Dựa vào vị trí địa lí và tập tính sinh thái, Curetis bulis ở bán đảo Đông Dương được chia làm hai loài phụ là C. b. bulis và C. b. stigmata. Trong khi C.
b. stigmata phân bố tập trung ở tận cùng phía nam Myanmar, bán đảo Thái Lan và Malaysia, trong các vùng rừng núi thấp dưới 450 mét, thì C. b. bulis có phân bố trải rộng khắp khu vực còn lại của bán đảo Đông Dương, và có thể tìm thấy từ vùng đầt thấp đến các vùng rừng núi cao 1.600 mét [45, 53] (xem Hình 3.18). Do đó, mẫu OK342117 và OK342118 của loài C. bulis thu được tại Hà Giang, ở độ cao 1.600 mét, được xác định chính xác là loài phụ C. b. bulis có khác biệt về mặt di truyền gần 1% so với mẫu MN199378 cùa loài phụ C. b. stigmata, thu được tại Malaysia. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả xây dựng cây phát sinh chủng loại ở trên, khi tỉ lệ phân biệt giữa mẫu nghiên cứu và mẫu C. b. stigmata đạt 100% (xem Hình 3.18). Như vậy, kết quả giải trình tự vùng gen CO1 của loài C. b. bulis trongnghiên cứu này cũng đã cung cấp cho GenBank dữ liệu mã vạch DNA của một loài phụ mới.
Hình 3.18. Tình trạng phân loại của loài Curetis bulis.
(Nguồn: Inayoshi [45])
Ngoài ra, loài D. eugenes có phân bố rộng từ Ấn Độ đến Đông Nam Á, là một loài có sự phức tạp về mặt phân loại do các quần thể bị chia cắt bởi núi và đảo đã tạo nên những loài phụ có đặc điểm hình thái bên ngoài khá tương đồng nhau [30]. Mẫu OK340914 và OK340915 trong nghiên cứu này thuộc
quần thể D. e. indigena, một loài phụ mới được mô tả cho khoa học dựa vào sự khác biệt chủ yếu về màu sắc thể hiện trên cánh khi so sánh với D. e. eugenes
và D. e. venox [54]. Về mặt hình thái, loài phụ D. e. venox được xem là đồng danh của D. e. eugenes, và cả hai đều có cấu tạo cơ quan sinh dục đực giống nhau [30, 54]. Tuy nhiên, khi phân tích trình tự nucleotide trên vùng gen CO1 kết hợp CO2, D. e. eugenes và D. e. venox lại có sự khác biệt về mặt di truyền, gần đạt mức khoảng cách cấp loài do Hebert đề xuất [30]. Mặt khác, khi xây dựng cây phát sinh chủng loại, mẫu OK340914 và OK340915 trong nghiên cứu này có trình tự vùng gen CO1 hoàn toàn giống với D. e. venox và tách biệt so với D. e. eugenes (xem Hình 3.19). Do đó, về mặt di truyền, chúng tôi tạm thời cho rằng D. e. venox và D. e. eugenes là hai loài phụ khác nhau, còn quần thể
D. e. indigena ở Hà Giang và D. e. venox là một, và D. e. indigena nên được xem là tên đồng danh của D. e. venox. Mặc dù vậy, cần thiết bổ sung các nghiên cứu sâu hơn như phân tích những đặc điểm hình thái có tính bảo tồn cao, cấu tạo cơ quan sinh dục, vòng đời, cây chủ, và một số vùng gen đặc hiệu khác trên quần thể D. e. indigena ở Hà Giang nói riêng và cả D. e. eugenes, D. e. venox
nói chung để làm rõ tình trạng phân loại của chúng trong tương lai.
Hình 3.19. Tình trạng phân loại của loài Dodona eugenes.