VIỆT NAM – CHI NHÁNH TIỀN GIANG
3.2.3.8 Coi trọng công tác dự báo trong hoạt động tín dụng
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam là một ngân hàng kinh doanh trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ. Do đó, chỉ một sự thay đổi nhỏ trong môi trường kinh tế – xã hội, đặc biệt là các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước cũng có tác động lớn tới hoạt động, doanh thu, lợi nhuận... của Ngân hàng. Hoạt động tín dụng, trong đó có hoạt động tín dụng ngoại tệ, hiện đang chiếm một tỷ lệ lớn trong hoạt động Ngân hàng (gần 60% tổng tài sản, 70% thu nhập từ hoạt động kinh doanh). Do đó, công tác dự báo trong hoạt động tín dụng cần phải được đặt lên hàng đầu.
Việc dự báo những biến đổi trong nền kinh tế và đưa ra những cảnh báo sớm trong hoạt động tín dụng sẽ khiến Ngân hàng chủ động trước những biến động khôn lường của tình hình kinh tế – xã hội, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xảy ra rủi ro đối với hoạt động cấp tín dụng và giảm nợ xấu phát sinh. Ngân hàng (thông qua Phòng Chính sách tín dụng) cần xây dựng hệ thống cảnh báo về các lĩnh vực sau:
Ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh: Khi tình hình kinh tế – xã hội diễn biến không thuận lợi khiến hoạt động của một số ngành, lĩnh vực suy giảm, Ngân hàng cần giảm bớt đầu tư mới cho các ngành, lĩnh vực này, đồng thời tìm biện pháp thu hồi vốn nhanh (đôn đốc khách hàng trả nợ)...
Nợ xấu: khi nợ xấu của toàn hệ thống, của từng chi nhánh vượt quá một tỷ lệ nhất định (thường là 5%), Ngân hàng cần đôn đốc các bộ phận tiến hành thu hồi, xử lý nợ xấu kịp thời, nhanh chóng.
Rủi ro tác nghiệp: Trong hoạt động của Ngân hàng, rủi ro tác nghiệp là không thể tránh khỏi. Rủi ro này có thể xảy ra hàng ngày với muôn hình, muôn vẻ và dù đã được rút kinh nghiệm ở chi nhánh này nhưng có thể vẫn lặp lại ở chi nhánh khác. Việc đưa ra cảnh báo trên toàn hệ thống thông qua sổ tay, chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị tín dụng toàn ngành… sẽ giúp các chi nhánh nhận diện được và giảm thiểu nguy cơ xảy ra rủi ro.