Quản lý các khoản thu từ đất là một bộ phận của quản lý thuế nên nó mang đầy đủ các đặc điểm của quản lý thuế. Đó là: Quản lý các khoản thu từ đất là một công tác tổng hợp chứa đựng nhiều yếu tố khác nhau như yếu tố pháp luật, yếu tố tổ chức, yếu tố tuyên truyền vận động. Trong quản lý các khoản thu từ đất, chủ thể quản lý sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp kinh tế, hành chính, giáo dục, tuyên truyền. Trong đó phương pháp hành chính được coi là phương pháp chủ yếu. Nếu xét ở tầm vĩ mô, quản lý các khoản thu từ đất là công tác mang tính kỹ thuật nghiệp vụ chặt chẽ. Ngoài ra, quản lý các khoản thu từ đất có những đặc điểm riêng có bị chi phối bởi đặc điểm của quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý thu và nộp thuế của Nhà nước. Đó là: Các khoản thu từ đất gồm nhiều khoản thu trong hệ thống thuế Nhà nước; Các khoản thu từ đất có phạm vi áp dụng rộng, đối tượng tác động rất lớn, đa dạng. Thủ tục hành chính với các khoản thu từ đất đai mang tính đặc thù cơ bản: Việc thu các khoản thu từ đất đai vừa được thực hiện thông qua cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và vừa trực tiếp với người nộp thuế. Có nhiều khoản thu từ đất nên người nộp thuế đôi lúc còn nhầm lẫn giữa người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng...
1.1.5.1. Yếu tố kinh tế
Kinh tế là tổng hợp các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính của các chủ thể kinh tế - xã hội. Yếu tố kinh tế rất quan trọng, cho phép thực hiện quyền bình đẳng giữa các đối tượng sử dụng đất và kết hợp hài hoà giữa các lợi ích, do vậy, các đối tượng sử dụng đất đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Sự vận hành của một xã hội nói chung, cũng như một chính sách thuế nói riêng bao giờ cũng gắn liền với bối cảnh kinh tế nhất định. Bối cảnh kinh tế đó được nhìn nhận thông qua hàng loạt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: tốc độ tăng tưởng, chỉ số giá cả, tỷ giá ngoại tệ, chỉ số chứng khoán... Mỗi sự
thay đổi của yếu tố này sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới chính sách thu, trong đó có chính sách thu liên quan đến đất đai.
1.1.5.2. Yếu tố pháp luật
Pháp luật là công cụ quản lý không thể thiếu được của một Nhà nước. Từ xưa đến nay, Nhà nước nào cũng luôn thực hiện quyền cai trị của mình trước hết bằng pháp luật. Nhà nước dùng pháp luật tác động vào ý chí con người để điều chỉnh hành vi của con người, qua đó Nhà nước bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người sử dụng đất. Nhờ những điều khoản bắt buộc, thông qua các chính sách miễn giảm, thưởng, phạt cho phép Nhà nước thực hiện được sự bình đẳng cũng như giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích trong lĩnh vực đất đai giữa những người sử dụng đất. Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước XHCN Việt Nam có các công cụ pháp luật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quản lý đất đai cụ thể như: Hiến pháp, Luật đất đai, Luật dân sự, các pháp lệnh, các nghị định, các quyết định, các thông tư, các chỉ thị, các nghị quyết... của Nhà nước, của Chính phủ, của các bộ, các ngành có liên quan đến đất đai một cách trực tiếp hoặc gián tiếp và các văn bản quản lý của các cấp, các ngành ở chính quyền địa phương. “Yếu tố pháp luật quy định các quyền mua, bán cho thuê, thế chấp, góp vốn bất động sản… hướng dẫn (quy định) hợp đồng giao dịch dân sự bất động sản. Như vậy, rõ ràng pháp luật là một yếu tố có tính chất quyết định đến sự hình thành và phát triển của thị trường bất động sản”[4]. Yếu tố này có sự gắn bó chặt chẽ, tác động trực tiếp đến chính sách thu liên quan đến đất đai, các nhân tố thuộc yếu tố này thường xuyên được đề cập tới đó là:
+ Quan điểm tư tưởng của chính quyền đối với chính sách thu; + Tính đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và chi tiết của hệ thống pháp luật;
+ Năng lực hành pháp của chính quyền và ý thức chấp hành pháp luật của các công dân và các tổ chức trong xã hội.
1.1.5.3. Yếu tố văn hoá - xã hội
Yếu tố văn hoá - xã hội cũng tác động lớn đến công tác quản lý các khoản thu từ đất. Các nhân tố ảnh hưởng thuộc yếu tố này thường được nhắc đến, bao gồm: những quan niệm, tư tưởng, đạo đức của cộng đồng về đất đai, về hệ thống chính sách (chính sách thu liên quan đến đất đai, chính sách điều chỉnh cơ cấu đầu tư, chính sách hỗ trợ,...), sự ổn định chính trị - xã hội và các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trong lĩnh vực đất đai của Nhà nước; Thêm vào đó, các yếu tố như: Đặc điểm khu dân cư, cơ cấu dân cư, giới tính, độ tuổi, mật độ dân số, sự gia tăng dân số, trình độ nhận thức, tâm lý và các tập quán của người dân, dịch vụ giáo dục, y tế, trình độ năng lực của các chủ thể kinh doanh, trình độ đầu tư... cũng có những tác động nhất định đến chính sách thu liên quan đến đất đai. Một khu vực mật độ dân số đột nhiên tăng cao thì giá trị bất động sản nơi đó sẽ tăng lên do cân bằng cung cầu bị phá vỡ. Về tín ngưỡng: Luật tục của mỗi địa phương đều có những quan niệm và quy định rõ về quyền sử dụng đất của các thành viên. Ví dụ: Ở Tây Nguyên, đất đai là của cộng đồng, không phải là tài sản riêng, không có ý thức để mua bán, họ coi đất đai, rừng núi là do thần linh cai quản. Vì thế, đất đai của buôn làng nơi đây còn được quản lý bởi cả thiết chế thần quyền bên cạnh thiết chế thế quyền. Sự phối hợp chặt chẽ giữa thế quyền và thần quyền tạo nên nền tảng cho việc quản lý đất đai ở đây.
1.1.5.4. Yếu tố khoa học - công nghệ
“Khoa học-công nghệ đang làm thay đổi một cách căn bản các điều kiện về quy trình và phương thức hoạch định chính sách, cách thức tổ chức thực thi cũng như giám sát chính sách, đặc biệt khoa học - công nghệ trong thời gian vừa qua đã có tác động mang tính cách mạng tới việc quản lý và thực thi thu nộp góp phần không nhỏ tạo ra tính hiệu quả và hiệu lực của chính sách” [3].
Khoa học - công nghệ là công cụ quan trọng trong việc quản lý thuế nói chung và quản lý các khoản thu từ đất nói riêng, làm tăng tính hiệu quả trong giao dịch giữa cơ quan thuế và NNT, giảm chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế. Với sự hỗ trợ của khoa học - công nghệ hiện đại, các dữ liệu trên quản lý thuế
được máy tính đối chiếu và xử lý tự động, giảm tối đa việc thực hiện thủ công giúp cơ quan thuế phát hiện các gian lận hoặc không tuân thủ đúng quy định pháp luật về thuế của NNT; Yếu tố khoa học - công nghệ giúp cho cơ quan thuế quản lý được hệ thống thông tin thu, nộp thuế, từ đó có sự kiểm tra, giám sát tới từng người nộp thuế và kịp thời xử lý các sai phạm.
1.1.5.5. Yếu tố chủ quan và khách quan */ Nhân tố chủ quan
- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác quản lý thu thuế Với vai trò là người thực thi luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, cán bộ thuế đóng vai trò nòng cốt, quyết định đến hiệu quả của công tác quản lý thuế nói chung và quản lý các khoản thu từ đất nói riêng.
Các khoản thu thuế từ đất đai cùng với các sắc thuế khác được quy định, hướng dẫn thực thi bởi Luật và các văn bản dưới luật. Những quy định này được tuyên truyền rộng rãi và phổ biến đến người nộp thuế (NNT) để NNT nắm rõ và thực hiện đúng quyền lợi và nghĩa vụ thuế của mình. Tuy nhiên, trong thực tế khi thực hiện, NNT hoặc do sự thiếu quan tâm hiểu biết, hoặc do cố tình trốn, gian lận thuế nên phát sinh rất nhiều các tình huống mà nếu cán bộ thuế không vững về chuyên môn nghiệp vụ, sẽ không thể hướng dẫn, đôc đốc, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý thuế được hiểu bao quát về cả tài, cả đức, nói như Bác Hồ, người cán bộ phục vụ quần chúng nhân dân phải “vừa hồng vừa chuyên”, để không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà phải được lòng dân, dân trong giác độ quản lý thuế chính là NNT, người trực tiếp đóng góp vào số thu NSNN để có nguồn chi cho phát triển kinh tế xã hội, phát triển đất nước. Xã hội luôn phát triển vận động không ngừng, quan điểm chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cũng có những thay đổi phù hợp với thực tế. Về phương diện quản lý thuế nói chung và quản lý các khoản thu từ đất nói riêng, các chính sách cũng luôn được cập nhật, bổ sung những yếu tố mới, sửa đổi những yếu tố chưa phù hợp để ngày càng làm hoàn thiện hơn các văn bản quy
phạm pháp luật, để quản lý có hiệu quả hơn. Cán bộ thuế, người trực tiếp đại diện Nhà nước thi hành pháp luật về thuế cũng phải luôn cập nhật, trau dồi, học hỏi chính sách pháp luật cũng như nghiệp vụ chuyên môn để truyền đạt, hướng dẫn tận tình cho NNT cũng như kiểm tra, giám sát NNT thực hiện đúng đắn nghĩa vụ thuế của mình.
- Cơ chế phối hợp giữa các phòng chức năng trong cơ quan thuế và giữa cơ quan thuế với các cơ quan hữu quan
Bộ máy hoạt động của cơ quan thuế bao gồm các phòng ban chức năng, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức, đứng đầu là người lãnh đạo. Công tác quản lý thuế cũng được quản lý theo từng phòng chức năng, chịu trách nhiệm công việc tương ứng với các quy trình quản lý thuế. Để tạo thành một thể thống nhất, quản lý hiệu quả thuế nói chung và quản lý các khoản thu từ đất nói riêng, nhất thiết phải có sự phối hợp giữa các phòng ban chức năng trong cơ quan thuế.
Công tác quản lý thuế theo quy trình quy định rõ nhiệm vụ của từng bộ phận, từng bước công việc trong quá trình quản lý thuế, và bước công việc nào phối hợp cùng với phòng ban nào và phòng ban nào có chức năng nhiệm vụ cùng phối hợp thực hiện. Điều này tạo ra sự tương tác, gắn kết giữa các phòng ban, để vừa có sự chuyên sâu trong quản lý, vừa có sự liên kết giữa các bộ phận để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của ngành là thực hiện tốt công tác quản lý thuế.
Quản lý các khoản thu từ đất đai tạo ra mối liên hệ giữa rất nhiều các cơ quan tổ chức, không chỉ cơ quan thuế, có rất nhiều các cơ quan khác cùng tham gia, tác động vào để quản lý các khoản thu từ đất đai của quốc gia như: Sở Tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh…Do đó, trong công tác quản lý các khoản thu từ đất, phải có sự phối hợp với Cơ quan Thuế với các cơ quan hữu quan để cùng đưa ra các giải pháp vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật về đất đai, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và các quy định cụ thể của địa phương. Điều này tạo sự nhất quán giữa cơ quan thuế và các cơ quan trên địa bàn tỉnh.
*/ Nhân tố khách quan
- Trình độ và ý thức tuân thủ pháp luật của NNT
NNT là người trực tiếp đóng góp, tạo số thu NSNN thông qua việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. NNT là người bạn đồng hành của cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế không thể quản lý tốt nếu như không có sự hợp tác của NNT.
Với cơ chế “tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm”, NNT có nhiều sự chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng đi cùng với đó là việc phát sinh nhiều tình huống vi phạm pháp luật về thuế do NNT hoặc không am hiểu tường tận về quy định pháp luật về thuế, hoặc do trình độ nghiệp vụ liên quan tới thuế hạn chế, hoặc do cố tình trốn thuế, gian lận thuế. Đòi hỏi cơ quan thuế phải sát sao hơn trong công tác phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về thuế, kiểm tra và giám sát việc khai thuế, nộp thuế của NNT.
- Quản lý đất đai hiệu quả
Việc quản lý thu thuế từ đất đai không đơn thuần là việc thu được ít hay nhiều từ lợi thế đất đai, mà phải tính đến lợi ích mang lại khi sử dụng đất đai vào mục tiêu phát triển kinh tế. Với sự phát triển không ngừng của các khu công nghiệp tập trung như hiện nay, đất đai đang ngày càng trở thành nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia trong phát triển KT- XH. Vấn đề quản lý và sử dụng đất đai ngày càng trở nên quan trọng, từ quy hoạch đến việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi, miễn, giảm các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế phát triển, mở rộng thị trường, từ đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN. Do vậy công tác quản lý thu từ đất phải có được sự đồng bộ từ chính sách, điều kiện tự nhiên, KT- XH từng địa phương để ban hành cơ chế phù hợp, vừa để sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai, vừa thu hút được nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển kinh tế.