e. Các biện pháp hỗ trợ đầu tư
3.1.2. Mục tiêu, định hướng chung về thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh
Thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Quyết định số 2428/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 194/2019/NQ-HDN của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh đã và đang nâng cao chính sách, mục tiêu và xây dựng định hướng chung để thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ nhất, Cần xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Hiện nay, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cơ cấu kinh tế của cả nước trong những năm qua chuyển dịch theo hướng tăng nhanh dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Theo đó, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng để thu hút được nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu, phát triển nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, nhận định được tiềm năng và lợi thế lớn về vị trí địa lý, ngành công nghiệp cảng biển và dịch vụ cảng biển được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh ưu tiên đầu tư hạ tầng cho phát triển mạnh dịch vụ cảng biển Quảng Ninh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác.
Thứ hai, Xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, đặc biệt là các quy định về
ưu đãi đầu tư phải được áp dụng thống nhất, các chế độ ưu đãi phải tạo ra động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phải hợp lý, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Để có được môi trường pháp lý thích hợp cho việc thực hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể tham
gia hoạt động kinh tế, pháp luật hiện hành về ưu đãi đầu tư cần chú trọng các quy định về thực thi các biện pháp ưu đãi, các điều kiện, thủ tục hưởng ưu đãi của các nhà đầu tư.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, luôn chủ động kết nối, mời gọi
nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn. Xác định công tác truyền thông là khâu quan trọng, mang lại hiệu quả tích cực trong xúc tiến đầu tư, các ban, ngành của tỉnh đã cập nhật thường xuyên thông tin quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó, chú trọng thông tin trên website Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh bằng 4 ngôn ngữ (Việt, Anh, Nhật, Hàn) đồng thời, thành lập fanpage Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh để tiếp nhận những phản ánh đa chiều từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư; Phát hành Bản tin xúc tiến đầu tư song ngữ (Anh - Việt) để cung cấp, cập nhật thông tin nhanh nhất về kinh tế, đầu tư, những chuyển động trong môi trường đầu tư và tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, Hội đồng cố vấn đã hỗ trợ, giới thiệu nhiều đoàn đại diện chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm, làm việc tại Quảng Ninh; hỗ trợ tỉnh quảng bá tuyên truyền qua website của JETRO. Bên cạnh đó, JETRO cũng tư vấn cho Quảng Ninh thành lập Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk) trực thuộc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA). Đến nay, Quảng Ninh cũng đã hợp tác chặt chẽ với 2 hãng truyền thông quốc tế của Nhật Bản là JiJi Press và Nhật báo Nikkei để quảng bá về môi trường đầu tư của Quảng Ninh tới các doanh nghiệp Nhật Bản...
Những năm qua, trong hợp tác đầu tư với Nhật Bản, Quảng Ninh đã có nhiều chương trình phối hợp, hợp tác phát triển, nổi bật: Ký kết hợp đồng lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và ngoài 2050 với Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản); hợp đồng dịch vụ tư vấn lập Quy hoạch môi trường Quảng Ninh và vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với Công ty TNHH Nippon Koei (Nhật Bản); biên bản ghi nhớ với Công ty Seiwa Denko và Công ty Chodai (Nhật Bản) về việc hợp tác thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước thông qua việc ứng dụng hệ thống xử lý nước thải độc lập không
thu gom, không đảo trộn tại vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới. Tập đoàn SE đã được UBND tỉnh chọn liên danh với một số công ty của Việt Nam để triển khai dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, theo hình thức BOT...
Bên cạnh sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, Quảng Ninh cũng dành nhiều quan tâm cho các nhà đầu tư chiến lược, có thiện chí và đặc biệt tôn trọng quy hoạch phát triển KT-XH chung cũng như thực hiện nghiêm những cam kết bảo vệ môi trường của Quảng Ninh trong triển khai dự án. Đến nay, cùng với các nhà đầu tư Nhật Bản, tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm vào địa bàn tỉnh như tập đoàn Amata (Thái Lan), Tập đoàn Rent A Port ( Bỉ), Tập đoàn CDC International Corporation (Đảo Caymans), Texhong (Trung Quốc), Công ty Bumjin Electronic (Hàn Quốc) v.v và các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam là Vingroup, Sun Group, FLC, MyWay, BIM Group, Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc, Tập đoàn Thành Công...
Trong 2,5 năm qua, tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 190 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 65.975 tỷ đồng (cấp mới, điều chỉnh chứng nhận đăng ký đầu tư cho 133 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 44.083 tỷ đồng; 57 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đăng ký 995,16 triệu USD). Cũng thời gian này, toàn tỉnh có 5.200 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn ước đạt 34.800 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký trong tỉnh đến hết quý II/2018 đạt 16.450 doanh nghiệp, vốn đăng ký 155.850 tỷ đồng...
Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Ninh cần xây dựng kế hoạch cụ thể và dài hạn, xác định định hướng hoàn thiện pháp luật về ưu đãi thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh. Trong giai đoạn hiện nay, khi xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, định hướng chung thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh cần cụ như sau:
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bảo đảm yêu cầu cao ngày càng cao của nhà đầu tư, hiện nay xây dựng cơ sở hạ tầng được ưu tiên hàng đầu trong định hướng thu
hút đầu tư của tỉnh năm 2019. Qua đó, tỉnh tập trung thu hút các dự án xây dựng hạ tầng giao thông như cảng biển theo quy hoạch phân bổ dọc bờ biển cảng Vạn Gia (Móng Cái), cảng Mũi Chùa (Tiên Yên), cảng Cái Bầu (Vân Đồn), cảng Hòn Nét (Cẩm Phả)... phát triển hạ tầng kho, bãi và các dịch vụ logistics, hình thành trung tâm logistics Cái Lân tại thành phố Hạ Long, trung tâm logistics Vân Đồn (kết nối Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và cảng Hòn Nét, Cẩm Phả), trung tâm logistics Quảng Yên (kết nối khu vực khu đô thị công nghiệp Amata, Sông Khoai, KCN Đầm Nhà Mạc và trung tâm logistics Hải Phòng), trung tâm logistics Khu hợp tác kinh tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), trung tâm logistics Hải Hà và trung tâm logistics Bình Liêu... Đặc biệt với Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh tiếp tục xác định rõ ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm và nhà đầu tư chiến lược; triển khai xúc tiến đầu tư trực tiếp đến các nhà đầu tư, đối tác có tiềm lực để giới thiệu các dự án cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển của Khu kinh tế và lợi ích của các nhà đầu tư; xác định thị trường trọng điểm để tiến hành các cuộc xúc tiến kêu gọi đầu tư như du lịch giải trí chất lượng cao, dịch vụ hạ tầng thương mại cao cấp từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất... Nghiên cứu việc mở văn phòng xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm và tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Định hướng thu hút đầu tư theo đối tác được xác định rõ địa bàn trọng điểm, đối tác, nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn sắp tới để xúc tiến đầu tư với các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các công ty vừa và nhỏ (đối với ngành công nghiệp hỗ trợ) trong và ngoài nước có định hướng, chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài tại Quảng Ninh. Thị trường mục tiêu là: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, EU, Trung Đông (UAE), Hồng Kông, Châu Âu...Trên cơ sở đó, chú trọng vào một số đối tác, điển hình như với Nhật Bản, cần thúc đẩy thu hút đầu tư trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản ở các lĩnh vực: Chế biến nông sản và thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, máy móc thiết bị nông nghiệp, điện tử, sản xuất phụ tùng ô tô, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kêu gọi các nhà đầu tư thứ
cấp Nhật Bản tại KCN và đô thị Amata, KCN Dịch vụ và cảng biển Đầm Nhà Mạc, KCN Cảng biển Hải Hà. Với Hàn Quốc, Singapore, tập trung vào các lĩnh vực điện tử, sản xuất cơ khí, dịch vụ du lịch giải trí chất lượng cao, công nghiệp sản xuất, chế biến, công nghiệp chế tạo, hạ tầng KCN, cảng biển, dệt may, xử lý môi trường, năng lượng mới, bất động sản, tài chính - bảo hiểm.
Ngoài tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, hiện nay trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, Quảng Ninh tập trung xúc tiến các dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, resort cao cấp, trung tâm thương mại... tại Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cùng các dự án cao cấp phục vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Qua đó, khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long cũng như các dự án đầu tư hạ tầng khu du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng với bản sắc riêng, tạo sản phẩm du lịch mới cho tỉnh. Song song với đó là thu hút, hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp, môi trường, công nghiệp... cũng được đẩy mạnh.