phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Căn cứ vào chức năng khái quát của hành động trần thuật, J. Searle (1969) cho rằng một hành động được xếp vào phạm trù hành động trần thuật phải thỏa mãn các điều kiện sau:
a. Điều kiện nội dung mệnh đề (P): Bất cứ mệnh đề P nào.
b. Điều kiện chuẩn bị: Người nói phải nói điều mình cho là đúng và phải có chứng cứ. Cả người nói và người nghe đều không chắc người nghe đã biết (P) nếu người nói không nói ra.
c. Điều kiện chân thành: Người nói tin (P) đúng.
d. Điều kiện căn bản: Thực hiện hành động trần thuật là để người nghe biết rắng (P) phản ánh một sự tình thực có.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào hệ thống tiếng Việt thì các điều kiện trên vẫn chưa thỏa đáng. Tác giả Đỗ Hữu Châu (2003) cho rằng:“Điều kiện sử dụng hành vi ở lời là những điều kiện mà một hành vi ở lời được đáp ứng, để nó có thể diễn ra thích hợp với ngữ cảnh của sự phát ngôn ra nó”. Điều này có nghĩa là điều kiện sử dụng hành động ở lời là nhân tố cần thiết cho phép thực hiện một hành động ở lời nhất định trong một ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.
Hành động trần thuật chia theo nội dung hiệu lực ở lời gồm có: Hành động trần thuật miêu tả, hành động trần thuật thông báo, hành động trần thuật kể, hành động trần thuật giải trình. Do đó, khi xem xét các hành động phân theo nội dung ngữ nghĩa và các thao tác người nói cần có những điều kiện cụ thể hơn. Qua khảo sát ngữ liệu hành động trần thuật trong hai tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, ở mỗi loại hành động trần thuật, chúng tôi dựa trên ba tiêu chí: sự trải nghiệm của người nói, nội dung và hiệu lực đối với người nghe và thái độ, phản ứng của người nghe để đưa ra điều kiện thực hiện của các hành động trần thuật theo nội dung ngữ nghĩa. Cụ thể như sau:
3.2.1. Điều kiện thực hiện hành động trần thuật thông báo
Các điều kiện để thực hiện hành động trần thuật thông báo là:
- Sự trải nghiệm của người nói: Người nói có một nội dung thông tin nào đó, có thái độ quan tâm đến người nghe và đưa ra nội dung thông tin để người nghe nắm bắt, chia sẻ.
- Nội dung và hiệu lực đối với người nghe: Người nói đưa ra nội dung thông tin ở dạng tổng quan, đặt người nghe vào tình trạng phải nắm bắt thông tin đó;
- Thái độ và phản ứng của người nghe: Người nghe sẵn sàng tiếp nhận nội dung thông báo.
<39> Tôi tròn xoe mắt:
- Ba mày lên thành phố chữa bệnh rồi mà?
Con Mận sụt sùi đáp, trong một phút tôi thấy mặt nó như héo đi:
- Ba mình vẫn ở trong nhà. Mẹ mình nhốt ba mình trên gác. (TTHVTCX, 2016)
Ở <39>, khi biết lý do con Mận học dốt là do phải chăm sóc ba, trong khi lâu nay Thiều và tất cả mọi người đều nghĩ ba con Mận lên thành phố chữa
bệnh. Câu trả lời của Mận đã thông báo cho Thiều biết rằng ba con Mận vẫn ở trong nhà và mẹ con Mận nhốt ba nó ở trên gác.
- Sự trải nghiệm của người nói: Con Mận buồn rầu khi nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình mình và đưa ra thông tin “ba mình vẫn ở trong nhà, mẹ mình nhốt ba mình trên gác” để Thiều biết và chia sẻ.
- Nội dung và hiệu lực người nghe: Con Mận đưa ra nội dung thông tin: ba nó vẫn ở trong nhà, mẹ nó nhốt ba nó trên gác. Thông tin này khiến cho Thiều quan tâm vì Thiều nghĩ rằng ba con Mận đã lên thành phố để chữa bệnh.
- Thái độ và phản ứng của người nghe: “À, ra thế” Thiều hiểu và tin những điều Mận vừa nói.
3.2.2. Điều kiện thực hiện hành động trần thuật miêu tả
Hành động trần thuật miêu tả được thực hiện khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Sự trải nghiệm của người nói: Người nói có chứng kiến một hiện thực nào đó, có thái độ quan tâm đến người nghe và miêu tả về chúng để người nghe nắm bắt, chia sẻ.
- Nội dung và hiệu lực đối với người nghe: Người nói đưa ra nội dung thông tin ở dạng cụ thể, chi tiết đặt người nghe vào tình trạng phải nắm bắt thông tin đó.
- Thái độ và sự phản ứng của người nghe: Người nghe sẵn sàng tiếp nhận nội dung miêu tả.
<40> - Ờ. – Tôi rầu rĩ, tay mân mê gò má sưng vù – Tối hôm qua ba mày xồng xộc qua nhà tao. (CTXMVĐTT, 2017)
Trong <40> có hành động trần thuật của nhân vật Tôi về việc mình bị ăn đòn. Qua hành động trần thuật, nhân vật Tôi đã sử dụng các từ ngữ miêu tả để người nghe (nhân vật Hải cò) nắm bắt được thông tin tại sao mình bị ăn đòn.
- Sự trải nghiệm của người nói: Nhân vật Tôi bị ăn đòn và nhớ lại việc ba của Hải cò xồng xộc qua nhà mình.
- Nội dung và hiệu lực người nghe: Nhân vật tôi xác nhận việc mình bị ăn đòn. Việc sử dụng từ tượng hình “xồng xộc” làm cho nhân vật Hải cò nắm bắt được thông tin ba mình đã qua nhà các bạn.
- Thái độ và phản ứng của người nghe: Nhân vật Hải cò lo lắng trước thông tin được miêu tả.
3.2.3. Điều kiện thực hiện hành động trần thuật kể
Điều kiện để thực hiện hành động trần thuật kể là:
- Sự trải nghiệm của người nói: Người nói có một nội dung thông tin nào đó, có thái độ quan tâm đến người nghe và đưa ra nội dung thông tin để người nghe nắm bắt, chia sẻ.
- Nội dung và hiệu lực đối với người nghe: Người nói đưa ra nội dung thông tin ở dạng tổng quan, đặt người nghe vào tình trạng phải nắm bắt thông tin đó.
- Thái độ phản ứng của người nghe: Người nghe sẵn sàng tiếp thu nội dung thông báo.
<41> - Hôm qua, con sợ ma nhưng con Mận còn sợ ma hơn con. Nửa đêm nó ôm gối chạy qua ngủ chung giường với con.
Rồi sợ chú Đàn hiểu lầm, tôi vội vã nói thêm: - Con Mận có đặt một chiếc gối ở giữa con và nó. Chú Đàn phì cười:
- Thế sau đó thì sao?
- Thì ngủ chứ sao ạ. – Tôi hồn nhiên đáp – Có con Mận nằm bên cạnh, tự
dưng con hết sợ. Con ngủ say ơi là say! (TTHVTCX, 2016)
Ở <41> có hành động trần thuật của nhân vật Thiều, kể với chú Đàn về việc tối qua nó qua nhà con Mận ngủ, con Mận sợ ma hơn nó, nửa đêm đem gối qua ngủ chung giường với nó.
- Sự trải nghiệm của người nói: Thiều kể về câu chuyện của nó đêm qua ngủ ở nhà con Mận, con Mận sợ ma và ôm gối sang ngủ với nó.
- Nội dung và hiệu lực người nghe: Câu chuyện bắt đầu bằng những chi tiết: con Mận sợ ma hơn nó và nửa đêm ôm gối qua ngủ chung giường với nó khiến chú Đàn tò mò muốn biết thêm thông tin.
- Thái độ và phản ứng của người nghe: Câu chuyện khiến chú Đàn vui vẻ và tò mò nên phải phản ứng bằng hành động hỏi.
3.2.4. Điều kiện thực hiện hành động trần thuật giải trình
- Sự trải nghiệm của người nói: Có một sự việc hoặc một câu chuyện nào đó mà người nói chứng kiến hoặc nghe kể, có thái độ quan tâm đến người nghe và kể về sự việc hoặc câu chuyện đó để người nghe nắm bắt, chia sẽ.
- Nội dung và hiệu lực đối với người nghe: Câu chuyện mà người nói đưa ra theo quan điểm người nói, nằm trong sự quan tâm của người nghe, hiệu lực của chúng là cung cấp thông tin.
- Thái độ và sự phản ánh của người nghe: Người nghe sẵn sàng tiếp nhận nội dung kể .
<42> Câu đáp bừa của tôi khiến mặt cô giáo dãn ra. Cô thở phào và rụt tay lại:
- May quá! Thế thì không sao. Trung khu thần kinh con người ta nằm phía sau ót. (CTXMVĐTT, 2017)
Ở <42> là hành động trần thuật giải trình của nhân vật cô giáo cho nhân vật Tôi hiểu khi nhân vật tôi sau khi bị ngã đã có những hành động không bình thường.
- Sự trải nghiệm của người nói: Sau khi nghe nhân vật Tôi nói về việc bị ngã sấp mặt xuống đất chứ không phải là đập ót xuống đất, cô giáo đã thở phào nhẹ nhõm do đang cảm thấy lo lắng trước sức khỏe của học sinh.
- Nội dung và hiệu lực người nghe: Cô giáo giải trình về việc nhân vật tôi bị té sấp mặt xuống đất là không sao vì trung tâm thần kinh của con người ta nằm phía sau ót. Và người nghe (nhân vật Tôi) hiểu được vì sao cô giáo lại lo lắng như vậy.
- Thái độ và phản ứng của người nghe: Nhân vật Tôi sẵn sàng tiếp nhận nội dung giải trình trong câu nói của cô giáo.
Như vậy, trên đây là những điều kiện chúng tôi xem xét để nghiên cứu hành động trần thuật qua lời thoại trong tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ