Năng lực trồng cà phê của Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích sự tham gia của các chủ thể việt nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với mặt hàng cà phê (Trang 30 - 34)

Ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nông nghiệp vẫn là ngành chính đóng góp GDP cho của cả nước. Trong nhóm ngành này, cà phê hiện đang là mặt hàng nông sản xương sống cho doanh thu cả ngành. Cà phê Việt Nam được phân bố rộng rãi từ Bắc vào Nam.

Trước kia, Việt Nam trồng cả 3 loại là cà phê chè (Arabica), cà phê vối (Robusta) và cà phê mít (Excolsa). Hiện nay, cà phê mít bị loại bỏ dần vì đem lại giá trị kinh tế thấp, còn lại cà phê chè và cà phê vối được trồng ở các vùng khác nhau do yêu cầu và điều kiện sinh thái khác nhau. Sự phân chia này là phù hợp với phân vùng lãnh thổ của Việt Nam do đất miền Bắc là đất không bazan phù hợp với cà phê chè, đất miền Nam là đất đỏ Latosol phát triển trên đá bazan nên phù hợp với cà phê vối. Hơn 90% diện tích cà phê của Việt Nam là cà phê vối (Robusta) và 10% còn lại là cà phê chè (Arabica). Trong đó, cà phê Robusta được trồng chủ yếu ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cà phê Arabica phân bố chủ yếu ở một số tỉnh Tây bắc, Đông bắc và Bắc Trung bộ và một phần ở Đông Nam bộ.

Hàng năm, mùa vụ thu hoạch cà phê ở Việt Nam sẽ bắt đầu vào tháng 10 và kéo dài khoảng 4 tháng phụ thuộc thời tiết và khu vực khác nhau. Do mùa thu hoạch cũng chính là mùa mưa ở Tây Nguyên nên có nhiều bất lợi trong việc phơi sấy và bảo quản. Hầu hết nông dân đều thu hoạch cà phê theo phương thức hái theo kiểu “tuốt cành”, là hái quả chín lẫn quả xanh. Phương thức thu hoạch này gần nh- trở thành một thói quen và kéo dài hàng chục năm nay nhưng chưa khắc phục được. Nguyên nhân xảy ra tình trạng như vậy là do ngoài sợ mất trộm, còn có lý do khác đó là thu hoạch nhiều lần sẽ làm tăng chi phí trong khi đó nhân công lao động vào chính vụ lại ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, thời gian gần

đây việc mua bán sản phẩm cà phê mang tính thoả thuận giữa người mua và người bán, chứ không theo một tiêu chuẩn nào nên chưa tạo ra sức ép thúc đẩy nông dân đổi mới phương pháp thu hoạch.

Mặc dù diện tích và sản lượng cà phê tương đối lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập khẩu cà phê từ nước ngoài để phục vụ cho các chuỗi của hàng cà phê từ các thương hiệu nước ngoài như Starbucks, McCafé, Dunkin Donuts, PJ's Coffee và một số hãng cà phê Hàn Quốc đang mở rộng thị trường của tại các thành phố lớn tại Việt Nam. Đối với thị trường nội địa, thị phần được chia đều giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2017, Nestlé Vietnam là doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu bán lẻ cao nhất với tỷ lệ 33,8%, tiếp theo là Vinacafe Biên Hòa và Tập đoàn Trung Nguyên. Điều này phản ánh đúng về lợi thế cạnh tranh trên thị trường cà phê Việt Nam khi Nestlé Vietnam là doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt và nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong khi các công ty Việt Nam như Vinacafe Biên Hòa và Trung Nguyên am hiểu rõ hơn về nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng địa phương.

Biểu đồ 0.1: Tỷ lệ % theo doanh thu bán lẻ của các doanh nghiệp cà phê năm 2017

Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tình hình các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cà phê, 2018

24.10%

33.80% 24%

18.10%

Các doanh nghiệp khác Nestle Việt Nam Vinacafe Biên Hòa

Tập đoàn Trung Nguyên

Hình thức kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê với doanh thu hàng năm tăng khoảng 32% (theo đánh giá của VICOFA) là loại hình phát triển nhanh nhất. Nguyên nhân của sự tăng trưởng cao này xuất phát từ việc mở rộng của các nhãn hiện cà phê hiện có và sự xâm nhập của các nhãn hiệu mới. Sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi cửa hàng cho thấy người tiêu thụ ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của cửa hàng. Có thể thấy rằng thị trường cà phê tại Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào những doanh nghiệp nước ngoài và những tập đoàn lớn với nhiều lợi thế về nguồn vốn, máy móc và thương hiệu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện vẫn chưa có nhiều chỗ đứng trên cả thị trường cà phê nội địa và trên thế giới. Với sự phát triển mạnh của lượng tiêu thụ cà phê trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như đối mặt với các thách thức để trở thành quốc gia đứng đầu trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê xanh của Việt Nam trong niên vụ 2018 - 2019 ước tính tăng khoảng 2% lên 30,4 triệu bao. Ngoài ra, USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê xanh của Việt nam giai đoạn này sẽ tăng lên 25,5 triệu bao.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, Đắk Lắk là một trong những vùng trọng điểm trồng cà phê tại Việt Nam với sản lượng giai đoạn 2017 – 2018 đạt khoảng 459.785 tấn, tăng 11.975 tấn so với niên vụ trước. Diện tích cà phê của toàn tỉnh là 204.808 ha, tăng 1.071 ha so với niên vụ 2016-2017.

Tuy nhiên, nhiều khu vực trồng cà phê khác địa bàn Tây Nguyên đang phải đối mặt với thách thức mất mùa trong khi giá cà phê giảm. Vùng chuyên canh cà phê lớn nhất Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức như cà phê già cỗi, mất mùa và giá cà phê trong niên vụ 2017-2018. Bên cạnh đó, các vấn đề như thiếu nhân công, tiền công hái cà phê cao cũng đang là thách thức lớn. Cao điểm của mùa thu hoạch cà phê ở tỉnh Gia Lai là từ cuối tháng 11 trở đi. Năm nay, ngoài nỗi lo năng suất sụt giảm, giá cả bấp bênh, người trồng cà phê ở tỉnh Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công thu hoạch. Ước tính mỗi ha cà phê vào mùa thu hoạch cần ít khoảng 5 lao động thu hái trong 1 tuần. Tỉnh Gia Lai với

hơn 93.000 ha cà phê, trong đó có khoảng 80.000 ha đang kinh doanh, đang gặp tình trạng khan hiếm nhân công vào mùa thu hoạch trong nhiều năm qua. Một hộ trồng cà phê ở xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai phản ánh công thu hoạch đã tăng từ 850.000 đồng/tấn lên 1 triệu đồng/tấn. Hộ này cho biết: “Công hái cao mà giá cà phê nhân xô chỉ khoảng 36 triệu đồng/tấn, sản lượng lại sụt giảm khoảng 1/3 so với niên vụ trước nên trừ công chăm sóc, tiền phân bón nữa là lỗ”. Không chỉ riêng các hộ nông dân, tình trạng thiếu nhân công hái cà phê còn xảy ra với các doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty TNHH 30/4 Gia Lai có 76 ha cà phê tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông) cũng đang cần khoảng tuyển 100 lao động thu hái cà phê.

Ông Phạm Phú Ngọc - Trưởng Bộ phận hỗ trợ nông nghiệp, Công ty Nestlé Việt Nam cho biết: “là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nhưng cà phê Việt Nam đang gặp phải những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài như chất lượng cà phê còn hạn chế do các nông hộ làm cà phê đa phần canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu chăm sóc. Diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng”. Trước thực trạng này, năm 2011, Nestlé đã liên tục đưa ra những giải pháp cũng như hoạt động cụ thể nhằm phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam. Trong 8 năm qua, Nestlé đã tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững cho hớn 200.000 lượt nông dân; giúp 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C; phân phối trên 27 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân. Đặc biệt, Nestlé còn cho ra mắt nhiều sản phẩm cà phê chế biến để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Mới đây, bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thế giới, nhãn hàng này đã cho ra mắt sản phẩm viên nén cà phê từ hạt cà phê Robusta Việt Nam, bước đầu nhận được sự hưởng ứng lớn của người tiêu dùng. Mô hình của Nestlé là một trong những mô hình sản xuất và phát triển cà phê bền vững thành công tiêu biểu của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thời gian qua. Các mô hình này ra đời có thể góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển ngành cà phê Việt Nam bền vững.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, năm 2019, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và trên cả nước sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El nino. Mới chỉ bước vào đầu cao điểm khô, một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên đã ở trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và dự báo tình trạng khô hạn có khả năng diễn ra khốc liệt vào mùa khô năm 2019. Tại Đăk Lăk, hầu hết các vườn cà phê ba lần ra hoa nhưng không đủ nước tưới nên rụng hoa, ít quả. Tương tự, tại Gia Lai trong 4 năm trở lại đây, lưu lượng nước trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, rất nhiều sông, suối cạn đáy khiến người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai còn gặp phải tình trạng quả cà phê có nhân rất nhỏ hoặc không nhân. Nguyên nhân là do một số trận mưa lớn kéo dài làm cho cây cà phê bị nhiễm nhiều loại bệnh hại ảnh hưởng đến chất lượng hạt.

Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), do tình trạng hạn hán thiếu nước tưới, hiện tượng El Nino, sâu bọ hoành hành và không đủ nhân lực do giá thành tăng cao mà giá cà phê lại xuống quá thấp, liên tục biến động, người trồng cà phê sẽ hoang mang và không còn mặn mà nhiều đến hoạt động chăm sóc, phát triển vườn cà phê của mình sẽ khiến cho sản lượng cà phê trong niên vụ tới bị sụt giảm đáng kể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích sự tham gia của các chủ thể việt nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với mặt hàng cà phê (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)