Nguồn lao động dồi dào với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, thông minh, giá nhân công rẻ là lợi thế của nền kinh tế Việt Nam … Tuy nhiên, để biến lợi thế này từ dạng tiềm năng trở thành hiện thực thì cần phải có chính sách đào tạo bồi dưỡng đúng đắn kịp thời, đồng bộ các nguồn nhân lực từ cán bộ quản lý, kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ giỏi đến đội ngũ công nhân lao động.
Cần có cán bộ chuyên trách về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cán bộ chuyên trách phải có chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực hoạt động của Công ty và được đào tạo chuyên sâu về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Hàng năm cần đánh giá thực trạng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hiện tại để thấy được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Cần xây dựng chiến lược, định hướng công tác đào tạo và phát triển nhân lực phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh doanh của Công ty, tư vấn, giám sát – kiểm tra, quản lý và phát triển nhân tài, kiến thức phù hợp với chiến lược phát triển của Công ty TNHH Maeda Việt Nam, các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể cho từng năm, chương trình đào tạo phải gắn với nhiệm vụ kinh doanh, đề xuất nhân sự tham gia các khóa đào tạo đúng người và phù hợp yêu cầu của từng vị trí công việc.
Xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo ngắn và dài hạn, áp dụng các công nghệ đào tạo tiên tiến theo xu hướng nâng cao trình độ thực hành; các chương trình ngắn hạn gắn với tiêu chuẩn chức danh từ cơ sở đến các trình độ cơ bản, nâng cao và chuyên sâu trong từng lĩnh vực.
Căn cứ Bảng 3.3 về nhu cầu nguồn nhân lực mới của năm 2019 (18 người), năm 2020 (10 người) và năm 2021 (15 người) để xây dựng kế hoạch tuyển dụng và lên chương trình đào tạo cho phù hợp.
Dựa vào nhu cầu nguồn nhân lực trong kế hoạch thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển, giao xuống cho các phòng hoàn chỉnh chi tiết quy hoạch nguồn nhân lực cần đào tạo như: đối tượng cần đào tạo, số lượng cần đào tạo, nhóm đào
tạo, nội dung cụ thể cần đào tạo, thời gian đào tạo. Nội dung bảng quy hoạch phải thể hiện được đầy đủ các tiêu chí và theo nguyên tắc sau:
- Yếu tố con người: Phải có đủ năng lực để hoàn thành công việc, trình độ chuyên môn phải phù hợp với nội dung đào tạo, luôn có tính cầu tiến, nhiệt tình công việc và cam kết gắn bó lâu dài với Công ty.
- Nội dung đào tạo: Phải tương xứng với đối tượng tham gia, đúng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đúng yêu cầu của tính chất công việc, khối lượng kiến thức phải phù hợp với thời gian đào tạo, đào tạo phải theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn, tập trung theo hướng đào tạo chuyên sâu và bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn, tránh đào tạo theo kiểu đại trà, tự phát gây lãng phí cho Công ty.
- Đảm bảo lợi ích của người được đào tạo và lợi ích của Công ty: Trưởng các phòng khi đề xuất nhân sự cho đi đào tạo phải gắn với mục tiêu phát triển của Công ty, phải đúng đối tượng, phù hợp với vị trí công việc, chuyên môn đang đảm nhận, tránh tình trạng theo sự cả nể, theo tình cảm cá nhân…
Cần tập trung nhiều hơn nữa cho việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động dưới nhiều hình thức, như đào tạo những kiến thức cơ bản cho toàn thể lao động về luật lao động, về nội quy lao động, về nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, thường xuyên cử các nhân sự chủ chốt, nhân sự quy hoạch nguồn đi tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu hay tham gia học tập kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp thành viên có uy tín của Tập đoàn Maeda tại Nhật Bản, tham quan các doanh nghiệp lớn, học hỏi kinh nghiệm quản lý, tìm hiểu Kỹ thuật – Công nghệ của họ,…
Xây dựng các chương trình đào tạo quản lý theo hướng tiêu chuẩn hóa nhân sự có tính bắt buộc đối với các nhân sự chủ chốt. Định hướng tới năm 2025 các cán bộ chủ chốt như: Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Trưởng phòng phải đạt Tiếng Anh và Tiếng Nhật và nhân viên các phòng Ban đều đạt Toeic 600 trở lên.
Bảng phân bổ chi phí đào tạo cho các đối tượng mà định hướng với Công ty TNHH Maeda Việt Nam thực hiện trong năm 2020, cụ thể được thể hiện trong Bảng 3.4.
Bảng 3.4: Đề xuất phân bổ chi phí đào tạo cho các đối tượng
Đơn vị tính: Triệu đồng
Đối tượng tham gia đào tạo Số lượt lao động Tổng chi phí đào tạo
1. Đào tạo nhân sự quản lý 16 950
2. Đào tạo nhân sự quản lý nguồn nhân lực 1 80
3. Đào tạo nhân sự phụ trách công tác đào tạo
và phát triển nguồn nhân lực 1 86
4. Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ 60 1.806
5. Các chương trình đào tạo khác 62 109
Tổng cộng 140 3.031
(Nguồn: Phòng Hành chính – Nhân sự)
Đối tượng đào tạo, kinh phí đào tạo và số lượt người tham gia được xây dựng dựa trên phương pháp nội suy từ nhu cầu thực tế trong các năm vừa qua và dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2020 và điều chỉnh cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế cũng như có sự điều chỉnh phù hợp cho các năm tiếp theo.
Xây dựng hệ thống kiểm tra theo dõi, giám sát đánh giá chất lượng sau đào tạo và hiệu quả sử dụng chi phí đào tạo.
Xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả đối với người lao động sau khi được tham gia đào tạo theo các tiêu chí như: thi kiểm tra kiến thức sau khi được đào tạo, phản hồi từ các đơn vị đào tạo, kết quả làm việc sau khi đào tạo, đánh giá của đồng nghiệp, đánh giá của cấp trực tiếp quản lý …