Thứ nhất, hoàn thiện khung khổ pháp luật kinh tế
Kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật có liên quan giao quyền điều tra khởi tố các vụ vi phạm về thuế cho cơ quan thuế (Ở nhiều nước như Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Srilanca, Hongkong, Brazil, Peru, Kenia..., cơ quan thuế được giao quyền điều tra, khởi tố các vụ vi phạm về thuế).
Lực lượng cán bộ thuế khá lớn, phân bổ ở khắp các khắp các địa bàn trong cả nước; thanh tra thuế có tính chuyên môn cao, nắm vững các chính sách thuế, các thủ tục hành chính thuế, có trình độ kế toán và phân tích tài chính doanh nghiệp. Vì vậy việc giao quyền điều tra khởi tố cho cơ quan thuế sẽ vừa tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc thực thi pháp luật thuế, vừa tạo điều kiện để các vụ điều tra khởi tố về thuế được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi.
Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng luật, ban hành và thực thi pháp luật, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng và tổ chức thi hành luật một cách nghiêm minh.
Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thuế đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, minh bạch, công bằng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Xây dựng một số luật mới như: Luật áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp trên cơ sở thống nhất Luật Doanh nghiệp Nhà nước và Luật Doanh nghiệp hiện hành; Luật Đầu tư trên cơ sở thống nhất Luật Đầu tư nước ngoài và Luật khuyến khích đầu tư trong nước; Luật Cạnh tranh và Kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, v.v...
Giao chức năng cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho cơ quan thuế địa phương (cấp Chi cục thuế) cấp đồng thời với việc cấp đăng ký thuế, mã số thuế, để giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cho các DN. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế trong trong công tác quản lý thuế.
Nhằm thực hiện Luật thuế GTGT một cách có hiệu quả, bên cạnh việc đổi mới cơ chế chính sách, đổi mới công tác quản lý hành thu thì cần thiết phải tiến hành đồng bộ cải cách các lĩnh vực hành chính – kinh tế có liên quan sau:
- Cần sớm sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tăng mức hình phạt đối với tội danh trốn thuế hoặc giả mạo chứng từ để chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước, bổ sung một số chế tài xử lý hình sự còn thiếu đối với các tội danh mới phát sinh, nhất là tội mua bán hóa đơn, in hóa đơn giả.
- Vấn đề có tính quyết định nhất là phải có cuộc cải cách lớn về cơ chế quản lý tiền tệ.
Hiện nay, mặc dù Chính phủ đã quy định việc thanh toán giữa các doanh nghiệp từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn được các doanh nghiệp sử dụng rất phổ biến. Thói quen này đã dẫn đến hoạt động quản lý Nhà nước về tiền tệ gặp khó khăn. Đồng thời Nhà nước rất khó kiểm soát các quan hệ mua bán hàng hóa diễn ra trên thị trường. Chính sự bất cập này đã dẫn đến các đối tượng nộp thuế càng có điều kiện để trốn thuế nhất là hoạt động bán hàng hóa cho người tiêu dùng vì đây là khâu cuối cùng trong quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp.
Khi các quan hệ mua bán hàng hóa buộc phải thanh toán qua ngân hàng, Nhà nước sẽ dễ kiểm soát được thu nhập của các tổ chức, cá nhân cũng như tạo điều kiện cho cơ quan thuế quản lý tốt đối tượng nộp thuế. Chính vì những lý do trên đây mà pháp luật nên quy định thống nhất các quan hệ mua bán hàng hóa phải thanh toán thông qua ngân hàng. Để thực hiện được điều này, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan như ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế. Cụ thể, ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải quy định rõ những quan hệ mua bán nào buộc phải thanh toán qua ngân hàng, Cơ quan thuế thì phải quản lý mã số thuế của đối tượng nộp thuế tương ứng với số tài khoản của cá nhân và tổ chức tại ngân hàng. Từ đó, cơ quan thuế dễ dàng trong việc thực hiện quản lý các giao dịch phát sinh có thể kiểm soát được việc kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp.