2.1.5.1. Ưu điểm của kinh tế tư nhân
Thứ nhất, kinh tế tư nhân năng động và linh hoạt với sự biến đổi của MTKD
Khu vực KTTN bao gồm các hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ và các loại hình DNTN, đây là khu vực kinh tế rất đa dạng về quy mô và hình thức hoạt động sản xuất. Các hộ kinh doanh cá thể, các hộ sản xuất gia đình thường có qui mô hoạt động sản xuất nhỏ, vốn ít, sở hữu riêng lẻ trong khi các loại hình của DNTN như: DNTN, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần thì qui mô hơn về vốn, về hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của KTTN, lợi ích gắn liền với động lực kinh doanh nên việc đầu tư của khu vực kinh tế này luôn bám sát thị trường cung-cầu sản phẩm, phát huy tối đa lợi thế riêng của doanh nghiệp cũng như nắm bắt lợi thế của địa bàn đầu tư. Cũng vì đa dạng và phong phú về quy mô, hình thức sản xuất nên KTTN rất linh hoạt trong việc chuyển đổi lĩnh vực đầu tư và phương thức sản xuất một khi gặp khó khăn trên thị trường kinh doanh, hoặc cũng có thể thay đổi chủ đầu tư của doanh nghiệp bằng cách sang nhượng phần vốn góp mỗi khi muốn rút khỏi thương trường.
Một thuận lợi khác là lãnh đạo của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế này có thể tự quyết định các hoạt động của doanh nghiệp, các quyết định thường được đưa ra nhanh chóng, và họ là những người chịu trách nhiệm cuối cùng cho các quyết định đó và chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Trong khi đó, các lãnh đạo ở DNNN thường rất thận trọng trong các quyết định kinh doanh vì các quyết định có thể sai lầm và gây tổn hại đến tài sản Nhà nước, sự thận trọng đó có khi lại đánh mất những cơ hội kinh doanh của DN.
Ngoài ra các DN khu vực KTTN sẽ không ngần ngại thay đổi lĩnh vực kinh doanh, ngành hàng đang theo đuổi một khi trên thị trường kinh doanh có sự biến động theo chiều hướng xấu. Chính sự tự chủ và dễ dàng trong chuyển đổi chủ sở hữu DN, chuyển đổi mô hình kinh doanh đã làm cho khu vực KTTN thật sự sôi động thể hiện được bản chất của loại hình doanh nghiệp này.
Thứ hai, bộ máy quản lý của loại hình DN khu vực KTTN phù hợp và hiệu quả
Hoạt động của bộ máy và đội ngũ quản lý của KTTN gắn liền với các biến động trên thị trường, đặc biệt là quan hệ cung-cầu trong thị trường mà họ đang hướng đến, nên để chịu được áp lực trước sự cạnh tranh, đội ngũ này cần phải biết cách sắp xếp, tính toán các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao trong kinh doanh.
Việc tuyển chọn, sử dụng người quản lý kinh doanh của doanh nghiệp khu vực KTTN luôn là một sự sàng lọc gắt gao nhằm kiếm tìm ứng viên làm việc năng động, có hiệu quả. Trong KTTN, lợi ích luôn gắn chặt với các chủ doanh nghiệp, lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, tài sản được tạo ra không bao giờ mất đi mà có thể được gìn giữ và chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác trong quan hệ huyết thống nên đây cũng là động lực rất lớn thôi thúc các chủ doanh nghiệp cống hiến và làm việc.
Ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp khu vực KTTN là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc sử dụng lao động ở khu vực kinh tế này rất linh hoạt và hiệu quả, một thực tế cho thấy các doanh nghiệp có cùng quy mô, sản lượng, doanh số nhưng ở các DNTN có xu hướng sử dụng ít lao động hơn ở các DNNN vì trong khu vực KTTN việc trả lương cho lao động là một loại chi phí rất lớn, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu của giá thành sản phẩm nên rất được các chủ DN quan tâm. Vì chi phí lao động luôn là gánh nặng nên trong việc chọn lọc và cơ cấu nhân sự, KTTN luôn cân nhắc làm sao có được bộ máy nhân sự quản lý và lao động luôn phù hợp và đạt hiệu quả nhất; việc tuyển dụng và bố trí lao động ở khu vực kinh tế này thường tỏ ra hợp lý, bố trí lao động đúng với chuyên môn tay nghề nên lao động làm việc luôn đạt hiệu quả cao.
Có một thực tế đã và đang diễn ra ở Việt Nam chúng ta là tình trạng dư thừa lao động trong các doanh nghiệp thuộc khu vực KTNN mà lý do chính là vì sự tồn tại quá lâu của cơ chế bao cấp. Điều đó có nghĩa tính hiệu quả trong sử dụng lao động của KTNN kém xa KTTN, đây chính là một trong những ưu điểm lớn của khu vực kinh tế này.
Thứ ba, mục tiêu, động lực kinh doanh của KTTN rất rõ ràng cụ thể
Khi KTTN ở Việt Nam chưa có môi trường để phát triển, nguồn lực lao động hầu hết tập trung ở khu vực KTNN. Lực lượng lao động này được Nhà nước “bảo bọc” từ khâu lao động cho đến khâu phân phối sản phẩm, việc ý thức lao động và xác định mục tiêu kinh doanh của đội ngũ này không cao vì đây là loại hình DN không đặt nặng mục tiêu kinh doanh: nếu làm ăn thua lỗ sẽ có sự tiếp vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN).
Kể từ khi KTTN được thừa nhận và bắt đầu phát triển, cùng với việc cổ phần hóa một số DNNN thì việc tinh giản lao động đã làm cho nhiều người trong khu vực kinh tế này mất việc. Một trong số họ không được trọng dụng trong đơn vị mới đã chính thức nghỉ việc, một số khác có năng lực, có vốn đã nghĩ đến việc làm kinh tế cho riêng mình và đó là lý do đưa họ đến với KTTN.
Thật ra thành phần tham gia làm KTTN rất đa dạng, họ đến với KTTN từ nhiều thành phần, giai cấp khác nhau, trước khi đến với KTTN, họ có thể là người dân buôn bán nhỏ, cũng có thể là lãnh đạo của một số DNNN hoặc thuộc khu vực kinh tế khác đã về hưu, cũng có thể là phó giám đốc hoặc trưởng phòng ban của một công ty nào đó có xu hướng muốn kinh doanh riêng nhưng lại có mục tiêu chung đó là kinh doanh tư nhân bằng hình thức doanh nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận. Họ thường là những người đã từng trải qua nhiều công việc khác nhau, có rất nhiều mối quan hệ trong xã hội nên việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm trở nên khá dễ dàng với họ.
Bên cạnh đó, trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh trong khu vực KTTN, các nhà sáng lập, các nhà đồng sáng lập, các nhà quản lý doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm về mặt hàng, ngành hàng và cả thị trường sản phẩm trong và ngoài nước nên chắc chắn sẽ có những hoạch định rất cụ thể cho công việc kinh doanh
của họ. Đó là những lợi thế rất lớn trên bước đường kinh doanh của đội ngũ lực lượng này.
Vì mục tiêu đã được xác định rõ ràng, lợi nhuận là động lực làm việc và cũng là mục tiêu của họ đang hướng đến, để làm giàu cho bản thân và để trở thành những doanh nhân thành đạt. Vì những lý do đó, chúng ta có thể kỳ vọng trong tương lai KTTN sẽ tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội, góp phần nâng cao vị thế của TPKT này.
Thứ tư, mạnh dạn trong việc đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất
Vài năm trở lại đây, nhờ đổi mới công nghệ, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có được những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, năng suất lao động tăng lên tạo được lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy vậy trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Có hơn 70% số doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, máy móc cũ kỹ dẫn đến việc gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm làm ra có tỷ lệ hao phí lớn, chất lượng thấp, giá thành cao.
Tuy nhiên, hiện nay đại đa số các doanh nghiệp khu vực KTTN Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng vốn, trình độ công nghệ yếu và lạc hậu nên thường tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với khả năng công nghệ của doanh nghiệp mình. Vì là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp chắc chắn sẽ không phức tạp và vốn đầu tư vào công nghệ giai đoạn đầu là không lớn. Mặc khác luôn tự chủ về vốn và phương án kinh doanh nên khi đứng trước yêu cầu cạnh tranh phải cải tiến quy trình sản xuất, những yêu cầu ngày càng cao về tính năng, mẫu mã sản phẩm...doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đầu tư mua sắm để thay đổi công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường mà không chịu nhiều áp lực về các khoản phải chi cho quá trình đầu tư này. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải nhìn nhận thêm là, ở Việt Nam, hiện nay vẫn còn một số lớn các DNNN hiện vẫn còn đang sử dụng những công nghệ sản xuất lạc hậu từ những năm 1990 trong khi những công nghệ này không còn phù hợp cho quá trình sản xuất, nhưng việc bỏ ra một khoản chi phí rất lớn để đổi mới công nghệ gần
như là chuyện không hề đơn giản đối với các DNNN vì không thể tự chủ về tài chính và dựa dẫm qua nhiều vào NSNN.
Cũng cần nói thêm rằng, với khu vực KTĐTNN, vấn đề công nghệ phục vụ sản xuất luôn được chú trọng, đây cũng là thế mạnh rất lớn của họ góp phần đánh bại các doanh nghiệp khác trong việc cạnh tranh thị phần trong cùng lĩnh vực kinh doanh.
Thời gian gần đây, ngoài việc do áp lực cạnh tranh giá cả sản phẩm và mở rộng thị trường sản xuất cùng với các chính sách của Nhà nước trong khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, các đơn vị KTTN đã rất mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực này và đây là lĩnh vực được dự báo trong thời gian sắp tới sẽ được diễn ra rộng khắp với tốc độ cao ở mọi loại hình doanh nghiệp.
2.1.5.2. Hạn chế của kinh tế tư nhân
Thứ nhất, do KTTN là hình thức kinh doanh mà lợi ích luôn được đặt lên hàng đầu, hay nói cách khác là lợi ích gắn liền với động lực phát triển nên chủ đầu tư kinh doanh thường chạy theo các lợi ích cá nhân trước mắt nhằm đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn mà quên đi các vấn đề phát triển trong dài hạn hay các trách nhiệm của DN đối với xã hội cần phải có; chỉ đầu tư vào các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao mà quên đi các vấn đề liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng. Điều đó dẫn đến một hệ quả thường thấy là trong dài hạn các doanh nghiệp khu vực KTTN có dấu hiệu chững lại so với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Thứ hai, KTTN ở Việt Nam còn mang tính tự phát, đầu tư theo xu hướng của xã hội và các đầu tư này thường mang tính thời vụ do các chủ doanh nghiệp hạn chế về kiến thức pháp luật, kiến thức về kinh doanh và các kỹ năng phân tích, tiếp cận thị trường nên thường gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh. Hầu hết các DN khu vực KTTN vừa kinh doanh vừa nghe ngóng thị trường mà chưa hoạch định chính sách dài lâu cho doanh nghiệp nên trong quá trình phát triển, yếu tố bền vững không cao, điều đó dễ gây nên kiểu đầu tư chụp giựt, cạnh tranh không lành mạnh, đầu cơ tích trữ... làm cho các cơ quan Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và bình ổn thị trường, điều tiết thị trường giá...
Thứ ba, các doanh nghiệp khu vực KTTN thường có quy mô vốn nhỏ và kinh doanh còn mang nặng tính gia đình. Giai đoạn đầu của Luật doanh nghiệp, các số
liệu thống kê cho thấy khoảng 80% các doanh nghiệp khu vực kinh tế này có vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng nên quy mô hoạt động của doanh nghiệp là không lớn. Cũng theo thống kê, số lượng lao động trong một doanh nghiệp của khu vực KTTN dưới 50 người chiếm đến gần 80%. So với tình hình chung, đây là con số khiêm tốn, và điều này sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhất là khi doanh nghiệp có nhu cầu gia tăng sản lượng, mở rộng thị trường, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ tư, do Nhà nước còn thiếu kinh nghiệm trong việc điều tiết nền kinh tế, hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, môi trường kinh doanh còn chứa đựng nhiều rủi ro khóa đoán định, nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Do chính sách pháp luật còn bấp bênh nên đây cũng có thể là “môi trường tốt” cho việc phát sinh những tiêu cực xung quanh khu vực kinh tế này mà điển hình là việc các DN tìm cách trốn thuế, lách luật hay cố tình né tránh việc nộp thuế, hay thậm chí cả việc thành lập các “tập đoàn công ty ma” để lừa đảo mà thời gian gần đây báo chí và các cơ quan thẩm quyền đã phanh phui... ngay cả việc những DNTN làm ăn lớn, có uy tín và quy mô cũng tìm cách né tránh các khoản phải nộp hay cho Nhà nước, hay cố ý làm sai, không đúng với luật pháp kinh doanh, đầu tư… đã đưa đến những bức xúc, lo ngại về tương lai phát triển KTTN ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế đất nước.