Xuất phát từ định nghĩa của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là sự thỏa thuận giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển nên một trong những văn bản, tài liệu hay chứng từ chứng minh về việc các bên có thực hiện hợp đồng chính là vận đơn. Do vậy, người vận chuyển có nghĩa vụ ký phát một bộ vận đơn cho người thuê vận chuyển nhằm xác nhận về việc người vận chuyển thực sự có nhận hàng hóa với chủng loại, số lượng, tình trạng, tính chất như nêu tại vận đơn [125, 22].
Ngoài ra, Bộ luật hàng hải 2015 của Việt Nam quy định người vận chuyển phải mẫn cán để trước và khi bắt đầu chuyến đi, đảm bảo tàu biển có đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị và vật phẩm dự trữ; các hầm hàng, hầm lạnh và khu vực khác dùng để vận chuyển hàng hóa có đủ các điều kiện nhận, vận chuyển và bảo quản hàng hóa phù hợp với tính chất của hàng hóa, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường đối với mất mát, hư hỏng hàng hóa do việc tàu biển không đủ khả năng đi biển, trừ trường hợp người vận chuyển đã mẫn cán trước và trong suốt chuyến đi [117, 22].
Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa, đảm bảo hàng hóa được giao đến cảng dỡ hàng đầy đủ và an toàn. Trong trường hợp có bất kỳ mất mát hay hư hỏng nào đối với hàng hóa thì người vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với các mất mát hay tổn thất hàng hóa đó.
Người vận chuyển sẽ kết thúc thỏa thuận của mình với người thuê vận chuyển bằng việc trả hàng cho người nhận hàng hợp pháp nếu có vận đơn gốc, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác có giá trị để nhận hàng. Trong trường hợp hàng hóa khơng được trả trong khoản thời gian đã thỏa thuận theo hợp đồng hoặc trong khoảng thời gian hợp lý cần thiết mà người vận chuyển mẫn cán có thể trả hàng đối với trường hợp khơng có thỏa thuận thì người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về việc chậm trả hàng.