1.3.1.1. Kinh tế
Nền kinh tế đất nước đang tăng trưởng ổn định hay lạm phát cao đều là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và đương nhiên ảnh hưởng đến công tác quản trị nguồn nhân lực của tất cả các doanh nghiệp. Tình hình kinh tế đất nước thay đổi, yêu cầu các doanh nghiệp phải có những sự điều chỉnh về kế hoạch, chiến lược kinh doanh dẫn đến sự thay đổi trong các chiến lược và chính sách quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Xu hướng toàn cầu hóa kinh tế trên thế giới đã tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến và mở ra một thị trường rộng lớn, nhưng cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp, áp lực cạnh tranh ngày càng tăng đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt nhất là yếu tố xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực đủ về số lượng, cao về chất lượng và trung thành với sự phát triển của công ty.
1.3.1.2. Dân số - lực lượng lao động
Yếu tố dân số rất quan trọng trong quá trình xây dựng chiến lược nó không những là nguồn lao động, chất lượng lao động mà còn liên quan tới chi phí nhân công. Dân số tác động trực tiếp đến sự thay đổi của môi trường kinh tế và xã hội. Thông tin về dân số cung cấp cho nhà quản trị những dữ liệu quan trọng trong việc hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh. Do đó, khi xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp cần quan tâm các yếu tố về dân số như: Tổng dân số xã hội, tỷ lệ tăng dân số hàng năm, kết cấu và xu hướng thay đổi của dân số: độ tuổi, giới tính, dân
tộc, nghề nghiệp, tôn giáo, phân phối thu nhập và xu hướng dịch chuyển dân số giữa các vùng, miền.
1.3.1.3. Văn hóa – xã hội
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có một nền văn hóa riêng biệt và đặc trưng văn hóa của mỗi nước có ảnh hưởng đến tư duy và hành động của con người trong đời sống kinh tế - xã hội của nước đó. Do vậy, các vấn đề thuộc về văn hóa - xã hội: lối sống, nhân quyền, dân tộc, khuynh hướng tiết kiệm và tiêu dùng của các dân cư, thái độ đối với chất lượng cuộc sống, vai trò của phụ nữ trong xã hội…. có ảnh hưởng nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và hoạt động quản trị nguồn nhân lực nói riêng. Nghiên cứu, cập nhật thường xuyên tình hình thị trường lao động phải là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản trị nguồn nhân lực, tình hình thị trường lao động rất có ảnh hưởng đến các chính sách nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách tiền lương và đào tạo.
1.3.1.4. Chính trị - pháp luật:
- Chính trị: Môi trường chính trị bao gồm các hệ thống quan điểm đường lối chính sách của chính phủ, hệ thống pháp luật hiện hành, các xu hướng chính trị, ngoại giao của chính phủ và những diễn biến chính trị trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Các biến động về môi trường chính trị sẽ tạo cơ hội hay gây ra rủi ro cho doanh nghiệp.
- Pháp luật: Trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản trị nguồn nhân lực, doanh nghiệp luôn phải dựa trên hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật bắt buộc các doanh nghiệp phải quan tâm đến quyền lợi tối thiểu của người lao động và môi trường làm việc kể cả môi trường sinh thái.
1.3.1.5. Kỹ thuật – Công nghệ
Tất cả các doanh nghiệp đều phụ thuộc vào kỹ thuật công nghệ. Ngày nay kỹ thuật công nghệ là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp, sự tiến bộ của kỹ thuật công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn có sự cải tiến không ngừng, phải đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời các doanh
nghiệp có thể phải đối diện với việc giải quyết lao động dư thừa nếu không có chiến lược hợp lý.
1.3.1.6. Khách hàng
Khách hàng là những người tiêu thụ và sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần phải lôi kéo được nhiều khách hàng về phía mình và luôn tạo cho khách hàng sự tin tưởng tuyệt đối. Muốn làm được điều đó doanh nghiệp phải làm thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Vì vậy, việc nghiên cứu khách hàng và chăm sóc khách hàng là yếu tố rất quan trọng giúp doanh nghiệp giữ vững và phát triện thị trường.
1.3.1.7. Đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh là tất cả các doanh nghiệp cùng kinh doanh một loại sản phẩm trên cùng một thị trường. Việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, giúp doanh nghiệp xác định được những điểm yếu, điểm mạnh của đối thủ. Từ đó, xây dựng được chiến lược kinh doanh và tạo lợi thế trong cạnh tranh giữ vững và phát triển thị trường, tăng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận cho công ty và tạo công ăn việc làm cũng như tăng thu nhập cho người lao động.
1.3.1.8. Áp lực xã hội
Tình hình sản xuất, kinh doanh đã khó khăn, trong khi đó, chi phí đầu vào liên tục biến động theo chiều hướng xấu, cộng với áp lực tăng giá điện, xăng dầu và áp lực đòi tăng lương đã khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Khi chi phí đầu vào đều tăng áp lực buộc doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm, dẫn đến nhu cầu thị trường giảm, sản xuất kinh doanh sẽ bị thu hẹp, lao động sẽ không có việc làm và thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.