Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án trong công thực thi pháp luật liên quan đến trách nhiệm sản phẩm được ghi nhận trong nhiều văn bản luật khác nhau như: Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ở Việt Nam hiện nay chưa có Tòa án chuyên trách về vấn đề trách nhiệm sản phẩm nên các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này chủ yếu được xét xử tại các Tòa án dân sự. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ
thẩm những tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng, trừ trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết. Tuy nhiên, các bên có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu được giải quyết tranh chấp tại Toà án nơi nguyên đơn cư
trú, làm việc hoặc có trụ sở. Trong một số trường hợp, nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm.
Trong các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm sản phẩm, pháp luật của các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn xem xét người tiêu dùng là chủ thể yếu thế hơn so với thương nhân. Do đó, các quy định của pháp luật về thủ tục tố tụng tại Tòa án có nhiều nét đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp với thương nhân. Thủ tục giải quyết tranh chấp có liên quan đến người tiêu dùng hiện nay chủ yếu được quy định tại BLTTDS năm 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Về cơ bản, thủ tục giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có một số điểm đáng lưu ý sau đây:
Thứ nhất, về thủ tục xét xử đơn giản. Theo quy định tại BLTTDS năm 2015, nguyên đơn muốn khởi kiện giải quyết tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng phải làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án được quy định tại phần 2 BLTTDS năm 2015 đối với mọi tranh chấp dân sự, trong đó bao gồm tranh chấp có liên quan đến người tiêu dùng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp, khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã quy định về thủ tục đơn giản để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có đủ các điều kiện sau: (i) cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị kiện; (ii) vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; (iii) giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Việc quy định quyền áp dụng thủ tục đơn giản của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp là một điểm tiến bộ của pháp luật liên quan đến trách nhiệm sản phẩm nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội để tiếp cận công lý bảo vệ quyền lợi của mình. Hệ thống toà án nhân dân không áp dụng quy định này của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Thứ hai, về nghĩa vụ chứng minh lỗi. Theo quy BLTTDS năm 2015, đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh là yêu cầu đó có căn cứ và hợp pháp; Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. Tuy nhiên, khoản 1, khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng cho phép trường hợp ngoại lệ, đó là người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh, mà chính các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có nghĩa vụ chứng minh là mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Trong khoa học pháp lý, đây là trường hợp đảo ngược nghĩa vụ chứng minh lỗi. Do người tiêu dùng luôn ở vị trí yếu thế trong quan hệ với các thương nhân và việc chứng minh lỗi của các thương nhân rất phức tạp nên pháp luật quy định đảo ngược nghĩa vụ chứng minh lỗi nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ ba, về nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí, chi phí nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm; người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong trường hợp, người tiêu dùng yêu cầu trưng cầu giám định, phải nộp tạm ứng chi phí giám định, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Việc phải nộp tạm ứng án phí hoặc chi phí giám định (nếu cần) là một trong các lí do khiến người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi e ngại khởi kiện. Để khuyến khích người tiêu dùng khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình, khoản 2 Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định người tiêu dùng khởi
kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án.
Thứ tư, về quyền khởi kiện vụ án dân sựliên quan đến trách nhiệm sản phẩm.
Các tổ chức xã hội đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 27 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, có quyền khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo sự ủy quyền của người tiêu dùng liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm (điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010).
Nhằm tạo điều kiện cho những người tiêu dùng bị xâm phạm lợi ích được biết và quyết định tham gia khởi kiện hay khởi kiện độc lập, khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định tổ chức xã hội đó có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về việc khởi kiện và chịu trách nhiệm về thông tin do mình công bố, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, Tòa án có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án (khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010). Sau khi xét xử, bản án, quyết định của Tòa án do tổ chức xã hội khởi kiện phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 45 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010). Trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuyên truyền, phổ biến các vụ án về vấn đề trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp, các thông tin công khai liên quan đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh là một trong các biện pháp hữu hiệu để người tiêu dùng nắm rõ hơn về quyền lợi của mình, biết được các cách thức để bảo vệ quyền lợi khi có sự xâm phạm.
Theo quy định tại Điều 46 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Tòa án có thẩm quyền quyết định việc sử dụng khoản tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng. Việc sử dụng, quản lý khoản tiền này phải đem lại giá trị xã hội, hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hơn nữa chứ không chỉ đơn thuần là bù đắp những thiệt hại vật chất cho người tiêu
dùng. Ở các nước có cơ chế kiện tập thể (class action), số tiền bồi thường đòi được thường được trích trả công cho luật sư hoặc người thay mặt người tiêu dùng đi khởi kiện, rồi phần còn lại chia đều cho tất cả những người tiêu dùng có quyền lợi bị xâm phạm, miễn là những người đó không công khai từ chối tham gia vụ kiện. Để khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần quy định một cơ chế tài chính rõ ràng đối với việc sử dụng đối với số tiền bồi thường thiệt hại, đồng thời tạo điều kiện để Tòa án có thể thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả quy định này.