Việc thu phí sử dụng đường bộ có mục đích bù đắp một phần vốn đầu tư và / hoặc vốn duy trì, bảo dưỡng đường. Từ năm 1962 với Nghị định số 83 -CP, ngày 01- 8-1962; Hội đồng Chính phủ cho phép thu lệ phí sửa chữa đường bộ. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, việc thu phí giao thông đã bị ngừng lại. Từ năm 1991, việc thu tiền sử dụng đường bộ lại tiếp tục thực hiện. Từ bước đầu dưới dạng thu thủ công trực tiếp khi người sử dụng đi qua nơi thu phí cầu, đường bộ. Dần dần công việc được cải tiện và hệ thống các trạm thu phí các loại đã hình thành từng bước. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới các trạm thu phí đường bộ toàn quốc với 62 trạm. Cơ chế thu phí tại các trạm này được thực hiện theo các Thông tư của Bộ Tài chính.
Do cần huy động nhiều nguồn lực và để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nên nước ta đã có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư theo hình thức BOT, cho phép các nhà đầu tư được thu phí sau khi công trình cầu đường được hoàn thiện để hoàn vốn. Vì vậy hiện có hai loại phí đường bộ khác nhau là thu theo công trình do nhà nước đầu tư và thu theo công trình đầu tư theo BOT. Mức thu đối với BOT bằng hai lần mức thu phí của nhà nước.
Đến 2004, trên hệ thống quốc lộ có 53 trạm thu phí các loại. Từ khi thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, nhiều trạm thu phí trên quốc lộ đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm trên quốc lộ vì những lý do khác nhau và vẫn còn những đề nghị thu phí mới, ví dụ, thu phí trên Đại lộ Thăng Long.
Vì vậy việc xác định, lựa chọn các thiết bị công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm làm cơ sở cho việc xây dựng quy trình thu phí thuận tiện, an toàn và hiệu quả cần phải được tiến hành ngay. Căn cứ vào đó để triển khai thống nhất và đồng bộ hóa thiết bị công nghệ cũng như quy trình thu trên toàn bộ mạng lưới trạm thu phí quốc lộ đặc biệt là các tuyến quan trọng và các tuyến đối ngoại; làm sao trong một tương lai gần, thu phí ở Việt Nam trở nên thuận tiện, văn minh và hiện đại.
Hệ thống thu phí tự động không dừng (Electronic Toll Collection - ETC) là một trong những hình thức được triển khai ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ ưu điểm “không dừng” nên hệ thống ETC góp phần giảm ùn tắc, giảm chi phí quản lý và hạn chế tiêu cực trong thu phí. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán thu phí giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay.
Vì vậy, trong phát triển ITS, hệ thống ETC được chú trọng, là xu hướng phát triển tất yếu trong giao thông đường bộ hiện đại. Tại một số nước phát triển, hệ thống ETC đã được triển khai hàng chục năm nay và đạt được nhiều thành tựu. Những kết quả trong việc ứng dụng ETC ở các nước trên thế giới là tiền đề cho ứng dụng ETC ở Việt Nam. [4]