Phân tích và dự báo thống kê là việc vận dụng các phương pháp so sánh, đối chiếu, liên kết, tính toán,… các con số đã thu được trong điều tra và tổng hợp thống kê nhằm xác định các mức độ, nêu lên sự biến động, tính quy luật, biểu hiện tính chất và trình độ chặt chẽ của mối liên hệ giữa các hiện tượng, dự đoán tình hình phát triển trong tương lai của hiện tượng.
Kết quả của phân tích thống kê phụ thuộc vào kết quả thu thập thông tin thống kê, chỉ có dựa trên cơ sở thông tin chính xác, đầy đủ thì việc phân tích thống kê mới có khả năng rút ra được những kết luận đúng đắn, sát thực.
Với cơ sở dữ liệu thống kê về tình hình thu, chi BHXH, BHTN, BHYT được thu thập và lưu trữ chính xác, đầy đủ hàng năm thông qua Hệ thống chỉ tiêu thống kê và Chế độ báo cáo thống kê của Ngành, thì trong tương lai BHXH Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt công tác dự báo cân đối các quỹ BHXH, BHTN, BHYT cả trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Ngoài các chỉ tiêu thống kê mô tả tổng thể, việc phân tích và dự báo thống kê còn cần tính toán các chỉ tiêu phản ánh mối quan hệ giữa các yếu tố với nhau. Hàng năm, BHXH Việt Nam phải báo cáo tình hình thực hiện nhiệm với các Bộ có chức năng quản lý nhà nhà nước về lĩnh vực BHXH, BHYT với các chỉ tiêu hết sức chi tiết và cụ thể để phục vụ cho công tác tính toán, dự báo cân đối các quỹ BHXH, BHTN, BHYT từ đó có căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp đối với từng giai đoạn.
Ví dụ: Để có thể tính toán, dự báo cân đối quỹ BHXH thì không thể thiếu các chỉ tiêu như:
Mức đóng/mức hưởng BHXH bình quân Số người đóng/hưởng BHXH bình quân
Thời gian đóng/hưởng BHXH bình quân Tuổi thọ bình quân…
Và mỗi chỉ tiêu đều phải tính riêng cho từng nhóm đối tượng và từng loại chế độ cho từng thời điểm. Đây là công việc không hề đơn giản nếu không có cơ sở dữ liệu đầy đủ và không có các phần mền hỗ trợ để tính toán. Tuy nhiên, khi CNTT được ứng dụng vào công tác thống kê thì công việc tính toán các chỉ tiêu thống kê mô tả (giá trị trung bình, giá trị trung vị …) và các chỉ tiêu thống kê phản ánh mối quan hệ (hệ số tương quan, hệ số hồi quy…) sẽ được thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều thông qua các chương trình phân tích thống kê (SPSS, SAS, STATA, …).
Dự báo thống kê thường được tiến hành dựa vào các chuỗi số liệu theo thời gian và một mô hình kinh tế lượng nào đó. Trên cơ sở các chuỗi số liệu đã có cần phải ước lượng các thông số của mô hình, tiếp theo là đánh giá mức độ sát thực của mô hình. Tất cả các công việc này nếu được ứng dụng CNTT thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức đồng thời kết quả cũng sẽ chính xác hơn rất nhiều.