- Nhiều cơ quan dựa vào các văn bản riêng của ngành để cung cấp thông tin theo trình tự, thủ tục, nội dung cung cấp thông tin của ngành đó mà không dựa trên quy định
3.2.1. Giải pháp hoàn thiện về thể chế
- Cần xây dựng các chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin: LTHADS 2014 đã dành cả Chương
VIII để quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong THADS, đã quy định việc các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp khi CHV yêu cầu, nhưng chế tài thì quy định chung chung, chưa cụ thể. Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, đây là mức xử phạt thấp nên chưa buộc cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc yêu cầu xác minh của CHV. Mức xử phạt hiện nay thuộc quyền ra quyết định xử phạt của Cục trưởng Cục THADS cũng dẫn đến tâm lý “ ngại" áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, cần nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không đầy đủ, kịp thời và cần quy định quyền trực tiếp xử phạt của CHV. Bên cạnh đó, nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng cần phải bị coi là tội phạm và xử lý theo pháp luật hình sự mới đảm bảo tính răn đe đối với người vi phạm.
- Cần phải nhìn nhận quy định việc tự kê khai tài sản, điều kiện THADS giống như trách nhiệm tự nguyện thi hành án là của người phải thi hành án mà không phải là trách nhiệm của CHV. Người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên về tài sản, thu nhập của họ cũng như các thông tin khác có liên quan đến việc thi hành án. Nếu họ không tự nguyện thực hiện cần có chế tài nghiêm khắc để buộc người phải thi hành án tự khai báo thông tin. Cần quy định nếu người phải thi hành án không đến cơ quan THADS để trực tiếp thực hiện hành vi kê khai thì phải chịu trách nhiệm hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn là trách nhiệm hình sự. Quy định hoạt động xác minh điều kiện THADS tương tự như hoạt động thu thập chứng cứ của tòa án, việc cơ quan công an được phép thẩm vấn, lấy lời khai, dẫn giải người phải thi hành án đến cơ
quan THADS để thực hiện nghĩa vụ kê khai cũng là một giải pháp tăng cường tính nghiêm túc trong việc buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của họ.
- Cần xem xét khôi phục lại những quy định của LTHADS 2008 về nghĩa vụ xác minh của người được thi hành án tương tự như nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự, chứ không quy định là quyền của người được thi hành án như hiện nay. Điều này là phù hợp với tính chất của việc thi hành các bản án, quyết định về dân sự là bảo vệ lợi ích tư (lợi ích của người được thi hành án) và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cần có thêm các quy định để hỗ trợ, bảo đảm cho người được thi hành án có thể thực hiện được nghĩa vụ này trên thực tế.
-Hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định về công khai thông tin người phải thi hành án không có điều kiện thi hành tại Cổng thông tin điện tử của ngành THADS và UBND cấp xã. Nếu quy định việc công khai danh sách những người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ buộc người phải thi hành án có thái độ nghiêm túc hơn trong việc thi hành án.
-Bộ Tư pháp cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thường xuyên phối hợp với cơ quan THADS để xây dựng và triển khai thực hiện tốt các quy chế liên ngành về phối hợp THADS nói chung và phối hợp xác minh điều kiện THADS nói riêng.Trên cơ sở điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ quan THADS chủ động lựa chọn những lĩnh vực quan trọng, thường xuyên phối hợp để trao đổi, thống nhất xây dựng thành quy chế thực hiện.
-Hiện nay, LTHADS và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về nội dung xác minh còn đơn giản, đặc biệt là đối với từng loại tài sản thì chưa hướng dẫn rõ phải thu thập thông tin như thế nào. Trên thực tế, CHV căn cứ vào chức năng của cơ quan phối hợp để đưa ra các nội dung cần xác minh, dẫn đến tình trạng thu thập thông tin không đầy đủ, phát sinh các vướng mắc khi lựa chọn phương án giải quyết vụ việc. Chẳng hạn như việc tài sản là đất đai đang nằm trong quy hoạch thì CHV phải thu thập được đầy đủ thông tin: Tài sản đó nằm trong dự án nào, chủ đầu tư, tình trạng triển khai dự án, phần diện tích nằm trong
quy hoạch, mức giá đền bù khi nhà nước thu hồi, đã có thông báo thu hồi đất hay quyết định thu hồi đất chưa? Do đó, cần bổ sung quy định về nội dung xác minh đối với từng loại tài sản một cách rõ ràng, cụ thể làm căn cứ cho việc yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp theo quy định của pháp luật, thông tin thu nhận được là đầy đủ, cần thiết cho việc tổ chức thi hành án.
-Cần sửa đổi quy định về thời hạn cung cấp thông tin theo hướng: Tất cả những trường hợp CHV xác minh trực tiếp thì cơ quan, tổ chức phải cung cấp thông tin ngay, đặc biệt là đối với những thông tin về tài khoản. Đối với trường hợp CHV có văn bản yêu cầu thì thời hạn cung cấp chậm nhất là 3 ngày làm việc để đảm bảo tính kịp thời của việc cung cấp thông tin, hạn chế thấp nhất khả năng tẩu tán tài sản của người phải thi hành án.
- Công tác THADS không phải là nhiệm vụ riêng của ngành THADS, không có sự phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình tổ chức thi hành án thì hoạt động thi hành án không đạt hiệu quả. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật THADS cũng cần bổ sung quy địnhcủa Luật chuyên ngành như: Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Luật đất đai, Luật doanh nghiệp…về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan THADS để huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội vào hoạt động THADS. Cần quy định việc CHV yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện THADS không thuộc phạm vi phải trả phí dịch vụ cung cấp thông tin. Cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát nguồn thu nhập, tài sản của người phải thi hành án thông qua việc đăng ký, kê khai tài sản và các thông tin về tài sản đăng ký kê khai phải được quản lý ở một cơ quan thống nhất, thuận lợi cho việc tra cứu, cung cấp, không tản mát như hiện nay.