NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
Ngoài chế độ kế toán đặc thù, hoạt động ngân hàng còn có cơ sở pháp lý khác. Đó là một hệ thống diễn giải và thực thi luật pháp. Hệ thống pháp luật gồm các bộ luật, các quy tắc, quy định, điều lệ tạo nên khung pháp chế thi hành phục vụ hoạt động ngân hàng.
Hoạt động kiểm soát trong ngân hàng thương mại chỉ có thể thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao trong khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ. Hệ thống pháp lý cần thiết cho hoạt động kiểm soát trong Ngân Hàng Thương Mại bao gồm: Các luật lệ, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của các đối tượng kiểm soát và các luật lệ, cơ chế chính sách của bản thân hoạt động kiểm soát. Khuôn khổ pháp lý của bản thân hoạt động kiểm soát trong ngân hàng thương mại tại Việt Nam gồm:
- Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16/5/2011;
- Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Thông tư số 40/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nhìn chung, cơ sở pháp lý về kiểm soát nội bộ trong ngân hàng thương mại tại Việt Nam ngày càng được sửa đổi, bổ sung thêm rõ ràng và đầy đủ hơn. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 44/2011/TT-NHNN để từng bước giúp các ngân hàng xây dựng và thiết lập kiểm soát nội bộ. Nhưng Thông tư 44 chỉ mang tính khái quát và chưa thật sự đầy đủ, chưa đáp ứng được vai trò thật sự của một hệ thống kiểm soát nội bộ trong hoạt động ngân hàng. Thông tư 13/2018/TT-NHNN ban hành đã góp phần giải quyết được những vấn đề khó khăn trong thực tế xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ ch o hoạt động ngân hàng trong thời gian qua. Các quy định trong Thông tư 13 rất cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là đã thật sự tiệm cận với các thông lệ quốc tế về việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ.
Các cơ sở pháp lý này đều tạo ra quy định, quy chế rõ ràng để phục vụ cho quá trình hoạt động trong các mảng nghiệp vụ của ngân hàng được thực hiện đảm bảo theo quy trình, tuân thủ pháp luật, giúp cho KSNB được thực hiện một cách tuân thủ, đúng quy định hướng dẫn, ngăn ngừa sai sót trong quá trình hoạt động.