5. Bố cục của luận văn
3.1.1. Những đặc điểm về điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Phù Ninh là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, được tái lập năm 1999 trên cơ sở chia tách huyện Phong Châu thành 2 huyện Phù Ninh và Lâm Thao; dân số 100.304 người, có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 9 dân tộc thiểu số; huyện có 16 xã và và 1 thị trấn; có nhiều vùng, khu thuộc các xã miền núi phía bắc của huyện kinh tế thuộc diện còn rất khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Huyện Phù Ninh nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm Thành phố Việt Trì 15 km, cách thị xã Phú Thọ 12 km. Phía Bắc của Huyện giáp huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ và huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Phía Đông giáp huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc. Phía Tây huyện giáp huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ. Phía Nam giáp huyện Lâm Thao và thành phố Việt Trì. Với vị trí địa lý trên, Phù Ninh có những điều kiện địa lý khá thuận lợi cho phát triển kinh tế theo hướng khai thác các tiềm năng lợi thế.
Hiện tại, huyện Phù Ninh là một trong các cầu nối giữa các tỉnh Trung du miền núi như Yên Bái, Tuyên Quang với Lào Cai… Tuy nhiên do đặc thù là huyện miền núi, diện tích rộng, đồi núi nhiều chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên, đất canh tác ít, lại chịu nhiều tác động của khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế - xã hội nhiều năm qua Phù Ninh vẫn là một huyện nghèo, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, tập quán canh tác chậm đổi mới nên hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao, những khó khăn trở ngại đó đã ảnh hưởng một phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo tại địa phương.
3.1.1.2. Địa hình
Phù Ninh là huyện miền núi, có nhiều đồi núi san sát nhau tạo nên địa hình phức tạp, đường đi quanh co gấp khúc rất hiểm trở, như đường đi xã Liên Hoa, Phú Mỹ, Lệ Mỹ, Trạm Thản, Tiên Phú, Trị Quận… địa hình đồi núi bát úp nối tiếp nhau kéo dài theo hướng Tây Bắc và Đông Nam. Trên địa bàn huyện có những thung lũng hẹp, những cánh đồng ruộng bậc thang nên rất khó khăn trong việc xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất. Thượng huyện có nhiều đồi núi trùng điệp, đường giao thông nhỏ hẹp gây khó khăn cho việc đi lại. Cuối huyện là các xã Trung du miền núi ven sông có tiềm năng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả đặc biệt là cây chè và vải thiều, Cây Hồng… chăn nuôi lợn lai, gà… có giá trị kinh tế cao góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo. Nói chung, địa hình huyện Phù Ninh mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít những khó khăn trong quản lý chính sách giảm nghèo bền vững.
3.1.1.3. Khí hậu
Phù Ninh là huyện thuộc vùng trung du Bắc bộ, chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, thể hiện rõ khí hậu của vùng đồi núi trung du với hai mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô); nhiệt độ trung bình trong năm trong khoảng 23,30C. Ít chịu ảnh hưởng của gió bão, nhưng ảnh hưởng của chế độ mưa sau bão gây úng ở các vùng đất trũng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư. Các yếu tố khác như sương muối, bão lụt, lốc xoáy, mưa đá…cũng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong những năm gần đây thường xuất hiện mưa đá vào tháng 4, tháng 5, bão lốc vào tháng 8, tháng 9 gây thiệt hại cục bộ cho một số xã, nhất là các xã vùng ven sông và vùng núi. Điều kiện thời tiết khí hậu có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn cho phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển nông, lâm nghiệp.
3.1.1.4. Thổ nhưỡng
Năm 2007 Viện thổ nhưỡng nông hoá đã tiến hành điều tra khảo sát, phân tích và lập bản đồ thổ nhưỡng trên địa bàn huyện; kết quả huyện Phù Ninh có các loại đất: Đất xám và đất đỏ. Đất xám chiếm tỷ lệ 70%. Đất đồi rừng của huyện Phù Ninh khá tốt, tầng đất dày từ 0,5m đến 1m chiếm tới 50% thích hợp với việc trồng các loại cây công nghiệp như cây chè, cây lâm nghiệp làm nguyên liệu giấy như bạch đàn, keo, bồ đề, luồng, diễn... Các loại cây ăn quả như vải thiều, nhãn lồng, Bưởi diễn, Hồng Gia Thanh… đã mang lại giá trị kinh tế cao cho huyện Phù Ninh.
3.1.1.5. Về đất đai
Tổng diện tích đất tự nhiên của Phù Ninh là 15.648,01 ha, trong đó đất nông, lâm nghiệp, thủy sản có 11.356,91 ha, chiếm 72,58%; đất phi nông nghiệp có 3.738,93 ha, chiếm 23,89%; đất chưa sử dụng còn 552,17 ha, chiếm 3,53%. Phần lớn đất của Phù Ninh nằm trên địa hình đồi núi thấp, xen lẫn thung lũng nhỏ độ dốc thoải từ 50-150, thềm địa chất ổn định, đất chủ yếu là đất mùn trên đá sỏi, đất sét pha cát lẫn sỏi ở vùng dốc tụ và đất phù sa.
Tiềm năng đất đai của Phù Ninh là rất lớn, với diện tích đất chủ yếu phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp, đất có tầng canh tác trung bình, chất lượng đất khá tốt. Quỹ đất hiện có của Phù Ninh cũng khá thuận lợi cho việc quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trước hết là chế biến nông, lâm và phát triển khu đô thị trung tâm huyện, các trung tâm cụm xã, trung tâm xã. Tuy nhiên, do địa hình không bằng phẳng, nằm xen lẫn với đồi núi thấp nên Phù Ninh không có mặt bằng rộng thuận tiện để xây dựng các khu công nghiệp lớn, tập trung.