Hiện nay, nhu cầu nhân lực về viễn thông - công nghệ thông tin đang ngày một gia tăng. Theo Báo cáo năm 2018 và dự báo năm 2019 về thị trường tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam của VietnamWorks, ngành công nghệ thông tin nằm trong số 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng trực tuyến cao nhất. Tuy nhiên, theo Viện Chiến lược Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, chất lượng sinh viên của ngành này không cao, chỉ có khoảng 15% có thể làm việc ngay sau khi ra trường, 72% sinh viên không có kinh nghiệm thực hành. Trong khi đó, trong thời đại ngày nay, để ứng dụng tốt các thành quả của CMCN 4.0, nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin là vô cùng cần thiết, cả về chất và lượng. Do đó, Nhà nước có các giải pháp khác nhau để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt đối với ngành viễn thông - công nghệ thông tin để đáp ứng xu hướng phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong tương lai.
Ban hành những cơ chế, chính sách bảo đảm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho ngành viễn thông - công nghệ thông tin. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đảm bảo nguồn cung lao động trong tương lai phân bổ hợp lý cho
các ngành nghề, có các biện pháp thu hút sinh viên vào các trường đại học chuyên ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin.
Ngoài các kỹ năng chuyên môn, cần đưa vào giảng dạy tại trường đại học các kỹ năng cần thiết khác để sinh viên có thể thích ứng nhanh với cuộc CMCN 4.0, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm làm việc với các chuyên gia về viễn thông, công nghệ thông tin tại các nước phát triển để có thể học hỏi kinh nghiệm làm việc từ các chuyên gia thông qua: cử chuyên gia tham dự các khóa đào tạo nước ngoài, thuê chuyên gia giỏi về đào tạo, làm việc trong thời gian nhất định, cử chuyên gia của Việt Nam sang làm việc thực tế tại các tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin lớn tại các nước.