1.1.3.1 Nhân tố bên ngoài:
+ Yêu cầu của thị trường: theo quy luật phát triển của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ kiểm toán trong xã hội ngày càng nhiều và càng cao. Nhu cầu thị trường càng ngày càng đa dạng, phức tạp với các yêu cầu khác nhau. Có những đối tượng cần kiểm toán bởi theo qui định của nhà nước cần có kiểm toán, có đối tượng kiểm toán do yêu cầu quản lý của bản thân họ hay do yêu cầu của bên thứ 3, đối tác kinh doanh, các nhà đầu tư…Các ngành nghề, lĩnh vực càng ngày càng đa đạng hóa, chính sự đa dạng hóa trong sự phát triển của thị trường, bắt buộc các Công ty kiểm toán phải luôn luôn thay đổi, nắm bắt nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng để đáp ứng với các yêu cầu của thị trường.
+ Mục tiêu kiểm toán của khách hàng: khách hàng sẽ là người đầu tiên sử dụng kết quả kiểm toán, cũng là người ký kết các hợp đồng kiểm toán, cung cấp thông tin, số liệu để cho đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán. Mục đích kiểm toán giữa các công ty cũng khác nhau. Đối với phần lớn khách hàng, họ sử dụng dịch vụ kiểm toán với mục đích tích cực, ngoài các sai sót phát hiện, họ còn mong đơn vị kiểm toán đưa ra các ý kiến hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, đánh giá hiệu quả…Chính yêu cầu này sẽ tạo áp lực buộc công ty kiểm toán cải thiện hoạt động để nâng cao chất lượng kiểm toán.
+ Các chính sách kinh tế: chính sách kinh tế có tác động rõ nét đến chất lượng kiểm toán. Nhà nước hiện nay có hàng loạt các biện pháp đảm bảo cho sự phát triển như việc đầu tư nghiên cứu các chuẩn mực kiểm toán, kế toán. Lịch sử phát triển nghề nghiệp kiểm toán cho thấy, không ít các trường hợp sai phạm của kiểm toán
viên và công ty kiểm toán xuất phát từ các khiếm khuyết trong chuẩn mực kế toán, kiểm toán. Đây là những nỗ lực lớn nhằm phát triển hoạt động kiểm toán và đảm bảo chất lượng kiểm toán. Bên cạnh đó là các chính sách khuyến khích công ty kiểm toán quốc tế kết hợp cùng các công ty kiểm toán trong nước thực hiện kiểm toán các khách hàng là doanh nghiệp nhà nước, dự án đã tạo sự trao đổi học hỏi nâng cao kinh nghiệm.
+ Trình độ kinh tế-xã hội: thực tế không thể đánh giá hoặc so sánh chất lượng kiểm toán ở Việt Nam với chất lượng kiểm toán ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp…bởi hệ thống lý luận về kiểm toán, hệ thống quy trình nghiệp vụ kỹ thuật cũng như đội ngũ chuyên gia kiểm toán ở Việt Nam vẫn chưa được đào tạo đầy đủ và cơ bản như các nước. Xu hướng thế giới hội nhập là một trong các yêu cầu cấp thiết hiện nay, do vậy vấn đề nâng cao chất lượng kiểm toán cho phù hợp với xu thế phát triển cần phải được xem xét trong quá trình phát triển chung của nền kinh tế.
+ Giám sát của Hiệp hội Kiểm toán: Khác với các loại hình doanh nghiệp khác, hoạt động của kiểm toán là hoàn toàn độc lập và khách quan. Các công ty này sẽ tiến hành kiểm toán đối với các doanh nghiệp, các khách hàng có nhu cầu để phục vụ cho mục đích của mình. Tuy nhiên, hoạt động của các công ty kiểm toán cũng cần được giam sát, kiểm tra để đảm bảo tính minh bạch, tuân thủ với các quy định hiện hành. Việc giam sát, kiểm tra các công ty kiểm toán là trách nhiệm thuộc về Hiệp hội Kiểm toán. Khi phát hiện các gian lận, sai sót hoặc các Công ty này không hoạt động đúng với chuẩn mực đề ra thì Hiệp hội sẽ xử lý theo quy định. Nếu Hiệp hội thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các công ty kiểm toán độc lập thì chắc chắn các công ty kiểm toán sẽ hoạt động với chất lượng cao.
1.1.3.2 Nhân tố bên trong:
+ Nhân tố con người: Kiểm toán là một quá trình các kiểm toán viên thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán để đưa ra ý kiến kiểm toán. Có thể thấy, lao động của kiểm toán viên (bao gồm cả cấp quản lý) là yếu tố chính, cơ bản nhất tạo nên giá trị của dịch vụ.
+ Nhân tố chuyên môn, kỹ thuật: Muốn ý kiến có chất lượng, kiểm toán viên cần có trình độ chuyên môn phải luôn duy trì tính độc lập, thái độ hoài nghi nghề nghiệp để đưa ra những đánh giá mang tính khách quan. Nhân tố này được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định thông qua một số nghiên cứu và kết luận: kiểm toán viên nào có năng lực chuyên môn tốt, được bố trí đúng lĩnh vực chuyên ngành, được cập nhật thường xuyên kiến thức… thì thường cung cấp chất lượng cao hơn trong việc phát hiện các sai sót (Wooten-2003).
Ngoài ra, để cụ thể hóa các chuẩn mực chuyên môn, các công ty kiểm toán thiết kế riêng cho mình hệ thống các quy trình kỹ thuật, các bước và phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, để dựa vào đó, kiểm toán viên tiến hành thực hiện công việc được giao. Các hệ thống kỹ thuật này được hỗ trợ của các phần mềm máy tính được cái chuyên gia thiết lập áp dụng cho một số các thủ tục kiểm toán như giúp các kiểm toán viên có số liệu phân tích, đánh giá hoặc đưa ra các kết quả lựa chọn phương pháp chọn mẫu, các ứng dụng để khách hàng có thể tương tác với kiểm toán mà không cần trao đổi trực tiếp nhằm hạn chế “mức thân cận” giữa kiểm toán viên và khách hàng…và các ứng dụng khác. Có thể nói nhân tố kỹ thuật như là công nghệ của quá trình kiểm toán.
+ Nhân tố quản lý: Trình độ tổ chức, quản lý là một trong những nhân tố góp phần cho sự thành công của doanh nghiệp. Trong hoạt động kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán quốc tế cũng nêu ra một cách thức để quản trị chất lượng kiểm toán là phải kiểm soát nó. Công ty kiểm toán có cách thức quản trị hiệu quả bằng các quy trình, thủ tục kiểm soát chặt chẽ sẽ bảo đảm cung cấp cho khách hàng một dịch vụ kiểm toán có chất lượng. Ngược lại, khi thiếu một chính sách quản lý phù hợp, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra hoặc thực hiện chính sách kìm hãm sự phát triển của nhân viên… thì chất của cuộc kiểm toán không được đảm bảo.
+ Chính sách đối với nhân viên: bất kể một công ty nào, với loại hình hoạt động ra sao, cũng cần có chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên, khen thưởng, thăng tiến… theo mức độ hoàn thành công việc được giao. Đây chính là động lực cho các nhân viên của công ty làm việc hăng hái, tích cực và đạt hiệu quả cao. Khi nhân viên được thỏa mãn nhu cầu chính đáng của họ, thì họ sẽ luôn làm
việc với thái độ tích cực, mang tính xây dựng, chịu khó nghiên cứu, học hòi, tìm tòi…góp phần nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán.