Sơ lược lịch sử các quy định về thi hành án treo trong pháp luật Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi hành án treo từ thực tiễn tỉnh tây ninh (Trang 27 - 31)

dân cơ bản của người chấp hành án, đảm bảo tính khả thi của các quy định trên thực tiễn.

1.2. Quy định của pháp luật về thi hành án treo

1.2.1. Sơ lược lịch sử các quy định về thi hành án treo trong pháp luật Việt Nam Nam

Khi nghiên cứu về thi hành án treo thì việc nghiên cứu một cách khoa học, có hệ thống về sự hình thành và phát triển của các quy định pháp luật Việt Nam về thi hành án treo là rất cần thiết. Việc nghiên cứu này sẽ là cơ sở để đối chiếu và đánh giá với pháp luật hiện hành, đảm bảo nhận thức vấn đề nghiên cứu một cách khoa học và mang tính kế thừa.

Án treo được quy định lần đầu tiên tại Điều IV, Sắc lệnh số 33C của Chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành ngày 13/9/1945 [3]. Sau đó ngày 14/2/1946 Sắc lệnh số 21/SL về tổ chức Toà án quân sự của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được ban hành để thay thế Sắc lệnh số 33C. Trong đó có một số thay đổi về nội dung và câu chữ, xác định rõ bản án treo không có nghĩa là được miễn thi hành mà chỉ là tạm đình chỉ thi hành. Ngoài ra các nội dung của hai Sắc lệnh này là tương đối giống nhau. Theo Điều 10 Sắc lệnh số 21 thì án treo được

xem là một biện pháp tạm đình chỉ việc thi hành án: Khi phạt tù, Tòa án có thể cho tội

nhân được hưởng án treo nếu có những lý do đáng khoan hồng. Bản án xử treo sẽ tạm đình chỉ việc thi hành án. Nếu trong năm năm bắt đầu từ ngày tuyên án, tội nhân không bị tòa án làm tội một lần nữa về một tội mới thì bản án đã tuyên sẽ bị hủy đi, coi như không có. Nếu trong năm năm ấy, tội nhân lại bị kết án một lần nữa trước một Tòa án thì bản án treo sẽ đem ra thi hành [4]. Như vậy, án treo là một biện pháp tạm đình

chấp hành án có điều kiện, áp dụng chủ yếu đối với những người phạm tội nhẹ, bản chất không nguy hiểm, xét không cần thiết phải bắt thi hành ngay án phạt tù, do Tòa án có thẩm quyền áp dụng thể hiện tư tưởng khoan hồng đối với người phạm tội, thời gian thử thách là năm năm. Vì là biện pháp tạm đình chỉ việc thi hành án phạt tù có điều kiện nên các văn bản pháp luật trong giai đoạn này không đặt ra vấn đề thi hành đối với án treo, cũng như không đặt ra yêu cầu giám sát, giáo dục người chấp hành án treo. Tuy nhiên, với nội hàm của án treo thì quy định này đưa ra cảnh báo tội nhân nếu tiếp tục phạm tội trong thời gian thử thách, thì tùy trường hợp, sẽ buộc phải chấp hành án cũ trong mức độ cần thiết. Ngược lại, nếu trong thời gian thử thách, họ không phạm tội gì mới, án trước sẽ được xóa bỏ.

Tiếp theo tại Điều 12 của Sắc lệnh số 267/SL ngày 15/6/1956 thì chế định án treo được bổ sung thêm nội dung là: đối với những kẻ phạm tội bị phạt không quá hai

năm tù trong một số trường hợp rất đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định, Tòa án có thể châm chước cho hưởng án treo [5]. Tuy vậy Sắc lệnh này chỉ bổ sung căn cứ cho hưởng án treo để Tòa án áp dụng chứ chưa quy định về việc thi hành án treo.

Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời, án treo luôn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự. Các Pháp lệnh về trừng trị các tội phản cách mạng, Pháp lệnh trừng trì các tội xâm phạm tại sản riêng của công dân, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Sắc luật 003/SL của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam v.v… đều có quy định về chế định án treo. Quan niệm án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện

được coi là một quan niệm thống nhất trong các văn bản pháp luật và trong nhận thức chung của mọi người. Quy định về án treo tại Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985 là quy định được pháp điển hóa đầu tiên của Pháp luật hình sự Việt Nam. Mặc dù Bộ luật hình sự có những thay đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng chế định án treo vẫn được quy định như là một chế định truyền thống, không thể thiếu của pháp luật hình sự Việt Nam, vấn đề áp dụng án treo luôn là vấn đề được quan tâm tương đối đặc biệt trong suốt quá trình ra đời, phát triển.

Tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 việc thi hành án treo đã được điều chỉnh cụ thể trong luật, cụ thể: Về thẩm quyền ra quyết định thi hành án treo được quy định tại Điều 226 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988. Về chủ thể có thẩm quyền tổ chức thi hành và thi hành án treo được quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 theo đó chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc cải tạo của người được hưởng án treo [21]. Như vậy có thể thấy quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 về thi hành án treo vẫn rất hạn chế. Những vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục thi hành án treo, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án treo và các chế định khác chưa được điều chỉnh trong luật.

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thi hành án treo ngày 30/10/2000 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2000/NĐ – CP quy định về thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo [6]. Trong Nghị định này các vấn đề liên quan đến thi hành án treo đã được hướng dẫn, quy định khá chi tiết và đầy đủ, nội dung của Nghị định bao gồm các quy định chung, quy định về quyền và nghĩa vụ của người được hưởng án treo, trách nhiệm và quyền của cơ quan, tổ chức và gia đình trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành án treo. Sau khi nhận được bản án, quyết định thi hành án của Tòa án thì các cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người bị kết án phải tổ chức thi hành án, các chủ thể này phải ra quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người bị kết án. Người trực tiếp giám sát, giáo dục phải chủ động gặp gỡ, động viên

người kết án chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, ba tháng một lần báo cáo với thủ trưởng cơ quan tổ chức giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành án, báo cáo cơ quan tổ chức giám sát, giáo dục khi người bị kết án có đủ điều kiện được xét giảm thời gian thử thách. Các cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để người bị kết án cải tạo, giáo dục tốt, lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho người bị kết án.

Tiếp đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 vẫn tiếp tục kế thừa các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 về thi hành án treo. Đồng thời, Nghị định 61/2000 của Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh về hoạt động thi hành án treo trong giai đoạn này.

Năm 2010 Luật Thi hành án hình sự ra đời đã quy định điều chỉnh tương đối hoàn thiện về thi hành án treo, tạo cơ sở pháp lý cho việc thi hành loại án này trên thực tế, đảm bảo hiệu quả của hoạt động thi hành án, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Luật Thi hành án hình sự năm 2010 bao gồm 15 chương, 182 điều đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2011. Luật Thi hành án hình sự được ban hành đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực thi hành án hình sự, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, góp phần đảm bảo quyền công dân. Sau khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện và hướng dẫn của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã trong cả nước đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định. Uỷ ban nhân dân cấp xã đã thực hiện cơ bản đúng những nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án treo.

Cho đến nay, năm 2019 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Thi hành án hình sự năm 2019 vào kỳ họp thứ 7 ngày 14 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Theo đó, Luật Thi hành án hình sự 2019 kế thừa và bổ sung thêm quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác thi hành án hình sự nói chung và thi hành án treo nói riêng.

Như vậy, theo dòng lịch sử lập pháp Việt Nam, các quy định của pháp luật về thi hành án treo có một số thay đổi và ngày càng hoàn thiện. Từ chỗ ghi nhận án treo là biện pháp tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện nên không điều chỉnh về thủ tục thi hành đến việc quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án cũng như các vấn đề pháp lý khác phát sinh trong hoạt động thi hành án treo nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án treo trên thực tiễn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi hành án treo từ thực tiễn tỉnh tây ninh (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)