Công tác quản lý thu nộp thuế và quản lý nợ thuế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUẢN lý NHÀ nước về THU THUẾ TRONG các DOANH NGHIỆP vừa và NHỎ TRÊN địa bàn HUYỆN NHƠN TRẠCH (Trang 77 - 80)

3.2.4.1. Công tác quản lý thu nộp thuế

Để động viên kịp thời nguồn thu cho ngân sách, khắc phục tình trạng nợ đọng thuế, cần tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với ngân hàng, kho bạc đôn đốc các doanh nghiệp nộp thuế kịp thời, các doanh nghiệp nào có tài khoản tại ngân hàng, kho bạc thì yêu cầu ngân hàng, kho bạc trích nộp ngay tại tài khoản của doanh nghiệp. Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời những doanh nghiệp nợ đọng kéo dài. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và đôn đốc thu nộp.

Hàng tháng hoặc hàng quý, Chi cục thuế nên tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các cán bộ quản lý thu ở từng cơ sở. Coi đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ.

Chi cục thuế huyện Nhơn Trạch thực hiện chuyển sang làm công tác khác hoặc không xét thi đua, khen thưởng những cán bộ quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến để các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài.

Thực hiện hai biện pháp trên tức là gắn quyền lợi chính trị và kinh tế của cán bộ (người chịu trách nhiệm đôn đốc thu nộp) với việc thực hiện nhiệm vụ của họ. Do vậy, tăng cường ý thức trách nhiệm với công việc của cán bộ. Đây là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của công tác đôn đốc thu nộp.

Tăng cường phối hợp với các ngân hàng để thực hiện lệnh thu trên tài khoản khi cần thiết. Cụ thể là cử cán bộ thường xuyên làm việc với các ngân hàng để nắm bắt số liệu và đề nghị ngân hàng trích nộp thuế theo quy định của luật.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tổ chức các đợt truy thu thuế và xử lý phạt các công ty nợ đọng kéo dài, chây ỳ trong nộp thuế.

3.2.4.2. Công tác quản lý nợ thuế

Với cơ chế thành lập doanh nghiệp thông thoáng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng vấn đề này để thành lập doanh nghiệp rồi chây ỳ, nợ đọng thuế, gây khó khăn trong công tác quản lý thu thuế và thất thu ngân sách Nhà nước. Để kiểm soát và hạn chế được nợ đọng thuế, Chi cục thuế huyện Nhơn Trạch cần phải áp dụng những biện pháp sau:

Thứ nhất, cần xác định chính xác nhân thân, nơi cư trú theo hộ khẩu và chứng minh nhân dân của người đứng đầu doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm xác minh nhân thân thông qua việc cấp phiếu lý lịch tư pháp xác định tình trạng tiền án, tiền sự. Bởi vì nhiều trường hợp người đứng đầu doanh nghiệp không đủ điều kiện theo quy định như về trình độ, năng lực, hành vi dân sự, bị cấm kinh doanh, có tiền án, tiền sự về tội trốn thuế, buôn lậu hoặc chủ doanh nghiệp sau khi vi phạm lẩn trốn một thời gian lại tiếp tục đứng ra xin thành lập doanh nghiệp với tên mới.

Thứ hai, là cần có các biện pháp tích cực, kiên quyết để cưỡng chế và truy thu thuế như phong toả tài khoản, kê biên tài sản bán đấu giá để truy thu nợ thuế. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xử lý hình sự theo quy định của Luật Quản lý Thuế. Có như vậy mới có tác dụng răn đe, ngăn chặn được các trường hợp vi phạm về sau.

Thứ ba, giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng cán bộ trực tiếp quản lý nợ, coi đây là tiêu chí để đánh giá, bình xét hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân. Đồng thời có chính sách động viên kịp thời cho những cán bộ thực hiện tốt.

Thứ tư, phát lệnh thu qua hoàn thuế. Các doanh nghiệp có nợ đọng nhưng được hoàn thuế thì cần phải phát lệnh thu số tiền thuế còn nợ đọng nhằm đảm bảo thu hồi nợ ngay.

Thứ năm, cần tăng cường công tác phân loại nợ thuế để có biện pháp xử lý số thuế nợ đọng. Đối với những khoản nợ do những doanh nghiệp đã giải thể, mất tích cần lập hồ sơ trình Bộ Tài chính làm thủ tục xoá nợ thuế, đối với những khoản nợ có khả năng thu cần áp dụng các biện pháp mạnh như phát lệnh thu qua ngân hàng để trích tiền từ tài khoản nhằm đảm bảo thu đủ tiền thuế.

3.2.4.3. Giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về thuế

Theo xu hướng cải cách thuế quốc tế là người nộp thuế Tự tính - Tự khai - Tự nộp thuế vào NSNN, cơ quan thuế thực hiện chức năng kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao tinh thần tuân thủ, tự giác chấp hành các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra..., áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu quản lý thuế. Bởi vậy công tác kiểm tra thuế trong điều kiện hiện nay với quy mô toàn ngành thuế, cả nước nói chung và Chi cục thuế Nhơn Trạch nói riêng phải đặt ở tầm cao hơn, chuyên sâu hơn, phạm vi điều chỉnh rộng hơn và hiệu quả hơn. Mục tiêu lớn nhất của công tác kiểm tra thuế là nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng thất thu cho NSNN. Trong đó việc thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế là hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, Chi cục thuế Nhơn Trạch cần tiến hành các bước sau đây:

- Tăng cường nhân sự có trình độ cho bộ phận kiểm tra thuế, trong đó có thuế TNDN. Hiện tại với tổng số nhân sự tại Chi cục thuế Nhơn Trạch cần khoảng 23-25 cán bộ trực tiếp quản lý thu thuế TNDN.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn bất hợp pháp để có sớm phát hiện hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp kê khai chi phi nhằm trốn thuế TNDN

- Xác minh thông tin từ chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản để yêu cầu doanh nghiệp kê khai kịp thời, tránh tình trạng chậm kê khai thuế TNDN.

- Sử dụng các chỉ tiêu đánh giá rủi ro để phân tích, đề xuất kiểm tra các doanh nghiệp trong đó tập trung vào các ngành nghề kinh doanh mà người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn như: vận tải hành khách, nhà hàng, khách sản, buôn bán hàng tiêu dùng...

- Xác đinh đúng đối tượng và hành vi vi phạm. Nếu hành vi trốn thuế yêu cầu xử lý nghiêm để tạo tính răn đe, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra phối hợp làm rõ. Nếu hành vi vi phạm do sai sót, nhầm lẫn thì hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục hậu quả, điều chình hồ sơ, bổ sung kỹ năng để phục vụ công tác thuế các năm sau được tốt hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUẢN lý NHÀ nước về THU THUẾ TRONG các DOANH NGHIỆP vừa và NHỎ TRÊN địa bàn HUYỆN NHƠN TRẠCH (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)