Đặc điểm ngành nghề kinh doanh của Công ty

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ sử DỤNG vốn KINH DOANH tại CÔNG TY cổ PHẦN XI MĂNG bỉm sơn (Trang 50 - 53)

2.1. Khái quát về Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn

2.1.4. Đặc điểm ngành nghề kinh doanh của Công ty

- Đặc điểm chung về ngành nghề kinh doanh

Xi măng là loại sản phẩm thuộc tư liệu sản xuất có đặc điểm rất đặc biệt và hiện nay gần như chưa thể thay thế được. Việc thấy rõ những đặc điểm đó sẽ cho phép định rõ hơn vị thế cạnh tranh và chiến lược phát triển của ngành công nghiệp xi măng.

+ Xi măng là một loại sản phẩm được sử dụng như một chất kết dính, liên kết các loại vật liệu rất quan trọng và không thể thay thế được trong ngành xây dựng. Nhu cầu xi măng tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của ngành xây dựng.

+ Nhà máy xi măng được tập trung theo khu vực các mỏ sét và đá vôi nhưng tiêu dùng thì được phân tán tùy thuộc vào khu dân cư, khu công nghiệp và những công trình xây dựng.

+ Công nghệ sản xuất xi măng hiện đại, vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài là đặc điểm rất quan trọng của ngành công nghiệp xi măng. Có sự khác biệt lớn trong giá thành sản xuất xi măng, công suất đầu tư, thời gian xây dựng theo từng loại hình công nghệ, công nghệ lò đứng hay lò quay.

+ Dây chuyền vận hành liên tục nhưng sản phẩm tiêu thụ có tính chất thời vụ. Để tối ưu hóa chi phí đầu tư ban đầu (thiết bị và vốn kinh doanh) các dây chuyền thiết bị lò quay phải hoạt động liên tục không dưới 23 giờ/ngày tính bình quân trong 1 năm. Điều này có nghĩa dây chuyền phải vận hành liên tục chỉ dừng lại khi có chế độ bảo dưỡng. Trong khi đó sản phẩm xi măng tiêu thụ có tính chất thời vụ phụ thuộc vào nhu cầu xây dựng. Cầu xi măng của thị trường tăng mạnh vào mùa khô và giảm vào mùa mưa. Vì vậy, sản phẩm ra lò phải dự trữ lớn vào mùa mưa.

+ Công nghệ sản xuất xi măng gắn liền với việc hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường, công nghệ sản xuất xi măng thải ra một lượng CO2 rất lớn do quá trình đốt nhiên liệu, CO2 thoát ra gián tiếp từ các nguồn điện năng suất, từ nguồn nhiệt điện đồng thời tạo ra một lượng bụi rất lớn khi nung, nghiền clinker gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Do vậy công nghệ sản xuất xi măng gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.

- Đặc trưng riêng của Công ty

+ Sản phẩm chính của Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn là xi măng PCB30 và PCB40, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ đồng bộ do Liên Xô cũ cung cấp. Đây là dây chuyền sản xuất xi măng theo phương pháp ướt nghiền hở với đặc điểm là dây chuyền chế biến kiểu liên tục và phức tạp.

Hiện nay, với dây chuyền công nghệ sản xuất cũ sẽ là một bất lợi trong nền kinh tế sôi động, cạnh tranh khốc liệt. Công ty đã sớm có chương trình kế hoạch nhằm đổi mới dây chuyền công nghệ từ sản xuất theo công nghệ ướt sang sản xuất theo công nghệ khô trên nền tảng cơ sở hạ tầng cũ có nhiều thuận lợi cho việc nâng cấp và đổi mới công nghệ, đã mở ra một khả năng mới với nhiều triển vọng nhằm cạnh tranh có hiệu quả với các doanh nghiệp sản xuất xi măng khác.

+ Bên cạnh việc sản xuất và cung cấp xi măng cho các công trình xây dựng trong nước và Công ty đang có thị trường xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện tại đang xuất khẩu sang nước cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, tại địa bàn này tuy việc cung ứng xi măng gặp rất nhiều khó khăn song vì việc chiếm lĩnh thị trường lâu dài vẫn quyết tâm đáp ứng thoả mãn nhu cầu thị trường. Ngoài ra công ty còn có 1 nhiệm vụ chính trị là cung cấp xi măng cho các địa bàn theo sự điều hành tiêu thụ của Tổng công ty xi măng Việt nam để tham gia vào việc bình ổn giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Công ty xi măng Bỉm Sơn xuất khẩu xi măng thông qua đầu mối Vicem. Năm 2016, sản lượng xuất khẩu của Công ty đạt 436 nghìn tấn, chiếm 11,2% tổng sản lượng xi măng bán ra. Năm 2017, BCC không còn hạn ngạch xuất khẩu xi măng thông qua Vicem dẫn tới sản lượng tiêu thụ có thể sẽ sụt giảm đáng kể.

+ Năm 2015-2016, thị trường xi măng khu vực miền Trung và miền Bắc tiếp tục gia tăng lượng cung khi mà một số nhà máy như Xi măng Long Sơn, giai đoạn 2 nhà máy Xi măng Công Thanh, Xi măng Sông Lam, Xi măng Sông Lam 2 đi vào hoạt động. Những nhà máy này làm cho lượng cung khu vực miền Trung tăng lên xấp xỉ 13 triệu tấn. Nguồn cung xi măng khu vực từ miền Trung trở ra luôn ở trong tình trạng dư cung nhiều năm nay. Các nhà máy với công suất lớn và ở gần nhau càng làm cho tình hình cạnh tranh ở đây càng trở nên gay gắt. Đặc biệt là một số doanh nghiệp như Long Sơn gia tăng cạnh tranh về giá khi sản phẩm của công ty có cùng công nghệ và nguồn nguyên liệu nhưng bán thấp hơn khoảng 2- 300.000 VND/tấn. Điều này làm ảnh hưởng đến thị phần của Công ty xi măng Bỉm Sơn ngày càng lớn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ sử DỤNG vốn KINH DOANH tại CÔNG TY cổ PHẦN XI MĂNG bỉm sơn (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)