Phân tích kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng thể chế pháp luật tăng trưởng xanh của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xanh thịnh vượng của quốc gia, một trong những đòi hỏi then chốt là phải có một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hoàn chỉnh, kịp thời, cập nhật, nhạy bén với xu thế và phù hợp với các quy luật kinh tế thị trường, kiến tạo một môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, lành mạnh.
Cơ sở pháp lý cho phát triển kinh tế xanh phải được xây dựng và hoàn thiện trên nguyên tắc:
(i) Tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc thị trường một cách nghiêm ngặt và thống nhất, giảm thiểu việc can thiệp, áp đặt hành chính lên thị trường;
(ii) Tôn trọng quyền tự do và nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh nhằm khuyến khích sự tham gia kinh doanh của tất cả các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân;
(iii) Quy định rõ ràng về chếđộ sở hữu, cho phép tiếp cận công khai và bình đẳng các nguồn lực cơ bản như nguồn lực về đất đai, về tín dụng, cơ hội đầu tư, thông tin, nguồn nhân lực và hướng tới sự phân bổ nguồn lực hợp lý, hiệu quả và bền vững;
(iv) Thiết lập hệ thống tư pháp độc lập, cơ chế giải quyết khiếu kiện, tranh chấp hiệu quả quy định chặt chẽ về giám sát thực thi pháp luật cũng như các chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu bền của luật pháp, tránh sự thay đổi thường xuyên.
Đối với nhiều quốc gia, việc xây dựng khung khổ pháp lý và các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế xanh thường đem lại lợi ích chung cho toàn bộ nền kinh tế, nhưng cũng có thể khiến một số nhóm lợi ích bị ảnh hưởng, có thể cản trở lại những đạo luật, chính sách, kế hoạch đã được ban hành. Đôi khi, một số quốc gia còn có sự nhầm lẫn và đùn đẩy trong việc phân công trách nhiệm giữa các bộ ngành trong phát triển kinh tế xanh, trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, huy động nguồn lực, phân công trách nhiệm giữa nhà nước, tư nhân và dân chúng v.v…Điều này là không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển kinh tế xanh ở nhiều nước đang phát triển.
Cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các văn bản pháp luật về tài chính, thuế và phí, môi trường, sử dụng năng lượng, khoa học - công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực v.v… liên quan đến phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững. Từ đó, chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung tránh dàn trải, lãng phí, chồng chéo giữa các chính sách. Tính đến nay, Việt Nam đã có trên 33 luật và hơn 22 pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004; Luật Đất đai sửa đổi 2013, Luật Thủy sản 2003, Luật Tài nguyên nước sửa đổi 2012, Luật Khoáng sản
2010 v.v.... Tuy nhiên, đối với chính sách phát triển “kinh tế xanh”, Việt Nam chưa có một văn bản chính thức nào, nhưng nội hàm của nó liên quan đến kinh tế xanh như “kinh tế carbon thấp”, “Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”, “tăng trưởng xanh”, “công nghệ xanh”, “việc làm xanh”... đã triển khai và đang trong quá trình hoàn thiện.
Để có thể phát triển một nền kinh tế xanh, Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu. Tuy nhiên, phát triển xanh theo hướng bền vững, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là thiếu hụt vốn, công nghệ và nguồn lực. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu, hình thành môi trường pháp lý, có những cơ chế chính sách thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển đúng hướng xanh. Trước mắt, cần tiến hành nghiên cứu, xem xét đưa vào Chương trình xây dựng dự án Luật về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững và dự án Luật quy hoạch. Khẩn trương nội luật hóa việc thực hiện 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu trong văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình Nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững” của Liên Hợp quốc.