Thi hành án hình sự là một hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước nhằm đưa các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án ra thi hành trên thực tế. Vì vậy, trước khi Luật Thi hành án hình sự 2010 có hiệu lực thì các hoạt động về thi hành án hình sự nói chung cũng như thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo nói riêng vẫn được lồng ghép quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và một số văn bản dưới luật như trong Nghị định, Thông tư…
Thực tế, trước khi Luật Thi hành án hình sự 2010 có hiệu lực thi hành, có nhiều bản án, quyết định hình sự có hiệu lực pháp luật vẫn chưa được thi hành bởi nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân xuất phát từ phía người chấp hành án, có nguyên nhân xuất phát từ phía các cơ quan thi hành pháp luật và cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ các quy định của pháp luật đã làm cho hiệu lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án hình sự bị giảm sút.
Tại thời điểm Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì án treo được quy định tại Điều 60 như sau:
“1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
Trong quy định trên, người chấp hành án treo sẽ được giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào người bị
kết án cũng có mặt tại nơi thường trú để chấp hành án. Có nhiều trường hợp tuy đã đăng ký thường trú ở một địa phương nhưng người đó lại không sinh sống thường xuyên, ổn định, không cư trú tại một chỗ nhất định ở địa phương đó.
Ngoài ra, để thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các điều 227, 234, 237 và 238 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2000 quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo. Nghị định này gồm bốn chương và 15 điều. Tuy Nghị định đã hướng dẫn cụ thể công tác thi hành án treo nhưng nội dung còn chưa đầy đủ, nhiều điểm chưa rõ khiến cho công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn. Do là hoạt động hành chính - tư pháp nên thi hành án treo có nhiều chủ thể cùng tham gia, có trình tự, thủ tục thi hành án tương đối phức tạp, chủ thể thi hành án treo có quyền hạn, trách nhiệm khác nhau, song đều có chung mục đích là cảm hóa, giám sát, giáo dục và giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người được hưởng án treo cải tạo tốt trong môi trường sống bình thường tại nơi cư trú, lao động, học tập.