3.1 .Thể loại
3.1.2. Thơ cổ phong
Không chỉ ứng dụng luật thơ Đường vào sáng tác, Phan Thanh Giản còn sử dụng thể thơ cổ phong. Trong tổng số 70 bài thơ cổ phong, thì ngũ ngôn cổ phong chiếm đa số (51 bài), kế đến là thất ngôn cổ phong (11 bài) còn lại là cổ phong khác. Tuy chiếm số lượng không nhiều trong tổng số bài thơ, nhưng việc Phan Thanh giản chú ý sử dụng thể thơ này trong các sáng tác cho thấy sự chú trọng trong việc thể nghiệm các thể loại hình thức, đồng thời cũng chứng tỏ khả năng làm chủ nhiều thể loại trong sáng tác thơ của mình.
Với dung lượng khá hạn hẹp cùng niêm luật chặt chẽ, thơ Đường luật đôi khi không phải là thể thơ mà các nhà thơ ưu tiên sử dụng để phản ánh đời sống hiện thực đa dạng, phong phú và phức tạp, thì khi đó, thơ cổ phong chính là sự lựa chọn hiệu quả nhất. Trước thiên nhiên tươi đẹp khiến thi nhân tức cảnh sinh tình, tràn trề thi hứng, muốn ngợi ca, muốn gửi gắm tâm sự, muốn bày tỏ chí hướng hay triết lí về cuộc đời, sự giới hạn ngôn từ của luật thơ Đường sẽ làm ý thơ bị hạn chế, đó là một sự “thiệt thòi” cho thi ca và cho cả thi nhân. Bởi thế, khi Đăng sơn, giữa núi rừng bạt ngàn, đứng trên đỉnh trông chòm mây bạc, Phan Thanh Giản đã để lòng lâng lâng chảy tràn cảm xúc theo thể thơ ngũ ngôn cổ phong:
“Sơn nguyệt nhập sơn cốc, Sơn hà sơn liễu nhiễu… Phạt mộc đinh đinh thanh, Kinh viên đề thụ diểu… Đăng nham vọng bạch vân, Dư hoài không diểu diểu.”
(Trăng núi như lẩn vào hang núi,
Ráng mây trên núi lờn vờn phủ núi rừng… Tiếng chặt củi đanh đanh,
Làm cho vượn hoảng sợ kêu trên lùm cây… Lên đỉnh núi trông chòm mây trắng,
Lòng ta sao cứ thấy mênh mang.)
(Đăng sơn – THT)
Bài thơ đủ đầy âm sắc với tiếng vượn kêu, tiếng chim rừng oán thán, tiếng chặt củi “đanh đanh”; với ánh trăng mờ ảo, chòm mây trắng xa xa… Trong cảnh u tịch núi rừng, đứng ở đỉnh núi, càng khiến lòng tác giả mênh mang những ưu tư khó tả. Với dung lượng cảnh, sự và tình không hề nhỏ, thế nhưng thể thơ ngũ ngôn cổ phong đã làm tròn nhiệm vụ truyền tải một cách xuất sắc.
Là người của những chuyến đi, nhất là những chuyến đi song hành cùng trọng trách, với những nỗi niềm, ưu tư, những cảnh, những người, những câu chuyện suốt cả hành trình càng khiến chất tự sự trong thơ ông thêm sâu lắng. Chính vì vậy, trong quyển thứ mười Ba Lăng thảo, ông viết trên đường đi dương trình hiệu lực sang Singapore,có số bài thơ ngũ ngôn cổ phong chiếm nhiều nhất so với 17 quyển còn lại: 14 bài. Kế đến là quyển thứ mười hai Kim Đài thảo, viết trên đường đi sứ Trung Hoa, có 12 bài; trong đó, không thể không nhắc đến bài Độ quan. Ở đây, bên cạnh miêu tả, thì chất tự sự trong thơ Phan Thanh Giản cũng thỏa sức tung hoành:
“Tăng cố kì tứ duy,
Vĩnh tráng kình thiên thế. Nội dĩ tôn kinh sư,
Ngoại dĩ khống tứ duệ.”
(Để gia cố thêm bốn góc trời,
Bền chắc mãi mãi thế cột chống trời. Trong thì để Kinh sư được tôn,
Ngoài thì để khống chế địch bốn phía.)
Bài Độ quan đã tả thực những hiểm nguy trên đường đi sứ xa xôi: núi thì chênh vênh dữ tợn, suối lớn ào ào chảy trong khi cầu treo như thể sẽ bị đứt bất cứ lúc nào. Sinh mệnh con người thật mong manh trước sự hiểm trở của thiên nhiên. Thế nhưng, khó khăn không ngăn được bước đi của kẻ tận trung, cho nên “tay níu dây leo đếm từng bậc trèo lên, ngồi nghỉ mệt trên bậc đá, nhún nhảy để bước đi thêm khỏe”. Và cuối cùng, tác giả kí thác nguyện vọng cao cả của một vị quan đi sứ: quốc gia thái bình, vững chắc, có thể khống chế được ngoại xâm.
Nói về “sức chứa” của thơ ngũ ngôn trường thiên thì không thể không kể đến bài Tòng quân trong quyển thứ chín: Thuật chinh thảo. Bài thơ dài 170 câu, là bản tổng thuật toàn bộ cuộc tòng quân chinh phục người Man của “ông Phan”. Tác giả mô tả chi tiết từ khi bắt đầu tòng quân, chiến trận diễn ra với những tổn thương và tổn thất: quân lính thương vong, dân chúng tổn hao lương thực… Có thể xem bài thơ này như một thiên “tòng quân kí sự” bởi ghi chép lại việc thật, người thật, có mở đầu và có kết thúc mà tác giả đã tham gia:
“Phan tử tòng quân hành, Viễn chinh bỉ man phục… …Vương sư tảo khải hoàn, Biên ngữ tu phòng trúc. ”
(Phan tôi theo việc quân lên đường, Chinh phạt cõi xa thu phục người Man. …Quân triều đình sớm thắng trận trở về, Nơi biên ải cần đắp lũy phòng thủ.)
Mặc dù xuất hiện hiếm hoi trong tập thơ, nhưng thất ngôn trường thiên cũng mang lại giá trị không kém ngũ ngôn trường thiên trong việc chuyển tải dung lượng bài thơ. Ở đây, với giọng kể nhẹ nhàng của tác giả, người đọc cảm nhận được nỗi buồn của “người lãng du trở về” ở phần kết thúc bài thơ khi ngắm cảnh đẹp của núi Côn Sơn:
“Vương tôn quy khứ nham khê quýnh, Thu quế xuân la vô hạn tình.”
(Người lãng du trở về, núi khe xa vắng,
Chỉ còn cỏ xuân la, cành quế thu buồn vô hạn.) (Sơn trung ngẫu ngâm – ĐNT)
Hình ảnh này của Phan Thanh Giản gợi nhớ đến Cao Bá Quát, trong một lần ở đỉnh Côn Sơn, cũng đầy tâm sự. Nỗi buồn của những nhà nho cùng thời dường như đều là nỗi buồn thời thế: “Cõi đời buồn hay vui từng lúc khác nhau/ Nơi người nay vui ngẫm lại là nơi người sau ngậm ngùi.”(Côn Sơn hành).
Thơ cổ phong tuy đơn giản không niêm luật, nhưng vẫn đầy nhạc tính, dạt dào cảm xúc, thể hiện hồn thơ phóng khoáng. Điều này có thể thấy rõ khi phân tích những bài thơ cổ phong của Phan Thanh Giản. Sự đa dạng trong việc ứng dụng thể loại đã làm cho thơ ông thêm phong phú cả về nội dung, lẫn số lượng. Từ đó cũng cho thấy tài thơ, sự uyên thâm, bút lực dồi dào của nhà nho Phan Thanh Giản – thi sĩ Phan Lương Khê.