6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.4.1. Khái quát về Ngân hàng Chính sách xã hội
1.4.1.1. Khái niệm về Ngân hàng Chính sách xã hội
NHCSXH Việt Nam là một tổ chức tín dụng Nhà nước được thành lập theo Quyết định 131/2002/QĐ-TTg trên cơ sở tổ chức lại và tiếp nhận chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tiếp nhận một số chương trình tín dụng ưu đãi từ các Ngân hàng thương mại nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng đầu tư và phát triển,…, và triển khai một số chương trình tín dụng mới theo qui định của Chính phủ để thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo
Theo quyết định này, NHCSXH được định nghĩa “là ngân hàng phục vụ người nghèo với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, không vì mục tiêu lợi nhuận”. NHCSXH là một loại hình NH đặc biệt, có bộ máy quản lý và điều hành thống nhất trong phạm vi cả nước, là một pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, có tài sản và hệ thống giao dịch.
Mô hình tổ chức quản lý của NHCSXH có tính đặc thù, sáng tạo, do 4 bộ phận hợp thành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy chính trị, xã hội và sức mạnh của toàn dân, chung sức, chung lòng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, bao gồm: HĐQT và BĐD HĐQT
các cấp tại địa phương; Bộ phận điều hành có trách nhiệm tổ chức việc quản lý vốn, đưa vốn tín dụng kịp thời đến đối tượng thụ hưởng; Các tổ chức chính trị - xã hội làm dịch vụ uỷ thác từng phần cho NHCSXH; Tổ TK&VV ở thôn, ấp, bản, làng do các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo xây dựng và quản lý.
NHCSXH được xác định là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận hay lợi nhuận không phải là mục đích quan trọng nhất. Tuy nhiên NH cần đảm bảo sự bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và đem lại hiệu quả cao cho người vay giúp người vay cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
1.4.1.2. Sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội
NHCSXH được thành lập nhằm mục đích thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hoạt động của NHCSXH rất đặc biệt là không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.
NHCSXH được thực hiện các nghiệp vụ: huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội.
- Hoạt động huy động vốn: Với đặc thù là một ngân hàng chính sách, NHCSXH nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền địa phương, NHNN Việt Nam, và các NH Thương mại với cam kết cung cấp vốn cho các chương trình cho vay hiện tại của NHCSXH. Tuy nhiên NHCSXH đã bắt đầu huy động vốn tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm của khách hàng là doanh nghiệp
và cá nhân. Nguồn vốn của NHCSXH bao gồm: (i) vốn từ Ngân sách nhà nước; (ii) vốn huy động; (iii) vốn vay (vay NHNN, vay nước ngoài); (iv) vốn nhận uỷ thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
- Hoạt động sử dụng vốn: Hoạt động sử dụng vốn của NHCSXH chủ yếu là Cho vay hộ nghèo; Hộ cận nghèo; Hộ mới thoát nghèo; Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP; các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; Các đối tượng khác theo chỉ định của Chính phủ; Cho vay doanh nghiệp làm nhà ở, cho vay mua nhà trả chậm; đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma tuý…
1.4.2. Đặc điểm của tín dụng ngân hàng chính sách xã hội
NHCSXH chính thức hoạt động từ tháng 3/2003, thực hiện hỗ trợ về tài chính đối với nhiều đối tượng chính sách xã hội. Như đã nói ở trên, sự ra đời của NHCSXH nhằm góp phần thực hiện tốt các chương trình tín dụng phục vụ chính sách về phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo. Đối tượng cho vay của NHCSXH phần lớn là những đối tượng hầu như không đủ điểu kiện để có thể tiếp cận được vốn tín dụng thông thường của các NH Thương mại với các tiêu chuẩn khắt khe về thủ tục, tài sản đảm bảo thế chấp…Do đó khả năng sinh lời từ hoạt dộng cho vay những đối tượng khách hàng này của NHCSXH là rất thấp, thậm chí không thể có được. Họ là những hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác… Chính vì lẽ đó NHCSXH thường hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà mục tiêu hoạt động của nó là nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc
gia trong kế hoạch phát triển kinh tế của Nhà nước. Do đó rủi ro trong hoạt động của NHCSXH có những nét đặc thù riêng.
Một số đặc điểm nổi bật của tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác xuất phát từ đặc điểm của chính họ là cuộc sống sinh hoạt và lao động phần lớn gắn với hoạt động nông nghiệp có tính mùa vụ cao, đa dạng về đối tượng tài trợ, chi phí giao dịch cao và rủi ro tín dụng cao.
Thứ nhất, tín dụng đối với các đối tượng chính sách có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với hoạt động nông nghiệp do đại bộ phận nhóm đối tượng này tập trung tại nông thôn với nghề nông là chính. Do sản phẩm từ nông nghiệp có tính chất mùa vụ cao và các khoản thu từ lao động làm thuê không ổn định, nguồn thu nhập, nhu cầu chi tiêu và tất yếu là nhu cầu vay mượn của họ có mức độ biến động cao, khó dự báo.
Thứ hai, tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có đặc điểm là khá đa dạng về đối tượng được tài trợ vốn do họ cần được hỗ trợ về nhiều mặt để có thể vươn lên thoát nghèo.
Thứ ba, chi phí của việc cấp tín dụng chính sách cho các đối tượng chính sách ở mức cao so với cho vay các đối tượng khác. Điều này là do giá trị các khoản tín dụng thường nhỏ, quay vòng nhiều cộng thêm với đặc điểm nhóm đối tượng này nằm phân tán trên một địa bàn rộng, tập trung nhiều ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên việc quản lý khoản tín dụng trở nên rất tốn kém, đòi hỏi NH chính sách phải có một số lượng nhân viên đủ lớn và dành nhiều nguồn lực tài chính, thời gian để tìm kiếm khách hàng, làm việc với khách hàng để thẩm định phương án vay vốn cho tới công tác giám sát sử dụng vốn vay.
Thứ tư, cơ sở dữ liệu về người nghèo và các khoản tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác thường thiếu hụt và yếu kém cả về số lượng lẫn chất lượng. Khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính như tiền
gửi, thanh toán của nhóm đối tượng này là rất hạn chế.
Thứ năm, trình độ quản lý tài chính của người nghèo và các đối tượng chính sách khác không cao nên việc sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả không phải lúc nào cũng đạt được.
Thứ sáu, các đối tượng chính sách không sở hữu nhiều tài sản đáp ứng được tiêu chuẩn thông thường của NH chính sách về tài sản bảo đảm. Hầu hết họ không có tài sản cố định có giá trị và tính thị trường cao như quyền sử dụng đất, hoặc họ có sở hữu không nhiều nhưng lại gặp những vướng mắc khó giải quyết về thủ tục xác nhận quyền sở hữu diễn ra khá phổ biến tại nông thôn.
Thứ bảy, tín dụng chính sách cho các đối tượng chính sách không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn tín dụng chính sách với ưu đãi cho họ mà còn phải phối hợp với các nguồn lực của xã hội nói chung và nguồn lực của Nhà nước nói riêng để giúp họ phát triển toàn diện, qua đó thoát nghèo một cách bền vững. Người nghèo rất cần vốn tín dụng ưu đãi để có thể đáp ứng thiếu hụt nguồn tài chính cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh nhưng họ cũng rất cần những hỗ trợ khác về y tế, văn hóa, giáo dục từ phía chính quyền và cộng đồng người dân xung quanh.
1.4.3. Yêu cầu quản trị rủi ro tín dụng đối với Ngân hàng chính sách xã hội
Trong kinh doanh NH, hoạt động tín dụng là nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu đem lại nguồn thu nhập lớn và cũng là hoạt động có rủi ro lớn nhất đối với mỗi NH. Rủi ro tín dụng là rủi ro từ phía người vay, chính vì vậy rủi ro tín dụng là bạn đồng hành trong kinh doanh, có thể đề phòng, hạn chế chứ không thể loại trừ. Việc NH đương đầu với rủi ro tín dụng là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là làm thế nào để hạn chế rủi ro ở một tỷ lệ thấp nhất có thể chấp nhận được. Chính vì vậy, trong quản trị hoạt động NH thì QTRR tín dụng là nhiệm vụ quan trọng, NH phải bằng nhiều biện pháp tác động để hạn chế tối
đa những tổn thất tín dụng, góp phần thực hiện mục tiêu kinh doanh.