Một lí do dẫn đến việc thực hiện CSR chưa thực sự hiệu quả là do thiếu thông tin, vai trò định hướng dẫn dắt CSR chưa rõ ràng nên vấn đề nhận thức và hiểu biết, tiếp cận và áp dụng chưa đầy đủ. Đội ngũ ban lãnh đạo Viettel Post là người quyết định việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hay không và khi thực hiện, sẽ thực hiện theo cách thức nào, bằng chiến lược, hành động gì. Chính vì vậy, điều quan trọng là ban Tổng Giám đốc Viettel Post cần phải hiểu rõ bản chất của việc thực hiện trách nhiệm xã hội là không chạy đua lấy thành tích hay lấy chứng chỉ một cách hình thức. Khi thực hiện CSR, cần phải xem xét những điều kiện và khả năng của Công ty mình liên quan đến các vấn đề tài chính trong việc đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và cân đối hiệu quả giữa đầu tư và lợi nhuận thu được. Năm 2019, Viettel Post dự định trích 5% lợi nhuận để tái đầu tư (trong đó trích lập 0,5% lợi nhuận để phục vụ các hoạt động trách nhiệm xã hội). Con số này theo nhiều
chuyên gia phân tích tài chính đánh giá là cao. Tuy nhiên, theo Ban Tổng Giám đốc, đây là giai đoạn cần thiết phải đầu tư cho việc mở rộng mạng lưới, cơ sở vật chất và công nghệ. Ngoài ra, khi thực hiện CSR cũng cần cân nhắc chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách bền vững và tạo thế cạnh tranh và uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp.
Với số nhân sự của Viettel Post là 18.510 người (số liệu cập nhật hết tháng 4/2019), trong đó có tới 6.726 người thuộc diện lao động tập nghề, thuê ngoài nhưng trình độ của nguồn nhân lực trong Viettel Post chỉ thuộc diện trung bình (do đặc thù của nghề bưu chính chủ yếu sử dụng sức lao động) Trong đó tỉ lệ học vị thạc sĩ và tiến sĩ chiếm khoảng 2.6%; trình độ đại học chiếm 21,52%; trình độ cao đẳng chiếm 31,12%, trình độ trung cấp chiếm 26,78%, trình độ sơ cấp chiếm 17,98%. Do vậy việc giáo dục về vai trò của trách nhiệm xã hội với người lao động càng cần được tăng cường hơn nữa để cán bộ nhân viên hiểu rằng đây là việc làm ý nghĩa. Điều này không chỉ là việc làm từ thiện, mang lại lợi ích cho các đối tượng ngoài xã hội mà là một yêu cầu của phát triển bền vững, là vì lợi ích thiết thực của chính bản thân Viettel Post và quyền lợi cho người lao động. Phát triển bền vững là một yêu cầu khách quan trong đó có sự kết hợp hài hóa giữa ba mặt cơ bản là phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, là việc làm vừa thỏa mãn nhu cầu trước mắt nhưng không để lại hậu quả cho thế hệ tương lai, nhằm bảo đảm sự phát triển của Viettel Post. Trách nhiệm xã hội hướng tới các đối tượng xã hội nói chung, đó là trách nhiệm đối với người tiêu dùng, khách hàng; trách nhiệm đối với đội ngũ lao động, cổ đông trong doanh nghiệp; trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư nơi doanh nghiệp kinh doanh.
Có nhiều cách thức để nâng cao nhận thức cho người lao động về trách nhiệm xã hội. Một là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin nội bộ, hiện nay, ở cấp Tập đoàn, Viettel có các trang thông tin nội bộ bao gồm: Nội san Người Viettel
(Báo giấy, phát hành 1 số/quý), trang tin nội bộ www.viettelfamily.com, hệ thống email, SMS nội bộ, màn hình sảnh tại các trụ sở doanh nghiệp,… Ở Viettel Post, có các kênh truyền thông như website: www.vto.vn, đặc biệt là các hội nhóm mạng xã hội như zalo, facebook, mocha, workplace,… Đây là những kênh thông tin giúp
người Viettel Post được tiếp xúc với những thông tin chính thống, trực tiếp từ ban lãnh đạo Tập đoàn hoặc Tổng Công ty. Hai là tổ chức các khóa đào tạo cho những quản lý doanh nghiệp, người lao động về các hoạt động cũng như lợi ích của CSR. Hiện nay, Học viện Viettel đang là cơ quan chủ quản tổ chức lớp đào tạo nhân viên mới về điều lệ, văn hóa, nội quy, các quy tắc ứng xử. Các khóa học giúp người mới gia nhập có hiểu biết cơ bản để đánh giá mức độ phù hợp với môi trường và văn hóa Viettel. Ba là đưa các bộ câu hỏi có liên quan đến CSR vào chương trình thi nâng bậc, thi nghiệp vụ thường niên của Viettel Post. Hiện nay, ở Viettel Post, các kỳ thi nghiệp vụ ở tất cả các chức danh đều được tổ chức định kỳ trên mocha, 03 tháng lại tổ chức đánh giá hợp đồng lao động một lần,… Đây là một kênh giúp cán bộ nhân viên có kiến thức về CSR khá hiệu quả.Bốn là thu nhận những đóng góp hay, khen thưởng những ý kiến sáng tạo nhằm góp phần xây dựng quy tắc ứng xử riêng của đơn vị.
Ở cấp độ doanh nghiệp, Viettel Post nên cắt cử cán bộ chuyên trách đi đào tạo, bồi dưỡng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để liên tục được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kịp thời kiến thức nền tảng, cơ bản về trách nhiệm xã hội, giúp hiểu rõ những lợi ích đạt được khi doanh nghiệp tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội để từ đó tham vấn chính sách cho lãnh đạo, đồng thời là những người trực tiếp quyết tâm thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cụ thể ở Viettel Post, bộ phần cần được đào tạo về trách nhiệm xã hội chính là bộ phận phụ trách công tác Trách nhiệm xã hội, phòng Đào tạo Truyền thông.
3.2.2 Rà soát về hoạt động CSR của Viettel Post
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là không vĩnh cửu, nó có thể được tạo lập nhưng cần để duy trì để phát huy vai trò và tác dụng của nó. Đối với mỗi doanh nghiệp khi xây dựng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đều mong muồn duy trì và tăng cường để nó là một bộ phận không thể thiếu trong sự phát triển của doanh nghiệp mình. Viettel Post cũng cần phải duy trì những điểm mạnh trong việc thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của mình và ngày càng hoàn thiện, phát triển đưa nó lên một tầm cao mới.
Để nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Viettel Post cần làm những công việc sau:
- Đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của công ty bằng việc hệ thống các hình thức của hoạt động trách nhiệm xã hội đang thực hiện, tác động cụ thể tới các nhóm đối tượng (tích cực như thế nào, các hoạt động nào nên duy trì/nâng cao/thay đổi,…) Công tác đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp này yêu cầu nhân sự có hiểu biết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, có kỹ năng phân tích tổng hợp nghiên cứu. Công ty có thể lựa chọn hai phương pháp tự đánh giá hoặc thuê tư vấn:
+ Công ty tự đánh giá: Công ty tự đánh giá sẽ có lợi thế là có sự hiểu biết sâu sắc về công ty mình, chi phí thấp và đảm bảo tính bảo mật thông tin, tuy nhiên đòi hỏi lượng nhân sự có chuyên môn cao điều này khó thực hiện đối với công ty. Công ty xây dựng kế hoạch đánh giá, các tiêu chí đánh giá, các nguồn lực cho đánh giá rồi thực hiện theo kế hoạch đề ra.
+ Outsourse, thuê các công ty chuyên tư vấn đánh giá về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để họ đánh giá, việc này cần có Tổng giám đốc xét duyệt. Thực hiện theo cách này, kết quả có thể sẽ tốt hơn tuy nhiên lại mất nhiều chi phí.
- Từ việc phát hiện các nguyên nhân làm cản trở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để có biện pháp thay đổi khi cần thiết công việc này, lấy kết quả đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở trên hoặc lãnh đạo công ty có thể thường xuyên quan sát thu thập các thông tin để phát hiện các nguyên nhân cản trở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và có biện pháp thay đổi kịp thời.
- Công ty cần gắn kết những giá trị cốt lõi của công ty vào sản phẩm và xây dựng mối quan hệ nhân sự bền vững trong doanh nghiệp. Duy trì các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
- Công ty nên sớm tiến hành đánh giá mức độ hiểu biết và tính sẵn sàng tham gia của cán bộ nhân viên. Việc nhận thức “Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội” xuyên suốt từ Tập đoàn nên ban lãnh đạo Viettel Post có nhận thức rõ. Tuy nhiên, ở bộ phận cấp dưới với hơn 18.000 nhân sự, nhận thức này có thể yếu hoặc
không có, thậm chí sai lệch. Nếu một công ty càng chần chừ bao nhiêu thì khi thực hiện sẽ càng trở nên khó khăn bấy nhiêu. Chắc chắn hậu quả của việc trì hoãn này sẽ là rất lớn. Trong số những hậu quả xấu do việc chậm trễ tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là ý thức của nhân viên không được nâng cao, phàn nàn của khách hàng ngày càng nhiều, nhiều cơ hội và công việc kinh doanh bị bỏ lỡ, năng suất làm việc thấp, chậm thích ứng với những thay đổi mới, hiệu quả làm việc bị ảnh hưởng xấu… Khi một công ty đã có nhiều năm hoạt động kinh nghiệm và cách thức hoạt động của nó đã ăn sâu có rễ đến mức nó cản trở sự thích ứng với những thay đổi và sự cạnh tranh trên thị trường của chính công ty ấy, vì vậy lãnh đạo và nhân viên trong Tổng Công ty cần nỗ lực thật nhiều để thực hiện chủ trưởng tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
- Sau khi xác định được thời điểm cần tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, công ty cần phải xác định các yếu tố cần tăng cường có thể phải thay đổi một số yếu tố hay toàn bộ. Sau đó xây dựng kế hoạch cụ thể để thay đổi các yếu tố đó xác định đó và cuối cùng là đánh giá về kết quả của sự thay đổi đó.
Vấn đề then chốt ở đây là Viettel Post, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên tuyến đầu cần phải nhận thức thay đổi văn hóa công ty, nhận thức rõ về tầm quan trọng của CSR với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
3.2.3 Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội
Trong khuôn khổ luận văn, người viết đề xuất ứng dụng bộ tiêu chuẩn ISO 26000:2010 vào thực tế hoạt động trách nhiệm xã hội tại Viettel Post với lý do, bộ tiêu chuẩn gồm 7 nội dung chính gồm quản trị tổ chức, bảo vệ quyền con người, người lao động, bảo vệ môi trường, hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát triển cộng đồng. Trong đó, các hoạt động của Viettel Post hiện nay về trách nhiệm xã hội cũng đang thực thi các nội dung như trên.
Cụ thể, các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội phải được ban hành thành quy chế và yêu cầu 100% người Viettel Post phải nắm rõ, hiểu và thực hiện (tương tự như các văn bản hiện nay được Viettel Post thực hiện trên VOffice - hệ thống văn bản nội bộ của Viettel nói chung). Quy chế này quy định rõ về đối tượng áp dụng (100%
cán bộ, nhân viên Viettel Post), phạm vi và mức độ áp dụng. Đối với từng nội dung của bộ tiêu chuẩn sẽ nêu rõ cách áp dụng trong nội bộ Viettel Post. Cụ thể, bộ tiêu chuẩn cần có những quy định rõ về các vấn đề sau:
- Quản trị tổ chức: Tại Viettel Post hiện nay, việc quản trị tổ chức theo nguyên tắc 7S với các yếu tố bao gồm: Strategy – Chiến lược, Structure – Cơ cấu, System – Hệ thống, Skill – Kỹ năng, Staff – Đội ngũ, Style – Phong cách, Shared Value – Giá trị được chia sẻ. Cụ thể, 7 nhóm yếu tố này chia thành hai nhóm lớn là nhóm yếu tố cứng (gồm Strategy, Structure và System) và nhóm yếu tố mềm (gồm Skill, Staff, Style và Shared Value). Ứng dụng mô hình này, Viettel Post hướng tới mục tiêu thành công trong kinh doanh, cần phải kết hợp các chức năng để đạt hiệu quả cao nhất. Xuất phát từ lý do, Viettel Post hoạt động trong lĩnh vực bưu chính – chuyển phát, thị trường có nhiều sự thay đổi, biến động nên khi ứng dụng mô hình 7S phải linh hoạt khi tập trung yếu tố nhóm cứng hay nhóm mềm. Trong trường hợp phải ứng phó trước sự thay đổi của môi trường, Viettel Post thường tập trung vào đổi mới nhóm yếu tố cứng hơn là nhóm yếu tố mềm. Tuy nhiên, về lâu dài, doanh nghiệp sẽ tập trung gây dựng nhóm yếu tố mềm một cách tối đa, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, bởi cơ cấu tổ chức và chiến lược chỉ phát huy được khi dựa trên nền tảng văn hóa và giá trị chuẩn mực tồn tại trong đơn vị. Viettel Post chưa xây dựng được chiến lược trong thực hiện trách nhiệm xã hội, tuy nhiên, Viettel Post cũng ứng dụng triết lý của Tập đoàn: “Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội”. Vì thế, trong tổ chức, quản lý, Viettel Post cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội gắn với 7 yếu tố nêu trên. Cụ thể, trách nhiệm xã hội cần phải được đưa vào chiến lược của doanh nghiệp trong cả trung và dài hạn. Viettel Post cần phải xác định việc thực hiện trách nhiệm xã hội với chiến lược cụ thể, xác định mục tiêu rõ ràng và nguồn lực để đảm bảo duy trì thực hiện. Việc đưa nội dung thực hiện trách nhiệm xã hội vào chiến lược kinh doanh để Viettel Post nhận thức rõ muốn phát triển bền vững thì luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quyền lợi lao động, phát triển cộng đồng. Tuân thủ quy chuẩn về trách nhiệm xã hội không chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức kinh doanh hay là các hoạt động chi phí không đem lại lợi nhuận, mà ngược lại, việc thực hiện trách
nhiệm xã hội sẽ giúp doanh nghiệp có được nhiều lợi thế trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, Viettel Post có cơ sở để xây dựng và thực hiện được tốt các chương trình hành động để thực hiện trách nhiệm xã hội theo giai đoạn và nội dung cụ thể. Cấu trúc của các chương trình trách nhiệm xã hội nên được chia theo đối tượng bao gồm: người lao động, khách hàng, cộng đồng, môi trường và cổ đông.
- Người lao động và bảo vệ quyền con người: Trong bộ tiêu chuẩn nên đề cập rõ tới các quyền lợi mà người lao động được hưởng, ví dụ như chế độ lương thưởng, thu nhập, bảo hiểm, các quy định khác như ưu tiên phụ nữ có thai, sinh con nhỏ hoặc quy định về chế độ phụ cấp cho cán bộ, nhân viên công tác xa nhà, làm thêm giờ hoặc cán bộ, nhân viên nữ,… Ngoài việc ban hành bộ tiêu chuẩn liên quan đến quyền lợi người lao động, cần có sự truyền thông để người lao động hiểu rõ và đấu tranh vì quyền lợi người lao động.
- Bảo vệ môi trường: Viettel Post đang đẩy mạnh việc thực hiện đóng gói hàng miễn phí bằng hộp carton cho khách hàng. Việc làm này giúp đẩy nhanh thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm hư hỏng, vỡ, méo hàng hóa trong khi chuyển phát. Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc thay đổi nhận thức và hành vi khách hàng khi sử dụng thùng hộp carton thay vì túi nilon cũng là hoạt động giúp tăng bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội với môi trường. Trong tiêu chuẩn này, Viettel Post cần phải quy định rõ về hàng hóa, cách thức đóng gói, tỷ lệ gói hàng bằng túi nilon tối đa cho phép để tăng tần suất sử dụng thùng, hộp carton tái chế.
- Hoạt động minh bạch: đây là nội dung liên quan tới tất cả các nhóm đối tượng mà hoạt động trách nhiệm xã hội hướng tới như khách hàng, các cổ đông, người lao động,… Tức là, trong bộ tiêu chuẩn, Viettel Post cần phải quy định rõ về mức độ công bố thông tin và phạm vi các thông tin được công bố về những cam kết của Viettel Post với từng nhóm đối tượng. Ví dụ, người lao động có quyền được biết các thông tin về chế độ lương thưởng, thu nhập, phúc lợi, chế độ bảo hiểm y tế,