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho nghiệp vụ và cho sửa chữa thường xuyên, chi trợ cấp, bù giá, chi trả lãi tiền vay trong và ngoài nước, chi cho quỹ dự trữ thường xuyên, dự bị phí, chi viện trợ thường xuyên cho nước ngoài...
- Chi đầu tư phát triển:
Theo (Luật ngân sách, 2015): Chi đầu tư phát triển là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, gồm chi đầu tư xây dựng cơ bản và một số nhiệm vụ chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
Chi đầu tư phát triển là những khoản chi có thời hạn tác động dài, bao gồm: chi đầu tư các dự án phát triển, chi chuyển giao vốn đầu tư cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc các địa phương, chi dự trữ cho mục đích đầu tư, chi viện trợ đầu tư cho nước ngoài ...
- Chi trả khác:chi trả nợ, chi cho vay.
Theo (Luật ngân sách, 2015): Chi trả nợ là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước để trả các khoản nợ đến hạn phải trả, bao gồm khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ việc vay.