tỉnh Đồng Nai
Việc tổ chức thực hiện thu hồi đất được huyện Nhơn Trạch và xã Đại Phước thực hiện các nội dung: thực hiện kế hoạch thu hồi đất (bao gồm cả kế hoạch về tài chính) theo yêu cầu; tổ chức huy động các nguồn lực, thực hiện thu hồi đất; công tác tuyên truyền…
Trong thời gian qua, xã đã phối hợp với thực hiện các bước từ công tác giới thiệu địa điểm đến công tác thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, cụ thể như sau:
(i) Đối với công tác quy hoạch, xã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của cán bộ xã, ấp và ý kiến đại diện một số hộ dân trên địa bàn xã. Sau khi đã quy hoạch những khu đất, xã phối hợp giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư.
(ii) Nhà đầu tư báo cáo tổng thể những dự định thực hiện dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tỷ lệ 1/500 và báo cáo đánh giá tác động môi trường khi dự án triển khai.
(iii) Khi có Quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã phối hợp mời các hộ dân có đất trong dự án trao Quyết định thu hồi đất của UBND huyện.
(iv) Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thông báo các hạng mục đề bù về giá đất, các kiến trúc, cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân có đất trong dự án.
(v) Xã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tiến hành công tác kiểm kê, kiểm đếm hiện trạng.
Sau đó Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tổng số tiền phải đền bù cho các hộ dân.
(vi) Hội đồng xét tái định cư xã căn cứ các quy định tiến hành họp xét định cư cho các trường hợp theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau đó cấp huyện sẽ xét lại và có văn bản công khai từng trường hợp cụ thể.
(vii) Phối hợp mời các hộ dân nhận tiền đền bù.
Đối với những dự án có một vài hộ dân không đồng tình, thì xã sẽ vận động để tuyên truyền và giải thích cho hộ dân hiểu.
Trên địa bàn xã trong thời gian qua đã có trường hợp phải tổ chức cưỡng chế, cụ thể là cưỡng chế tại dự án do công ty DIC làm chủ đầu tư. Ủy ban nhân dân huyện ra Quyết định cưỡng chế, thành lập đoàn vận động di dời trước khi cưỡng chế, nếu không di dời thì tiến hành cưỡng chế.
2.2.3.1. Thực hiện kế hoạch thu hồi đất
Căn cứ quy định tại Điều 39 và Điều 67 Luật Đất đai năm 2013 quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm trong thời gian chậm nhất là chín mươi ngày đối với đất nông nghiệp và một trăm tám mươi ngày đối với đất phi nông nghiệp trước khi thu hồi đất.
Việc định ra thời hạn cụ thể trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng đất có thời gian để sắp xếp lại sinh kế bị đảo lộn do nguồn tư liệu sản xuất bị thay đổi. Đồng thời về phía nhà nước tiến hành các bước theo quy định pháp luật để thực hiện các nội dung có liên quan đến việc thu hồi đất, trong đó có đất. Về quy định kiểm đếm để lập Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc đưa quy định kiểm đếm bắt buộc và quy trình cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc chính là điểm mới trong Luật Đất đai năm 2013. Trong khi đó, nội dung này chưa được nêu trong Luật Đất đai năm 2003, mà chỉ được đề cập đến trong Điểm a Khoản 1 Điều 56 Nghị định 84/2007/NĐ-CP, nhưng chỉ mang tính liệt kê, chưa đi sâu vào mô tả công việc:
“Trong thời hạn không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Như vậy, việc bổ sung nội dung điều tra, khảo sát, đo đạc kiểm đếm là phù hợp, cần thiết, nhằm thống nhất xác lập số liệu về tài sản trên đất giữa người sử dụng đất và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có cơ sở lập Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chính thức. Đồng thời khắc phục tình trạng một số trường hợp đã xảy ra: người dân có đất bị thu hồi không hợp tác tham gia với Nhà nước trong việc xây dựng Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong trường hợp này, Nhà nước có cơ sở để cưỡng chế buộc các đối tượng có liên quan chấp hành theo quy định pháp luật. Theo Khoản 1 Điều 69 Luật đất đai năm 2013 thì điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm là những công đoạn được thực hiện riêng lẻ trước khi lập Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Tuy nhiên, pháp luật lại tiếp tục quy định, tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế mà không nêu cơ chế giải quyết sau khi tiếp nhận các nội dung đối thoại của người có liên quan. Do vậy, sẽ khó có kết quả tích cực hữu ích trong việc tiến hành hoạt động vận động nói trên. Bên cạnh đó, thời gian tối đa thực hiện việc vận động, thuyết phục, đối thoại vẫn chưa được quy định cụ thể. Đây là hạn chế, khó khăn đối với cơ quan hữu quan trong quá trình áp dụng pháp luật.
Về cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế. Như vậy, thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế là thẩm quyền cá nhân được trao quyền, không phụ thuộc vào cấp có thẩm quyền thu hồi đất. Đây là điểm mới của Điều 71 Luật Đất đai năm 2013 so với Khoản 3 Điều 39 Luật Đất đai năm 2003 quy định, thẩm quyền này thuộc về Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Về trình tự, thủ tục thi hành quyết định cưỡng chế được quy định tại Khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013.
Thực hiện kế hoạch thu hồi đất trên địa bàn xã, Ủy ban nhân dân xã căn cứ kế hoạch của huyện về thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp.
2.2.3.2. Tổ chức huy động các nguồn lực thực hiện thu hồi đất
Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 quy định thẩm quyền thu hồi đats như sau: - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
+ Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn. - Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
+ Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.
Đối với xã thì phối hợp cùng với huyện tham gia thực hiện tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình của hộ dân để báo cáo cho huyện nhằm có biện pháp kịp thời. Xây dựng kế hoạch phối hợp với huyện, phân công cán bộ tham gia cùng đoàn huyện theo kế hoạch.
2.1.3.3. Công tác tuyên truyền
Khi có chủ trương quy hoạch đất đai để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định công tác tuyên truyền rất quan trọng để cho người dân hiểu và cùng tham gia thực hiện. xã đã tổ chức được nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp cho người dân có đất trong dự án, thường xuyên nắm bắt tâm
tư, nguyện vọng của nhân dân, qua đó kịp thời đề xuất với các cơ quan cấp trên đề ra các biện pháp giải quyết khi có ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
Qua công tác tuyên truyền, đa số người dân đều thống nhất, đồng thuận với chủ trương thực hiện các dự án. Tuy nhiên do các dự án được quy hoạch chậm triển khai, có dự án thì quy hoạch hơn 10 năm vẫn không tiến hành các bước đền bù, giải tỏa… Mặt khác, do xã có vị trí gần thành phố Hồ Chí Minh nên giá đất ngày càng tăng cao. Do đó, khi các dự án bắt đầu triển khai quy trình thu hồi đất thì người dân có đất trong dự án không đồng ý với giá mà nhà nước đưa ra. Từ đó, người dân phản ánh, khiếu nại đến các cơ quan cấp trên về giá đất và yêu cầu nhà đầu tư phải thỏa thuận giá đất với người dân.
2.2.4. Kiểm tra, giám sát và giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến quá trình thu hồi đất
- Công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật thu hồi đất trên địa bàn xã:
Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, quản lý quy hoạch thực hiện dự án, thu hồi đất tại địa phương chưa được tăng cường mạnh mẽ. Việc xử lý vi phạm còn chậm, kéo dài; kết quả xử lý còn khiêm tốn so với số lượng các vi phạm đã phát hiện; tính răn đe, ngăn chặn của công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao.
Các cơ quan thanh tra, Hội đồng nhân dân huyện, xã, Mặt trận Tổ quốc huyện, xã giám sát. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cơ quan quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp và người sử dụng đất.
Đối với quá trình thu hồi đất, quá trình kiểm tra, giám sát được thực hiện hàng năm với các nội dung như: kiểm tra vi phạm mục đích sử dụng đất, chậm giải phóng mặt bằng, không đưa đất vào sử dụng trong vòng 12 tháng, chậm tiến độ thực hiện dự án so với dự án đầu tư được phê duyệt… Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng đất được thu hồi còn được người dân (đại diện là Ban Thanh tra nhân dân) và
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã tham gia vào hệ thống theo dõi và giám sát. Có những nội dung triển khai theo định kì, có nội dung được kiểm tra đột xuất.
Trên địa bàn xã, vẫn còn tình trạng dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, và đã trở thành nỗi day dứt của chính quyền và gây bức xúc cho người dân. Có những dự án bị kéo dài thời gian thực hiện nhiều năm, thậm chí có dự án kéo dài đến tận 15 năm, dẫn đến tình trạng đất để hoang hóa, trong khi người dân không có đất sản xuất, đời sống khó khăn.
- Công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến quá trình thu hồi đất trên địa bàn xã:
Trong những năm qua chính quyền địa phương đã nhận được 265 đơn khiếu nại (trong đó có 1 đơn khiếu nại tập thể có 68 người ký tên), nội dung chủ yếu của các đơn khiếu nại tập trung vào một số vấn đề vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như nguồn gốc đất của các tổ chức, hộ dân chưa rõ ràng; ý kiến về giá đất nông nghiệp bồi thường quá thấp; sau đó là ý kiến về cách tính giá trị bồi thường theo chính sách mới; vấn đề về đảm bảo sinh kế cho người bị thu hồi đất, phát sinh nhiều chi phí. Ngoài ra, còn có các ý kiến về các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn thiếu công khai, minh bạch, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa kịp thời và chặt chẽ.