3.3.2.1 Kiến nghị với NHNN
- Song song với việc các NHTM xây dựng, hoàn thiện XHTD nội bộ, NHNN nên có chính sách phát triển các đơn vị XHTD độc lập làm cơ sở tham chiếu chung trong công tác XHTD. Kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực
cho thấy, cần phải hình thành các tổ chức định mức tín dụng không do nhà nước
quản lý, tổ chức này hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, để hạn chế
việc chi phối của tổ chức hay cá nhân, làm sai lệch kết quả xếp hạng.
- Hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng Ngân hàng: Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Ngân hàng, NHNN có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng, đặc biệt là chất lượng thông tin tín dụng, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng nói chung của Ngân hàng. Ngày 28/01/2013, NHNN đã ban hành thông tư số 03/2013/TT-NHNN Quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN, trong đó quy định CIC làm đầu mối đối với công tác này. Bao gồm: cung cấp thông tin tín dụng cho NHNN; xử lý, lưu
giữ, bảo mật dữ liệu thông tin tín dụng; khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để đáp ứng được yêu cầu đã nêu ở trên, những vấn đề đặt ra cho CIC trong thời gian là:
Một là, CIC phải cập nhật được phân loại khách hàng theo từng khoản nợ, đánh giá theo từng nhóm nợ khách hàng. Ngoài ra, CIC cần thắt chặt quan hệ với các hãng thông tin quốc tế như D&B của Mỹ chuyên thu thập và cung cấp thông tin toàn thế giới.
Hai là, CIC phải được giao nhiệm vụ hỗ trợ các TCTD, đánh giá các khoản nợ của khách hàng tại Ngân hàng. Ngoài ra, CIC không chỉ thực hiện chức năng đơn thuần là thu thập và cập nhật thông tin mà còn phải phân tích thông tin trên cơ sở dữ liệu hiện có để đưa ra các nhận định, đánh giá về khách hàng, từ đó các NHTM có thêm cơ sở quyết định cho vay đúng đắn.
Ba là, đòi hỏi khách quan với CIC là độ chuẩn xác cao về giá tri pháp lý của thông tin về phân loại nợ của một khách hàng vay tại nhiều Ngân hàng. Những thông tin CIC cung cấp ra đòi hỏi phải phản ánh trung thực, khách quan và đặc biệt phải đảm bảo tính kịp thời. Nếu thông tin của CIC không được cập nhật thường xuyên thì thông tin đó sẽ sai lệch, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Ngân hàng. Để đảm bảo tính chính xác và cập nhật thông tin, NHNN cần quy định ràng buộc trách nhiệm của các Ngân hàng về việc cung cấp thông tin, trách nhiệm của CIC trong việc bảo mật các thông tin này cho các Ngân hàng tự đánh giá và cho các cơ quan giám sát để đánh giá nợ.
3.3.2.2. Kiến nghị với cơ quan xây dựng luật pháp và một số bộ ngành liên quan của nhà nước
- Đối với việc quản lý doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành chế độ kiểm toán bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp, đồng thời cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính minh bạch của
việc kiểm toán, giúp phản ánh trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp. Từ đó giúp Ngân hàng có cơ sở đánh giá đúng về khả năng tài chính của doanh nghiệp để có những quyết định đầu tư đúng đắn, hạn chế rủi ro.
- Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiến hành rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn tránh sự chồng chéo, thiếu tính đồng bộ tạo điều kiện cho việc tiếp cận, thực hiện, kiểm tra giám sát trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp luật theo hướng minh bạch, thông thoáng, ổn định, đảm bảo sự bình đẳng, an toàn cho các chủ thể tham gia vào thị trường, đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện các văn bản luật về thế chấp tài sản, luật về quyền sở hữu tài sản, luật đầu tư kinh doanh, luật các tổ chức tín dụng.
- Trong tình hình hiện nay, các bộ, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu theo nghị quyết số 01/NQ-CP và nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của chính phủ. Các bộ, ngành cần phối hợp tích cực với NHNN phân tích, đánh giá hoạt động của các ngành, lĩnh vực để xây dựng, triển khai các chương trình tín dụng phù hợp, nhờ đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD.